Bộ Y tế dự trù kinh phí phòng chống dịch cúm H7N9 đến 115 triệu USD, trong khi Bộ Nông nghiệp chỉ đề nghị 5,5 triệu đôla. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, trước khi đưa ra số kinh phí trên, Bộ Y tế đã làm việc với các đối tác quốc tế để xây dựng 4 tình huống đối phó với dịch, mỗi tình huống sẽ có kinh phí khác nhau. Kinh phí đề xuất là vừa đủ để đáp ứng tình hình dịch nếu như xảy ra tại Việt Nam. Cụ thể, Bộ Y tế xây dựng kế hoạch phòng chống cúm theo 4 phương án và kinh phí cho từng giai đoạn. Dự kiến kinh phí tổng cộng gần 115 triệu USD, trong đó 36,3 triệu USD từ Chính phủ, còn lại quốc tế hỗ trợ. Một lãnh đạo Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, con số 115 triệu USD dựa trên những phân tích tổng hợp về tất cả các tình huống ứng phó với cúm H7N9. Trong đó bao gồm: Truyền thông; Xét nghiệm tìm ca bệnh, giám sát virus, vật chủ; Diễn tập chống dịch; Nâng cao năng lực phòng xét nghiệm, Chẩn đoán tại các viện vệ sinh dịch tễ; Củng cố, xây dựng các khu cách ly… Kế hoạch chống dịch gồm 4 phương án, gắn với mức kinh phí cụ thể. Chẳng hạn, trong phương án 1, khi chưa có ca bệnh trên người, Bộ Y tế đề xuất mức 17 triệu USD (trong đó 9,6 triệu USD là tài trợ quốc tế và trên 7,3 triệu USD từ Chính phủ). Dự kiến gần 1 triệu USD là cho truyền thông với hai hội thảo liên ngành, hai lớp tập huấn cho báo chí, sản xuất tranh gấp, áp phích, sổ tay hỏi đáp đường dây nóng, bản tin hằng tuần... Với các phương án 2, 3, 4 (có ca bệnh; khi lây từ người sang người ở phạm vi hẹp và khi dịch bùng phát ra cộng đồng) thì mức kinh phí đề xuất là trên 97,7 triệu USD. Việt Nam đang ở giai đoạn 1 của dịch, chưa phát hiện ca nhiễm cúm H7N9 cả ở người và gia cầm. Theo Thứ trưởng, Bộ Y tế đã huy động nguồn lực sẵn có để phòng, chống cúm H7N9. Ngay từ đầu, Bộ cũng đã sử dụng toàn bộ những dự án hiện có và lồng ghép những dự án đang có để có thể triển khai các hoạt động. Trên thực tế số tiền chi phí chống cúm mà Bộ Y tế dự trù cao gấp trên 100 lần so với mức kinh phí mà Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn đề xuất. Theo đó, Bộ Nông nghiệp đưa ra con số 5,5 triệu USD chống cúm trong khuôn khổ hoạt động của bộ này. Theo bà Nguyễn Thu Thủy, Phó cục trưởng Cục Thú y Bộ Nông nghiệp, số tiền này được dùng để đẩy mạnh các hoạt động như tập huấn chẩn đoán cho các phòng thí nghiệm, xét nghiệm bệnh phẩm gia cầm, giám sát chợ, quản lý vận chuyển qua biên giới, nghiên cứu phòng thí nghiệm và dịch tễ… Giải thích vì sao ngành y cần kinh phí chống dịch cúm H7N9 cao, Tiến sĩ Trần Tịnh Hiền, nguyên phó giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới TP HCM - từ kinh nghiệm chống dịch H5N1 và H1N1 - cho biết, ngoài việc trang bị thiết bị, thuốc men, một trong những khâu tốn kém nhiều nhất là chi phí xét nghiệm. “Trong đợt dịch cúm A/H1N1 năm 2009, chỉ riêng Viện Pasteur TP HCM đã chi khoảng 8 tỷ đồng cho xét nghiệm. Còn chi phí này ở Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM cũng tương đương 8 tỷ đồng. May mà khi ấy có một tổ chức nước ngoài hỗ trợ”, bác sĩ Hiền nói. Bác sĩ Hiền cũng nhìn nhận công tác nâng cao năng lực tự phòng bệnh cho người dân chủ yếu vẫn là tuyên