Sử dụng trái cây, rau xanh, bổ sung nước, bù điện giải bằng oresol là những cách giải rượu an toàn, hiệu quả ngày Tết. Giải rượu bằng trái cây, rau xanh Bác sĩ Huỳnh Tấn Vũ, Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM, cơ sở 3, cho biết việc uống rượu và giải phóng nồng độ cồn tùy thuộc vào cơ địa của mỗi người. Trong đó, sử dụng trái cây sau khi uống bia rượu, tốt nhất là trái cây họ cam, quýt bằng cách ăn trực tiếp hoặc ép lấy nước uống sẽ giúp thanh nhiệt, giải độc, giải bia rượu. Vỏ quýt phơi khô trong đông y còn gọi vị thuốc trần bì, có thể giải rượu. Bạn dùng 30 g vỏ quýt sao thơm tán vụn, mơ chua hai quả bỏ hạt thái vụn, đem sắc nhỏ lửa với 360 ml nước, sau 30 phút, lọc bỏ bã lấy nước cho uống, có thể thêm gừng tác dụng nhanh hơn. Giải rượu với rau má cũng được, bằng cách dùng 100 g rau má tươi, hai quả chanh, 1 g muối ăn. Rau má tươi rửa sạch, giã nhỏ, ép lấy nước cốt, vắt thêm nước chanh trộn đều thêm muối, mỗi lần uống 150-300 ml. Có thể dùng một quả chanh tươi, vắt lấy nước cho uống hoặc thái mỏng cho ăn luôn cả quả. Uống nhiều nước sau khi uống rượu là biện pháp đơn giản để giải rượu. Khi uống rượu, bạn nên ăn đầy đủ, không để bụng rỗng, uống từ từ giảm kích ứng niêm mạc miệng và dạ dày, gan kịp oxy hóa, ăn nhiều rau xanh. Bổ sung nước Bác sĩ Đoàn Dư Mạnh, thành viên Hội Mạch máu Việt Nam, cho biết cách khoa học nhất để giải rượu, giảm nồng độ cồn là bổ sung nhiều nước. Theo nguyên lý, nồng độ cồn trong máu sẽ được đào thải qua hai đường là hơi thở và nước tiểu. Bởi vậy, khi cơ thể bổ sung nhiều nước, đi tiểu nhiều thì nồng độ cồn sẽ giảm nhanh hơn. Tuy nhiên, việc uống nước cần đúng cách, bổ sung từ từ và quan trọng nhất là lắng nghe cơ thể. Thực tế, sau khi uống rượu bia, nhiều người say xỉn, nôn mửa, cơ thể cực kỳ mệt mỏi. Nếu bổ sung quá nhiều nước ngay lập tức sẽ có nguy cơ rối loạn điện giải nặng, cơ thể mệt mỏi hơn. Bù điện giải bằng oresol Oresol là dung dịch cân bằng điện giải, rẻ tiền, dễ sử dụng, an toàn, giúp bổ sung điện giải và bù nước rất tốt. Lưu ý, chỉ nên dùng đường uống, không nên truyền. Nhiều người mách nhau truyền oresol để giải rượu, nhưng cơ thể cực kỳ thông minh. Khi bạn uống vào đủ, cơ thể sẽ không hấp thu được, nhưng khi truyền, tức bổ sung từ ngoài vào sẽ gây gánh nặng cho tim, nguy cơ gây vỡ mạch máu nhỏ trong đó có mạch máu mắt, não, nguy hiểm tính mạng. Rượu bia là thức uống không có lợi cho sức khỏe, nguyên nhân trực tiếp gây nên hơn 30 bệnh lây nhiễm và 200 bệnh tật khác. Ảnh: Henryford. Theo chuyên gia, một số cách giải rượu làm hại cơ thể như dùng thuốc giải rượu, móc họng sau khi uống hay tắm, xông hơi... Thuốc giải rượu có chứa nhiều thành phần lợi tiểu, thậm chí giảm đau, giảm chóng mặt, giúp cơ thể tỉnh táo hơn nhưng không được khuyến khích. Các chất có trong thuốc giải rượu không có tác dụng phục hồi hay bảo vệ các cơ quan bị rượu làm tổn hại, cũng không giúp triệt tiêu tác dụng của rượu trên hệ thần kinh trung ương để giảm hoàn toàn chứng say xỉn. Ngược lại, chúng còn dẫn tới tăng men gan, giảm các chất có chức năng bảo vệ gan, gây tác dụng phụ như viêm dạ dày. Nhiều người pha rượu với nước tăng lực chứa hàm lượng caffeine cao, điều này còn nguy hại hơn rất nhiều. Bởi khi có thêm chất này, người uống trở nên tỉnh táo và thường không đánh giá được mức say của mình, nguy cơ ngộ độc rượu tăng cao. Móc họng sau khi uống để tống cồn ra khỏi cơ thể, giúp giải rượu, cũng rất nguy hiểm. Khi móc họng, nếu ngón tay nhọn hoặc móng tay dài kết hợp với lực ấn xuống quá mạnh sẽ làm bộ phận này bị tổn thương, thậm chí gây đau đớn. Hành động gây nôn khi đang say vô hình chung làm tổn thương tới thực quản, dẫn đến các trường hợp viêm thực quản, loét hay chảy máu thực quản. Móc họng cũng làm rối loại hệ tiêu hóa, gây ảnh hưởng và tổn thương hệ tiêu hóa của người say. Bên cạnh đó, nhiều người áp dụng cách tắm, xông hơi hoặc chơi thể thao để cơ thể bài tiết qua đường mồ hôi, từ đó giảm say, giảm nồng độ cồn, điều này hoàn toàn sai lầm. Uống nhiều rượu sẽ làm giãn mạch, gặp hơi nóng đột ngột khi xông hơi sẽ khiến mạch máu giãn to hơn, tăng nhịp tim, choáng váng, khó thở, nguy cơ dẫn đến đột quỵ và tử vong. Tuyệt đối không nên tắm ngay khi kết thúc bữa rượu, kể cả tắm bằng nước nóng. Hành động này có thể khiến hạ đường huyết và rất dễ bị ngất hoặc khiến cơ thể hạ thân nhiệt, dễ trúng gió. Thực tế, một số loại thuốc tráng dạ dày (không phải thuốc giải rượu) có thể giúp hạn chế việc say xỉn. Cơ chế của những loại thuốc này giống như một lớp màng bảo vệ dạ dày, ngăn chặn sự tấn công trực tiếp của acid và thành dạ dày và làm chậm quá trình hấp thụ rượu vào trong máu. Các chuyên gia khuyến cáo không có một mức uống rượu bia nào là an toàn. Nguy cơ rượu bia ảnh hưởng sức khỏe phụ thuộc vào tuổi, giới tính và các đặc tính sinh học khác của từng người, cũng như hoàn cảnh và cách thức uống. Sau khi uống, tuyệt đối không điều khiển xe hay tham gia vào các hoạt động ngoài trời hoặc ở những nơi nguy hiểm, không an toàn, dễ bị ngã, va chạm, chấn thương... Thúy Quỳnh Mua hàng tại Tin Học Như Ý Nguồn: VNExpress