UAEQuần đảo hình cây cọ Palm Jumeirah rộng 5,72 km ở ngoài khơi Dubai được xây bằng đá và cát nạo vét dưới đáy vịnh Ba Tư. Quần đảo Palm Jumeirah ở ngoài khơi Dubai. Ảnh: Andrew Ring Dubai là mảnh đất của nhiều kỳ quan kỹ thuật, nhưng có lẽ một trong những công trình nổi tiếng nhất ở đây là Palm Jumeirah. Quần đảo nhân tạo hình cây cọ này bắt đầu được xây vào năm 2001 và nằm trong số các địa danh dễ nhận biết nhất của thành phố kể từ sau đó, theo IFL Science. Các kỹ sư xây dựng loạt đảo nhân tạo lớn nhất thế giới cách vùng ven biển Dubai 56 km bằng cách sử dụng cát nạo vét và đất đá. Thay vì dùng vật liệu xây dựng như bê tông và thép như ở phần còn lại của thành phố, dự án tận dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên. Hơn 7 triệu tấn đá được đào từ dãy núi Hajar trong khi công ty Hà Lan Van Oord quyết định nạo bét khoảng 120 triệu m3 cát từ đáy vịnh Ba Tư. Lý do họ không sử dụng cát sa mạc có sẵn quanh Dubai bởi cát sa mạc sẽ hóa lỏng khi ở trong nước, theo Ali Mansour, người làm việc trong dự án. Cân nhắc kế hoạch cung cấp nơi ở cho hàng nghìn cư dân và một số khách sạn trên quần đảo, cát không hóa lỏng trở thành lựa chọn tối ưu hơn. Nhưng cát vẫn có thể hóa lỏng trong tình huống khác như động đất. Để đối phó vấn đề này, các kỹ sư nén cát bằng kỹ thuật gọi là đầm rung sâu (vibro compaction), được thiết kế để ổn định vật liệu và ngăn nó chảy giống nước. Điều này đòi hỏi sử dụng một máy rung khổng lồ và đặt nó trong đất, trong đó rung động ép những hạt cát theo cách chặt nhất. Quần đảo còn sử dụng biện pháp bảo vệ quan trọng khác. Xây dựng bằng lượng đá khổng lồ, bao quanh quần đảo là đê chắn sóng dài 11 km. Thiết kế đê giúp bảo vệ những đảo bên trong khỏi sự phá hủy của sóng biển hoặc xói mòn cát. Tuy nhiên, điều đó cũng dẫn tới hiện tượng nước đọng. Dù quần đảo cây cọ trông rất ấn tượng, các nhà nghiên cứu phát hiện quá trình xây dựng dẫn tới xói mòn bờ biển ở nơi khác, xuống cấp rạn san hô và nhiệt độ cao hơn. Hơn 20 năm từ sau quá trình xây dựng, nhiều khách sạn sang trọng, thủy cung, trung tâm mua sắm và bãi biển đã ra đời trên quần đảo. Nhà chức trách cũng lên kế hoạch mở một trong những bể bơi vô cực cao nhất thế giới tại đây cuối năm nay. Dù là quần đảo nhân tạo lớn nhất thế giới, Palm Jumeirah không chứa đảo nhân tạo lớn nhất. Danh hiệu đó thuộc về đảo Flevopolder ở Hà Lan. Xây vào năm 1968, hòn đảo rộng 972 km2 đóng vai trò ngăn lũ lụt và tăng thêm đất canh tác nông nghiệp. Trên thực tế, danh hiệu quần đảo nhân tạo lớn nhất đáng lẽ thuộc về dự án Palm Jebel Ali. Quá trình xây dựng bắt đầu từ năm 2002 nhưng khó khăn tài chính khiến dự án bị trì hoãn. An Khang (Theo IFL Science) Mua hàng tại Tin Học Như ÝNguồn VNExpress