Tàu đổ bộ thứ hai của Mỹ sẵn sàng bay tới Mặt Trăng

Discussion in 'Khám phá - Phát minh' started by bboy_nonoyes, Feb 13, 2024.

  1. bboy_nonoyes

    bboy_nonoyes Administrator Staff Member

    (Lượt xem: 123)

    Tàu đổ bộ có tên gọi Odysseus hay Odie sẽ cất cánh trên tên lửa Falcon 9 của SpaceX từ Cape Canaveral, Florida, vào 23h57 ngày 14/2 theo giờ Hà Nội.

    [​IMG]

    Tàu đổ bộ Nova-C hay còn gọi là Odysseus do Intuitive Machines phát triển. Ảnh: Intuitive Machines


    Sau nhiệm vụ hạ cánh trên Mặt Trăng thất bại tháng trước, NASA đặt hy vọng vào tàu vũ trụ thứ hai do một công ty khác phát triển để thực hiện lần tiếp đất đầu tiên trên Mặt Trăng của Mỹ sau hơn 5 thập kỷ. Tên lửa sẽ đưa tàu vũ trụ Odysseus bay theo quỹ đạo hình oval rộng tới 380.000 km quanh Trái Đất, theo Stephen Altemus, giám đốc điều hành Intuitive Machines, công ty phát triển tàu Odysseus ở Houston. Sau khi ở trong quỹ đạo Trái Đất, tàu đổ bộ Mặt Trăng sẽ tách khỏi tên lửa và bắt đầu hành trình riêng, sử dụng động cơ trên tàu để tăng tốc trên đường bay trực tiếp tới bề mặt Mặt Trăng, CNN đưa tin.

    Theo dự kiến, Odysseus sẽ trải qua hơn một tuần bay tự do trong không gian và tìm cách hạ cánh trên bề mặt Mặt Trăng vào ngày 22/2.

    Trước đó một tháng Peregrine - phương tiện do công ty tư nhân Astrobotic Technology phát triển với kinh phí từ NASA, thất bại trong nhiệm vụ tương tự. Công ty ở Pittsburgh thông báo sự cố rò rỉ nhiên liệu chỉ vài giờ sau khi tàu Peregrine phóng hôm 8/1. Tàu vũ trụ rơi trở lại Trái Đất 10 ngày sau và bốc cháy trong khí quyển.

    NASA đang tài trợ cho các công ty tư nhân phát triển một nhóm nhỏ tàu đổ bộ Mặt Trăng trong chương trình Commercial Lunar Payload Services (CLPS). Mục tiêu của chương trình là phát triển tàu đổ bộ trong các hợp đồng với chi phí cố định tương đối rẻ, giúp Mỹ quay trở lại Mặt Trăng khi cuộc đua vũ trụ quốc tế nóng lên.

    Trung Quốc, Ấn Độ và Nhật Bản là nằm trong số ít những nước hạ cánh nhẹ nhàng trên Mặt Trăng trong thế kỷ 21. Dù NASA tự tin Mỹ sẽ trở thành nước đầu tiên đưa con người trở lại bề mặt Mặt Trăng, cuộc đua toàn cầu nhằm hạ cánh tàu vũ trụ tự lái ở đây đang nóng hơn bao giờ hết. Điều khiến cách tiếp cận của NASA trở nên khác biệt là họ dựa vào thương mại hóa, theo đó nhiều tàu vũ trụ tư nhân phát triển nhanh chóng với chi phí rẻ sẽ cạnh tranh hợp đồng thay vì NASA tự phát triển phương tiện. Intuitive Machines có thể nhận tới 118 triệu USD từ NASA cho nhiệm vụ này.

    Thành lập năm 2013, Intuitive Machines sẽ là công ty thứ hai trong chương trình CLPS tìm cách hạ cánh trên Mặt Trăng sau Astrobotic. Hai nhiệm vụ CLPS khác được lên lịch vào cuối năm 2024. Trong số 4 công ty đưa tàu đổ bộ tới Mặt Trăng theo chương trình CLPS, Intuitive Machines nhận được nhiều đơn đặt hàng nhất từ NASA với 3 nhiệm vụ.

    Tàu đổ bộ Odysseus là một mô hình mang tên Nova-C, có kích thước bằng buồng điện thoại ở Anh gắn kèm chân theo mô tả của Intuitive Machines. Công ty hướng tới hạ cánh tàu đổ bộ gần cực nam của Mặt Trăng, khu vực thu hút nhiều sự quan tâm trong cuộc đua vũ trụ. Khu vực này được cho là nơi chứa băng nước, có thể cung cấp nước uống, thậm chí nhiên liệu tên lửa cho phi hành gia trong tương lai. Cực nam cũng là nơi NASA tìm cách đưa phi hành gia tới vào cuối thập kỷ.

    Tàu đổ bộ sẽ trang bị 6 khối hàng của NASA, gồm một loạt thiết bị khoa học được thiết kế để kiểm tra công nghệ mới hoặc đánh giá môi trường Mặt Trăng như nghiên cứu đất đá phản ứng như thế nào trong quá trình hạ cánh. Con tàu cũng mang theo nhiều vật kỷ niệm, bao gồm tượng điêu khắc mô tả các pha của Mặt Trăng và công nghệ từ những công ty tư nhân, bao gồm Columbia Sportswear, đơn vị phát triển vật liệu cách nhiệt cho tàu đổ bộ.

    Nếu tất cả theo đúng kế hoạch, Odysseus sẽ dành 7 ngày hoạt động trên Mặt Trăng. Nhưng khi khu vực hạ cánh dịch chuyển dần vào bóng của Trái Đất, tàu vũ trụ sẽ được đặt ở chế độ ngủ trong đêm Mặt Trăng.

    An Khang (Theo CNN)​


    Mua hàng tại Tin Học Như Ý
    Nguồn VNExpress
     
  2. Facebook comment - Tàu đổ bộ thứ hai của Mỹ sẵn sàng bay tới Mặt Trăng

Share This Page