Hội chứng nỗi buồn kỳ nghỉ Tết

Discussion in 'Sống khỏe' started by Robot Siêu Nhân, Feb 14, 2024.

  1. Robot Siêu Nhân

    Robot Siêu Nhân Moderator

    (Lượt xem: 73)

    TP HCMTrong khi người thân, bạn bè, vui vẻ đón Tết thì Hằng, 31 tuổi, cảm thấy buồn bã, cô đơn, rơi vào hội chứng "trầm cảm mùa lễ hội".


    Với cô gái, Tết khơi dậy nhiều cảm xúc tiêu cực khi tiếp xúc với người thân. Từ Nam Định vào TP HCM lập nghiệp hơn một thập niên, mỗi khi về quê, họ hàng đều hỏi cô việc có người yêu, lập gia đình, thu nhập... Đặc biệt, khi thấy con gái bước sang tuổi 30 nhưng chưa yên bề gia thất, bố mẹ cô càng lo lắng, thúc giục mỗi dịp gia đình đoàn tụ.

    "Mình tự thấy bản thân vô dụng nên không muốn về. Một năm qua, công việc không khởi sắc, tình duyên chẳng tới bến, tự nhiên thấy u uất hơn mọi ngày thường", Hằng nói, dù cảm giác nhớ gia đình bao trùm.

    Ngoài thời gian dạo phố một mình, Hằng xem phim, lướt điện thoại thâu đêm. Giờ giấc sinh hoạt bị đảo lộn khiến cô trở nên mệt mỏi, dễ khóc.

    Tương tự, Hà, 38 tuổi, ở Hà Nội, thường xuyên buồn bã, cô đơn, lo lắng mỗi dịp Tết về. "Tết ngày càng chán, tẻ nhạt, không có ý nghĩa", người phụ nữ nói.

    Ngoài nỗi lo về quà cáp, bếp núc, giao tiếp trong những ngày Tết, việc thường xuyên bị họ hàng nhà chồng giục đẻ thêm con trai khiến cô bực dọc. Chồng Hà là trưởng họ trong khi gia đình cô chỉ sinh hai con gái và không có dự định thêm em bé. Những lời khuyên răn của họ hàng như "mũi dao" khơi dậy cảm xúc tiêu cực của bà mẹ hai con, khiến cô cảm thấy chán nản trong 7 ngày nghỉ.

    [​IMG]

    Sự buồn bã trong kỳ nghỉ xuất phát từ nhiều nguyên nhân như cảm giác cô đơn, áp lực tài chính, mâu thuẫn gia đình... Ảnh: INC


    Bác sĩ Trần Thị Hồng Thu, Phó giám đốc Bệnh viện Tâm thần Ban ngày Mai Hương, cho biết nhiều người gặp tình trạng buồn chán tái diễn vào các kỳ nghỉ Tết Nguyên đán dài ngày, gọi là Holiday blues - hội chứng kỳ nghỉ mùa lễ hội. Triệu chứng phổ biến nhất của hội chứng là cảm giác buồn bã kéo dài hoặc lặp đi lặp lại với các cường độ khác nhau. Một số người có thể cảm thấy u sầu và lạc quan thay đổi liên tục trong ngày.

    Đối với người dân các nước phương Tây, hội chứng nỗi buồn sau kỳ nghỉ thường xảy ra sau Giáng sinh và Năm mới. Còn với người dân Trung Quốc, hội chứng này thường xảy ra sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, người dân Hàn Quốc thường trải qua hội chứng này sau kỳ nghỉ Tết Trung thu. Ở Nhật Bản cũng xuất hiện một hiện tượng tương tự gọi là "Bệnh tháng 5", bởi đầu tháng 5 là khoảng thời gian dài cho những kỳ nghỉ và lễ hội tại Nhật Bản.

    Chuyên gia cho rằng sự giảm sút lượng adrenaline là nguyên nhân chính. Sự dừng lại đột ngột của dopamine và serotonin (hai loại hormone giúp bạn cảm thấy dễ chịu) sau một sự kiện lớn, có thể là sau Tết hoặc sau những kỳ nghỉ lễ, sẽ ảnh hưởng sâu sắc đến tâm sinh lý. Sự thay đổi giữa các mùa, ánh sáng ban ngày ít, mức độ hoạt động thể chất giảm và sự cô lập gia tăng cũng góp phần gây ra cảm giác tồi tệ này.

