Nhiều người nói "uống rượu cho ấm", song dưới góc độ khoa học, đây là quan niệm hết sức sai lầm, tiềm ẩn nhiều nguy cơ với sức khỏe. Cơ thể người khi tiếp xúc với môi trường lạnh sẽ tăng chuyển hóa sản sinh nhiệt để duy trì thân nhiệt. Ở người bình thường, khi gặp trời lạnh, mạch máu dưới da co lại, mạch máu nuôi các cơ quan nội tạng sẽ giãn thêm để điều tiết lượng máu dư ra (do co mạch dưới da). Sau khi uống rượu sẽ có cảm giác toàn thân nóng lên. Đó là do cồn làm cho cơ thể tỏa nhiệt năng sẵn có trong cơ thể. Như vậy, thực chất người uống rượu đang bị mất nhiệt nhanh hơn. Sau khi uống hết rượu, do đa phần nhiệt lượng đã tỏa ra ngoài, làm cho toàn thân lạnh nổi gai ốc, dẫn đến hậu quả bị lạnh. Ngoài ra, đối với người bệnh tăng huyết áp, nếu lạm dụng rượu sẽ dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm, đặc biệt khi trời rét. Khi uống rượu bia, các mạch máu sẽ giãn ra và nếu gặp thời tiết lạnh sẽ làm co mạch máu, gây các cơn tăng huyết áp, dễ dẫn đến đột quỵ não. Vì vậy, người bệnh tăng huyết áp nên kiêng uống rượu bia. Để đảm bảo sức khỏe, bạn cần phải biết kiểm soát lượng bia rượu nạp vào cơ thể ở mức vừa phải. Mỗi người chỉ nên uống tối đa hai đơn vị cồn mỗi ngày, tương đương với 350 ml bia hoặc 150 ml rượu vang hoặc 45 ml rượu mạnh. Trong các cuộc nhậu ngày Tết, nếu phải uống rượu nhiều, mọi người có thể uống kèm thêm một cốc nước chanh, nước hoa quả. Biện pháp này giúp hạn chế mệt mỏi sau chầu rượu, tăng sức đề kháng. Bác sĩ Đoàn Dư Mạnh Thành viên Hội Bệnh mạch máu Việt Nam Mua hàng tại Tin Học Như Ý Nguồn: VNExpress