Uống thuốc tránh thai, paracetamol để "khử" nồng độ cồn, xông hơi để cồn bay nhanh hơn là quan niệm sai lầm, gây hại sức khỏe. Rượu là nguyên nhân trực tiếp gây hơn 30 loại bệnh không lây nhiễm và gần 200 loại bệnh tật khác, đứng thứ ba trong số các nguyên nhân dẫn đến tử vong sớm và tàn tật trên thế giới. Uống ít hay nhiều rượu cũng ảnh hưởng nhất định đến sức khỏe, làm chậm khả năng xử lý khi điều khiển các phương tiện tham gia giao thông. Ngoài ra, giải rượu sai cách cũng khiến cơ thể mệt mỏi, gây hại cho cơ thể hơn. Một số cách giảm nồng độ, giải rượu gây hại, như sau: Uống thuốc tránh thai Bác sĩ Phan Chí Thành, Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Phụ sản Trung ương, cho biết thuốc tránh thai không thể giải được rượu, cũng không có bất kỳ mối liên quan nào giữa chuyển hóa cồn với các thành phần của thuốc. Hiện, y khoa chưa có số liệu hay nghiên cứu nào khuyến cáo uống thuốc tránh thai để giải rượu. Bản chất thuốc tránh thai khẩn cấp là các chất nội tiết tố, đặc biệt là progesterone. Đây là hormone khi phụ nữ mang thai tiết ra để ngăn trứng không rụng và không thụ thai. Ngoài ra, thuốc nội tiết tố đường uống sẽ được chuyển hóa qua gan, trong khi uống rượu cũng buộc gan cũng phải làm việc để chuyển hóa ethanol. Như vậy, nếu uống cùng lúc thuốc tránh thai và rượu có thể khiến gan bị quá tải, nguy cơ gây bệnh lý về gan cao hơn. Đàn ông lạm dụng nhiều thuốc tránh thai, tự bổ sung hormone nữ giới vào cơ thể cũng không tốt. Sử dụng thuốc tránh thai lúc này có thể gây ngộ độc, nguy hiểm tính mạng. Uống paracetamol giải rượu Rượu làm giảm lượng glucose trong máu dẫn tới chóng mặt ở người say rượu. Uống rượu, bia khiến bạn mệt mỏi, mất nước nên càng nôn nao, đau đầu. Tuy nhiên, uống paracetamol, aspirin và một số loại thuốc giảm đau khác để khống chế cơn đau đầu và giải rượu là sai lầm. Khi uống rượu, gan sẽ phải làm việc cật lực để chuyển hóa và đào thải ethanol. Sử dụng paracetamol vô tình sẽ làm tăng gánh nặng chuyển hóa đối với gan và gây tình trạng ngộ độc paracetamol. Bên cạnh đó, paracetamol, aspirin và một số loại thuốc giảm đau, hạ sốt khi uống với rượu sẽ kích ứng niêm mạc dạ dày, gây chảy máu đường tiêu hóa, làm tăng gấp đôi tác hại lên gan. Ngoài ra, paracetamol là thuốc giảm đau hạ sốt, uống theo chỉ định và liều lượng. Thuốc chống chỉ định với người có bệnh lý cấp tính về gan (viêm gan virus đang giai đoạn cấp tính, đang điều trị tổn thương gan cấp tính do mọi nguyên nhân...). Bệnh nhân có bệnh lý về gan nhưng không trong giai đoạn cấp tính, phải giảm liều và giảm cả thời gian dùng thuốc. Xông hơi Bác sĩ Đoàn Dư Mạnh, Hội bệnh mạch máu Việt Nam, cho biết thói quen xông hơi sau khi ăn nhậu để giải rượu, bài tiết mồ hôi, từ đó giúp giảm nhanh nồng độ cồn được nhiều người áp dụng. Điều này là hoàn toàn sai lầm, thậm chí gây nguy hiểm tính mạng. Uống nhiều rượu sẽ làm giãn mạch, gặp hơi nóng đột ngột khi xông hơi sẽ khiến mạch máu giãn to hơn, tăng nhịp tim, choáng váng, khó thở. Nếu không cấp cứu kịp thời có thể dẫn đến đột quỵ và tử vong. Thực tế, rượu bia vốn đã làm cho cơ thể nóng hơn mức bình thường, kết hợp xông hơi sẽ làm tăng nguy cơ bị bỏng trong phòng kín do khí nóng hoặc hơi nóng. Bệnh nhân không chỉ bỏng ngoài da mà còn có thể bị bỏng đường hô hấp với các dấu hiệu như ngộp thở, chóng mặt, đau đầu, buồn nôn. Ngoài ra, uống bia rượu kết hợp xông hơi sẽ làm cơ thể mất nước, gây mệt mỏi hơn. Thuốc giải rượu "Thuốc giải rượu" thực chất là tăng cường chức năng hoạt động của hệ thống men gan từ đó tăng phân hủy rượu, giúp bạn mau tỉnh táo, loại bỏ cảm giác nôn nao. Song khả năng của gan có hạn, nó chỉ sản sinh lượng enzyme nhất định mỗi giờ, ứng với lượng cồn nhất định được chuyển hóa, vì vậy nếu uống quá nhiều gan sẽ không kịp sản xuất. Một người có say hay không say phụ thuộc vào nồng độ ethanol trong máu. Khi nồng độ ethanol trong máu từ 0,05 đến 0,1% thì bắt đầu xỉn nhẹ; đạt 0,3% thì dáng đi loạng choạng, nói năng không kiểm soát (trạng thái say rượu); trên 0,5% có nguy cơ tử vong cao. Khả năng dung nạp ethanol ở mỗi người cũng không giống nhau. Vì vậy, hãy uống rượu đúng cách thay vì tìm kiếm thuốc giải rượu để "tăng đô". Hạn chế uống các loại rượu mạnh, nên lựa chọn các loại rượu trái cây hoặc rượu vang, không nên uống quá nhiều. Trong trường hợp phải dùng rượu bia cần chú ý một số điểm sau: Trước khi uống nên ăn thức ăn, tránh để bụng rỗng vì khi đói khả năng hấp thu rượu của đường ruột sẽ nhanh hơn khi có trộn lẫn thức ăn, làm người uống dễ say hơn. Uống lượng nhỏ, không nên uống quá nhanh, quá nhiều cùng lúc, sẽ làm tăng áp lực cho gan, khiến bộ phận này không kịp chuyển hóa rượu. Bác sĩ khuyến cáo nam giới không nên uống quá 720 ml bia hoặc 300 ml rượu vang hoặc 60 ml rượu whisky mỗi ngày. Đối với nữ giới, mỗi ngày không nên uống quá 360 ml bia hoặc 150 ml rượu vang hay 30 ml rượu whisky. Không cho trẻ em và tuổi vị thành niên uống rượu bia. Cố gắng kiểm soát lượng uống ở mức nguy cơ thấp nhất trong một lần. Sau uống, tuyệt đối không điều khiển xe hay tham gia vào các hoạt động ngoài trời; hoặc ở những nơi nguy hiểm, dễ bị ngã, va chạm, chấn thương. Thùy An Adblock test (Why?) Nguồn: VNExpress