Ngày Tết, nhiều người lạm dụng rượu bia, nước ngọt, đồ uống ngọt gây thừa cân, béo phì, tăng huyết áp, hại thận, gan. Bác sĩ Nguyễn Văn Thanh, Khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, cho biết uống ăn ngọt, uống ngọt là nguyên nhân hàng đầu gây hại cho thận. Đường có thể gây rối loạn chuyển hóa do làm gia tăng các loại chất béo khác nhau trong cơ thể, gây tăng cân và béo phì, khiến bệnh đái tháo đường tiến triển. Rối loạn chuyển hóa và đái tháo đường là những nguyên nhân quan trọng gây tổn thương mạch máu, gây suy thận mạn tính. Tiêu thụ nhiều đường glucose làm tăng khả năng hấp thụ muối natri tại ruột non, buộc thận phải làm việc nhiều hơn để thải muối dư thừa. Ăn nhiều đường kích thích sự thu hẹp của mạch máu, gây tăng huyết áp, gây bệnh thận và thúc đẩy suy thận mạn tính tiến triển nhanh hơn. Tiêu thụ nhiều đường, đặc biệt là đường fructose làm tăng lượng canxi và oxalate trong nước tiểu, tạo điều kiện cho hình thành các tinh thể canxi oxalate và gây sỏi thận. Do đó, bạn nên hạn chế tiêu thụ các loại thực phẩm có nhiều đường trong chế độ ăn uống. Các nhóm thực phẩm chứa nhiều đường cần hạn chế tiêu thụ như nước giải khát công nghiệp như nước ngọt, trà sữa, nước trái cây đóng chai, các loại đồ uống có ga chứa đường. Các loại thức ăn vặt như bánh ngọt, bánh quy, kẹo, socola, đậu phộng bơ, khoai tây chiên, nước sốt và gia vị đóng hộp, hoa quả và ngũ cốc sấy khô cũng nên hạn chế. Ngày Tết, lạm dụng rượu bia khiến cơ thể mệt mỏi. Rượu gây kích ứng, góp phần làm tổn thương, rò rỉ ruột, ảnh hưởng đến hệ vi sinh vật. Gan cũng chịu nhiều gánh nặng hơn để loại bỏ chất cồn trong rượu. Trung bình, gan mất một giờ để chuyển hóa một đơn vị đồ uống có cồn (tương đương một lon bia 355 ml hoặc một ly rượu vang 150 ml). Rượu bia còn làm mất nước, khiến chức năng thận thay đổi, người dùng có nguy cơ mất cân bằng điện giải. Mỗi ngày nam giới không nên uống quá 720 ml bia hoặc 300 ml rượu vang hoặc 60 ml rượu whisky. Đối với nữ giới, mỗi ngày không nên uống quá 360 ml bia hoặc 150 ml rượu vang hay 30 ml rượu whisky. Không để cho trẻ em và vị thành niên uống rượu bia. Cố gắng kiểm soát lượng uống ở mức nguy cơ thấp nhất trong một lần. Không nên pha rượu với bia và các chất kích thích bởi chúng gây ngộ độc cấp như chóng mặt, buồn nôn, đầy hơi, táo bón, thậm chí mất tri giác và tử vong khi nồng độ cồn trong máu tăng quá cao. Hạn chế uống rượu khi đói vì dạ dày rỗng khiến nồng độ cồn trong máu tăng nhanh gây choáng. Tránh sử dụng các loại đồ uống chứa cồn không rõ nguồn gốc xuất xứ, giá rẻ bất thường. Sau khi uống, tuyệt đối không điều khiển xe hay tham gia vào các hoạt động ngoài trời hoặc ở những nơi nguy hiểm, không an toàn, dễ bị ngã, va chạm, chấn thương. Thùy An Mua hàng tại Tin Học Như Ý Nguồn: VNExpress