truyền trên báo đài. Chi phí cho công tác này cũng không nhỏ. Tiến sĩ Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, nơi được phân công sẽ điều trị cho các bệnh nhân cúm H7N9 (nếu có) cho biết, cứ sau mỗi vụ dịch, bệnh viện đều được trang bị thêm máy móc và các trang thiết bị tương đối đủ. Bệnh viện hiện có 26 máy thở, 3 máy lọc máu có thể đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh. Ngoài ra còn dự phòng 3.000 viên Tamiflu, 8.000 khẩu trang phẫu thuật, 250 khẩu trang kháng virus... Tuy nhiên, để ứng phó với dịch cúm H7N9 nếu xảy ra, bệnh viện đã đề nghị Bộ Y tế cung cấp thêm vài máy thở, máy lọc máu nữa. "Hiện tại dịch chưa xảy ra, mọi công tác đều là dự phòng, đề xuất, chuẩn bị được đến đâu thì chuẩn bị. Nếu bảo cần bao nhiêu tiền để phòng chống dịch thì rất khó nói. Nếu dịch thực sự đến giai đoạn 4 bùng phát ra cả cộng đồng thì số tiền có thể còn lớn hơn nữa vì ảnh hưởng đến sức khỏe của hàng chục triệu người", tiến sĩ Kính nói. Các chuyên gia cho rằng ước tính chi phí phòng dịch cúm là điều khó, vì có thể rơi vào tình trạng quá thừa hoặc quá thiếu. Ảnh: Thiên Chương Tiến sĩ Lê Trường Giang, nguyên phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM, người trực tiếp chỉ đạo chống dịch cúm H5N1 và H1N1 có ý kiến rằng việc đầu tư trang thiết bị y tế cho tuyến điều trị là chuyện phía sau, còn trước mắt cần đầu tư nâng cao năng lực phòng bệnh của người dân. Theo bác sĩ Giang, qua hai đợt chống dịch H5N1 (2005) và H1N1 (2009), các cơ sở y tế ở TP HCM đã được đầu tư cơ bản máy móc đủ để ứng phó khi có dịch bệnh bùng phát. Một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại TP HCM đề nghị không nêu tên, cho rằng, khi phán xét chi phí nhiều hay ít, đủ hoặc không đủ cần phải căn cứ vào bảng dự trù. Muốn dự trù tốt cần phải có sự tham gia và phối hợp của nhiều chuyên gia từ chuyên ngành dịch tễ học để bàn khả năng bệnh lây lan và mức độ bệnh xảy ra. Phải ước tính được số bệnh nhân có thể mắc khi đại dịch lan đến, trong đó bao nhiêu phần trăm bệnh nặng cần nhập viện, bao nhiêu phần trăm cần thở máy. Việc dự trù cũng nên có sự tham gia của các nhà chuyên môn để biết cần các loại thuốc, hóa chất, máy móc tương ứng cho từng nhóm bệnh. Ngoài ra không thể thiếu các chuyên gia kinh tế y tế. “Mọi ước tính đều có thể sai lầm. Trong những thời điểm nhạy cảm như thế này các nhà hoạch định chính sách luôn bị áp lực rất lớn. Nếu dự trù quá lố thì phí, trường hợp dự trù không tới thì khi thật sự có dịch xảy ra sẽ không cung ứng đủ, cả hai tình huống đều bị phê phán nghiêm trọng. Nếu đứng trên quan điểm vì sức khỏe người dân thì phải chấp nhận kinh phí 'thà dư còn hơn thiếu'”, bác sĩ nói. Cũng theo bác sĩ này, thuốc men, hóa chất, trang thiết bị là cần thiết. Tuy nhiên cần thiết hơn là con người. Cần con người có chuyên môn (y tế) và cả người bệnh có hiểu biết về bệnh tật (không hoang mang hoảng loạn thái quá đồng thời cũng không chủ quan lơ là mất cảnh giác). Vị chuyên gia cũng nhấn mạnh, việc phân bố, sử dụng trang thiết bị khi có dịch là quan trọng. Tránh phân chia kiểu bình quân, phân phối cho các nơi không có người biết sử dụng. Thiên Chương - Phương Trang Nguồn VNExpress