Bác sĩ cấp cứu 'như con thoi' cận Tết

Discussion in 'Sống khỏe' started by Robot Siêu Nhân, Feb 9, 2024.

  1. Robot Siêu Nhân

    Robot Siêu Nhân Moderator

    (Lượt xem: 117)

    Hà NộiGần 4h ngày 29 Tết, chuông điện thoại Khoa Cấp cứu Bệnh viện Đại học Y vang lên, một bệnh nhân nguy kịch đang chuyển đến từ viện Xanh Pôn.


    Chưa đến 15 phút, xe cấp cứu đã dừng trước cửa Khoa Cấp Cứu và Hồi Sức Tích Cực. Một bác sĩ và một điều dưỡng được huy động tiếp đón. Lúc này, bệnh nhân đã suy hô hấp nặng, tiên lượng tử vong.

    "Rất nặng", tiếng bác sĩ trực cất lên. Bệnh nhân nữ, 70 tuổi, tiền sử đái tháo đường, được chẩn đoán xuất huyết tiêu hóa nguy kịch, sốc mất máu. Ngay lập tức, một điều dưỡng đo SpO2 (nồng độ oxy trong máu), nhịp tim, huyết áp. Kế bên, một người khác liên tục bóp bóng qua nội khí quản, theo dõi chỉ số sinh tồn. Lúc này khoảng 4h30.

    Trước đó, bệnh nhân cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn do xuất huyết tiêu hóa, nôn ra máu ba lần, khoảng 1,5 lít máu đỏ, cục, suy hô hấp. Các bác sĩ đặt ống nội khí quản, truyền 1,4 lít hồng cầu, 150 ml tiểu cầu, song tiên lượng nặng, chuyển Bệnh viện Đại học Y cấp cứu.

    Các bác sĩ liên tục dùng thuốc duy trì vận mạch, soi dạ dày thấy máu phun thành tia, chỉ định can thiệp nút mạch, tiêm cầm máu, "cố gắng giành lại mạng sống từ lưỡi hái tử thần".

    Chưa kịp định thần, tiếng còi xe cứu thương lại vang lên trước sảnh. "Liên tiếp bệnh nhân đột quỵ, sốc phản vệ, chấn thương đổ dồn về", điều dưỡng Đinh Thị Thanh Huệ kể lại. Cùng lúc đó, trong buồng bệnh nặng, nhiều bệnh nhân vẫn nằm mê man, cần hỗ trợ của nhân viên y tế.

    "Cấp cứu ở đâu cũng vậy, đều là khoa đầu sóng ngọn gió và đông bệnh nhân kể cả ngày Tết dẫn đến quá tải", điều dưỡng nói và cho hay "cáng hay ghế bố lúc này đều quý như một chiếc giường bệnh".

    [​IMG]

    Khoa cấp cứu là nơi đầu sóng ngọn gió, tiếp nhận nhiều bệnh nhân nặng, không khí "căng như dây đàn". Ảnh: Thùy An


    Ngoài bệnh nhân trên, đơn vị điều trị cho nhiều trường hợp nặng, thở máy tích cực, bác sĩ Đặng Trung Anh cho biết. Một ca sốt nhiễm khuẩn, viêm phổi nhồi máu cơ tim, viêm tụy nặng đều đang được hồi sức tích cực, "coi như không còn Tết". Nhiều bệnh nhân tiến triển xấu nhanh, hôn mê nguy kịch.

    "Ở trong tâm điểm, nhiều lúc mệt mỏi nhưng tất cả y bác sĩ phải tỉnh táo, bởi có rất nhiều bệnh nhân nặng, thậm chí đang thoi thóp chờ mình. Chỉ một quyết định thiếu sáng suốt sẽ phải trả giá bằng tính mạng", bác sĩ nói.

