Công ty Nueva Pescanova đang đối mặt sự phản đối từ nhiều tổ chức động vật với kế hoạch xây dựng trang trại sản xuất 3.000 tấn bạch tuộc mỗi năm. Bạch tuộc là động vật có trí thông minh cao. Ảnh: Diane Picchiottino/Unsplash Sau khi giải quyết một số trở ngại gắn liền với chăn nuôi bạch tuộc thương mại, một công ty hải sản Tây Ban Nha đang lên kế hoạch xây dựng trang trại bạch tuộc đầu tiên trên thế giới. Tuy nhiên, kế hoạch vấp phải làn sóng phản đối từ nhiều tổ chức hoạt động vì quyền động vật, IFL Science hôm 13/2 đưa tin. Nueva Pescanova dự định xây tổ hợp rộng 52.691 m2 chuyên dùng để chăn nuôi bạch tuộc dọc theo bến cảng Las Palmas tại quần đảo Canary của Tây Ban Nha ở Đại Tây Dương. Tòa nhà hai tầng sẽ giải quyết mọi bước trong quy trình chăn nuôi bạch tuộc, từ sinh đẻ tới đóng gói và vận chuyển. Ấu trùng sẽ được ấp nở và ban đầu ăn tảo biển. Ở giai đoạn tiếp theo, quá trình phát triển kéo dài 6 - 15 tháng, bạch tuộc non sẽ ăn cua. Cuối cùng, chúng sẽ được đặt vào bể chung để hoàn thành quá trình phát triển trước khi giết mổ, đông lạnh, đóng gói và vận chuyển. Trang trại hy vọng sản xuất khoảng 3.000 tấn bạch tuộc mỗi năm, tương đương giết mổ khoảng một triệu con. Trên thực tế, chăn nuôi bạch tuộc thương mại ở quy mô công nghiệp chứa đựng nhiều khó khăn. Có nhiều thách thức trong việc quản lý chu kỳ sinh sản, nuôi sống con non và cung cấp cho loài vật môi trường phù hợp. Vói hy vọng tiên phong trong lĩnh vực lợi nhuận cao này, Nueva Pescanova đang làm việc với các nhà khoa học để giải quyết vấn đề. Năm 2018, nhóm nghiên cứu của họ ấp nở hàng chục con bạch tuộc thông thường (Octopus vulgaris), loài được tiêu thụ phổ biến nhất ở Tây Ban Nha. Đặc biệt, con non có tỷ lệ sống sót khoảng 50%. Trong tự nhiên, tỷ lệ sống sót của chúng chỉ ở mức 0,0001%. Với nhu cầu thịt bạch tuộc gia tăng, người tiêu dùng cũng ngày càng để ý bạch tuộc là sinh vật có trí thông minh cao, có thể giải quyết vấn đề cao cấp và cảm thụ cơn đau. Một số nhà khoa học thậm chí suy đoán liệu chúng có nhận thức hay không. Trí thông minh của bạch tuộc dấy lên câu hỏi liệu khai thác chúng trong chăn nuôi quy mô công nghiệp có thích hợp về mặt đạo đức không. Từ năm 2019, nhiều tổ chức phi chính phủ bày tỏ lo ngại về viễn cảnh chăn nuôi bạch tuộc sẽ trở thành xu hướng mới trong thị trường thực phẩm toàn cầu. Tháng 10/2023, một loạt tổ chức môi trường và phúc lợi động vật bao gồm Compassion in World Farming, Eurogroup for Animals, Greenpeace Spain, và Oceana UK gửi thư kiến nghị cho chính quyền đảo Canary để yêu cầu họ suy nghĩ lại về đơn xin cấp phép của Nueva Pescanova. Các tổ chức kêu gọi chính quyền đảo hoãn kế hoạch do tính không bền vững và ngược đãi động vật. Ngoài ra, họ cho rằng phương pháp giết mổ bạch tuộc được chọn là vô nhân đạo và dẫn tới hàng triệu ca chết chậm đau đớn. Những tổ chức trên nhấn mạnh bạch tuộc là động vật hoang dã không phù hợp để chăn nuôi. Là loài sống đơn độc tự nhiên, chúng không thích hợp với điều kiện chăn nuôi tập thể và mật độ cao thường gặp ở hệ thống trang trại. Loài vật thông minh này không thể bộc lộ hành vi tự nhiên khi bị giới hạn trong bể dưới nước. Theo các nguồn đáng tin cậy, Nueva Pescanova dự định giết bạch tuộc bằng cách dìm chúng cho bể chứa nước và băng, dẫn tới cái chết chậm rãi và căng thẳng. An Khang (Theo IFL Science) Adblock test (Why?)Nguồn VNExpress