    Ngoài ra, ký ức về những ngày lễ kỷ niệm trước đó quay trở lại khiến con người có cảm giác mất mát. Cảm giác gánh nặng hoặc nghĩa vụ, cả về mặt xã hội hoặc tài chính, có thể rất lớn. Chúng ta có thể bị cuốn vào việc quà cáp trong khi tài chính hạn hẹp, điều này cũng có thể gây căng thẳng.

    Một số dấu hiệu là thay đổi khẩu vị hoặc cân nặng, giấc ngủ bị xáo trộn, chán nản, cáu kỉnh, khó tập trung, cảm giác vô dụng hoặc tội lỗi, mệt mỏi hơn bình thường và mất niềm vui khi làm những việc từng thích.

    Kỳ nghỉ cũng là thời gian để tụ tập với những người thân thiết và nó có thể khơi dậy nhiều cảm xúc cả tốt lẫn xấu. Một số người có thể thấy mình không có các mối quan hệ thân thiết và cuối cùng bị cô lập, ngắt kết nối với những thành viên khác. Như một số trường hợp bị hỏi về việc lập gia đình, con cái, thu nhập, công việc, sức khỏe... khiến họ khó chịu, không muốn tiếp xúc.

    Theo bác sĩ Thu, trạng thái này khác với các chứng bệnh tâm thần, thông thường các triệu chứng chỉ xuất hiện trong thời gian ngắn và sau đó biến mất, nhưng lại gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.

    Theo Verywell Mind, cảm thấy buồn bã trong tháng nghỉ lễ cũng có thể là dấu hiệu của chứng rối loạn cảm xúc theo mùa (Seasonal Affective Disorder - SAD), bao gồm các giai đoạn trầm cảm vào cuối mùa thu và đầu mùa đông. Người đó có thể cảm thấy chán nản và vô vọng, khó tập trung, khó ngủ hoặc không có động lực, thậm chí muốn tự tử.

    Bác sĩ Thu cho biết để vượt qua tình trạng này, mỗi người cần dành nhiều thời gian cho bản thân và nghỉ ngơi đầy đủ, cân đối thời gian, ưu tiên các hoạt động chăm sóc sức khỏe thể chất, tinh thần như tập thể dục, đi dạo, thiền, tắm thư giãn, tự trị liệu bằng spa, đọc một cuốn sách hay, xem phim hoặc thử làm những điều mới mẻ.

    Ngủ đủ giấc mỗi ngày không chỉ để duy trì sức khỏe tinh thần mà còn ngăn ngừa các bệnh như huyết áp cao, đột quỵ và suy nhược thần kinh.

    Vào những ngày nghỉ lễ, mọi người có xu hướng tìm đến những thực phẩm nhiều chất béo và đường. Bạn nên thêm vào khẩu phần ăn các loại trái cây và rau xanh, đồng thời tránh uống nhiều rượu bia vì nó có thể khiến những cảm xúc tiêu cực trở nên khó kiểm soát hơn.

    Có thể khởi đầu ngày mới bằng một bài tập ngắn hoặc thiền, tập hít thở sâu để làm dịu tâm trí và kích hoạt giải phóng endorphin, hormone tạo cảm giác dễ chịu.

    Thông thường, khi lập kế hoạch cho các hoạt động trong tương lai, mọi người thường có xu hướng gắn bó với những điều quen thuộc, như ăn ở nhà hàng yêu thích hoặc gặp gỡ bạn thân. Nhưng bạn cũng có thể thử một số hoạt động mình chưa từng làm trước đó, như tham gia một lớp học kỹ năng sống mới.

    Thông thường, cảm giác mệt mỏi, buồn chán sẽ tạm biến mất khi mùa lễ Tết kết thúc. Song ở một số người, tình trạng này kéo dài và trở nên trầm trọng hơn, dễ chuyển biến thành trầm cảm theo mùa hoặc rối loạn lo âu. Lúc này, bạn nên tìm kiếm sự trợ giúp từ bác sĩ hoặc các chuyên gia sức khỏe tâm thần.

    Thúy Quỳnh


    Adblock test (Why?)
    Nguồn: VNExpress​
     
  2. Facebook comment - Hội chứng nỗi buồn kỳ nghỉ Tết

Share This Page