    Bệnh nhân khi phải chuyển vào Khoa Cấp Cứu và Hồi Sức Tích Cực có SOFA (Thang điểm để đánh giá tình trạng nhiễm trùng huyết, cũng như mức độ suy cơ quan và tiên lượng tử vong) trên 5-6 điểm, tức là nguy cơ tử vong khoảng 50% trở lên. 48 giờ đầu là giai đoạn đặc biệt nguy hiểm, nhiệm vụ của các bác sĩ là bám sát diễn biến.

    Một kíp trực thường khoảng hai đến ba bác sĩ, trực xuyên suốt 24 tiếng. Sau về nghỉ ngơi, các bác sĩ vẫn tiếp tục theo dõi, hỗ trợ từ xa và có mặt khi cần can thiệp.

    Ngoài ra, môi trường làm việc trong khu cấp cứu vốn đặc thù, bệnh nhân ra vào liên tục, cần chăm sóc từng giờ, từng phút. Những ngày cận Tết, khu vực cấp cứu của bệnh viện càng "hỗn loạn" hơn, bất kể sáng sớm hay tối muộn. Kíp trực phải sắp xếp chỗ để có vị trí trống đặt băng ca bệnh nhân.

    Tiếng máy thở tút tút, tiếng ho sù sụ xen lẫn tiếng bước chân dồn dập, "không khí căng như dây đàn". Các y bác sĩ như con thoi qua lại giữa các băng ca, giường bệnh để thăm khám, điều trị và ra y lệnh. Nhiều lúc kíp trực quên chúc mừng năm mới vì bộn bề công việc, ngẩng đầu lên đã qua giao thừa.

    Phía ngoài, người nhà bệnh nhân liên tục đứng ngồi đợi tin. Nhiều người mang theo chăn, gối chờ chực ở cửa.

    Riêng đêm giao thừa thường vắng bệnh nhân hơn, nhưng lại là thời khắc nhạy cảm. Theo điều dưỡng Huệ, không ai mong muốn có sự mất mát trước thềm năm mới, nhưng ranh giới sinh tử trong buồng bệnh cấp cứu rất mong manh.

    Cô nhớ ngày 30 Tết năm ngoái, khoa ghi nhận ba bệnh nhân nặng tử vong, dù nhân viên y tế liên tục "chạy đua" trong nhiều ngày để giành giật mạng sống. Tuy nhiên, các bác sĩ không có nhiều thời gian đau buồn, bởi còn nhiều bệnh nhân đang chờ, "một giây cũng quý hơn vàng".

    Việc thông báo bệnh nhân tử vong đêm giao thừa cũng là cửa ải khó. Bác sĩ cần truyền đạt thông tin dễ hiểu, chậm rãi nhất, trong thời gian ngắn để giảm nhẹ nỗi đau cho người nhà.

    [​IMG]

    Bác sĩ Trung Anh (người đầu tiên) cùng đồng nghiệp "luôn tay luôn chân" cấp cứu, ra y lệnh, xử lý thông tin, theo dõi lâm sàng. Ảnh: Thùy An


    Năm nay, bác sĩ Trung Anh và điều dưỡng Huệ đều trực đêm 30. Cả hai tự nhủ cố gắng hoàn tất công việc để không phải nhận bất kỳ một cuộc gọi nào trong những ngày nghỉ lễ còn lại.

    Hơn 10 năm làm nghề, số lần đến viện không đếm được hết. Riêng trực Tết, nhân viên y tế thường động viên nhau nhiều hơn, lấy sự hồi phục của bệnh nhân làm "quà lì xì" đầu năm.

    Đêm dần khuya, xe cứu thương vẫn liên tục đưa các ca bệnh mới vào viện. Kíp trực lại hối hả chạy đua với tử thần để cứu người nguy kịch.

    Thùy An


    Mua hàng tại Tin Học Như Ý
    Nguồn: VNExpress​
     
  2. Facebook comment - Bác sĩ cấp cứu 'như con thoi' cận Tết

Share This Page