Kỹ sư Việt đam mê cải tiến máy tạo chocolate

Discussion in 'Khám phá - Phát minh' started by bboy_nonoyes, Feb 8, 2024.

  1. bboy_nonoyes

    bboy_nonoyes Administrator Staff Member

    (Lượt xem: 115)

    Kỹ sư Nguyễn Hồng Huy chế tạo 6 máy chế biến chocolate từ ca cao và cải tiến cho công suất cao hơn, mỗi năm cung cấp hơn 3 tấn sản phẩm ra thị trường.


    Những ngày đầu năm, Huy tất bật vận chuyển máy gia nhiệt chocolate nặng hơn 300 kg bằng xe tải từ Bình Dương về TP HCM giao cho khách. Đây là đơn hàng giao máy đầu tiên của anh trong năm nay. Với những đóng góp cho ngành chocolate Việt Nam, Huy được tôn vinh công dân trẻ tiêu biểu TP HCM hồi đầu năm ở hàng mục gương thanh niên khởi nghiệp. Anh cũng là chủ nhân giải thưởng Lương Định Của, danh hiệu thanh niên tiên tiến làm theo lời bác của Trung ương Đoàn năm 2023.

    Việc chế tạo máy được Huy bắt tay làm từ năm 2016. Có 6 loại máy phục vụ chế biến các sản phẩm chocolate gồm: gia nhiệt, tách vỏ, nghiền, ép bơ, máy bọc viên và máy rung khuôn phục vụ quy trình chế biến quả ca cao thành các sản phẩm chocolate được Huy chế tạo thành công.

    Kỹ sư 34 tuổi nhìn nhận, máy gia nhiệt được coi là quan trọng và khó chế tạo nhất trong quy trình chế biến chocolate. Năm 2019, anh chế tạo chiếc máy gia nhiệt chocolate công suất 40 kg mỗi giờ. Bốn năm sau, Huy cải tiến nâng công suất lên tối đa 60 kg mỗi giờ và tích hợp thêm hệ thống rung khuôn nhằm đưa hai công đoạn vào một máy. Chiếc máy dự kiến có thể hoạt động ổn định hơn 20 năm, giá từ 300 - 350 triệu đồng, rẻ gần một nửa so với máy ngoại nhập.

    [​IMG]

    Nguyễn Hồng Huy bên máy gia nhiệt chocolate chuẩn bị bàn giao cho khách. Ảnh: Hà An


    Máy gia nhiệt sử dụng nhiệt độ trong khoảng 30 - 50 độ C để phối trộn các nguyên liệu bơ chocolate, đường, hạt ca cao và các hương liệu khác hòa quyện vào nhau trước khi đổ vào khuôn để tạo thỏi chocolate. Máy có bốn bộ phận chính gồm: hệ thống điều chỉnh nhiệt độ, hệ dao mài, bộ phận bơm thẳng đứng và bộ điều khiển.

    Với công suất lớn hơn, Huy nói quy trình chế tạo sẽ khó hơn máy cũ do phải có máy bơm mạnh, hệ thống nóng và lạnh hoạt động độ ổn định cao hơn. Trong hơn 3 tháng, ngày nào anh cũng chạy xe máy từ TP HCM lên TP Thủ Dầu Một (Bình Dương) và đi nhờ ôtô của anh trai là chủ một xưởng cơ khí ở huyện Dầu Tiếng để cùng hai thợ cải tiến máy.

    Huy kể, thời gian đi về trong ngày hết 3 giờ đồng hồ. Quá trình chế tạo máy cũng không dễ dàng vì khi gia nhiệt chocolate rất khó do là dạng chất lỏng, được bơm thẳng đứng, cần động cơ đủ mạnh và chạy ổn định. Ngoài máy bơm, hệ thống trụ đỡ, ổ bi cũng cần có thiết kế tối ưu để máy hoạt động bền bỉ, không bị sự cố và phát tiếng kêu. "Bên trong máy, hai hệ thống nóng lạnh nằm cùng một chỗ, hoạt động thường xuyên với nhiệt độ thay đổi liên tục nên rất dễ xảy ra sự cố làm hỏng máy", Huy nói về khó khăn khi làm hệ thống gia nhiệt.

    Để có động cơ phù hợp, Huy phải thử nghiệm và nhiều lần động cơ bị cháy. Có khi khói bốc lên khiến anh phát hoảng. Ngoài ra, đường ống hút chocolate trong quá trình gia nhiệt thường bị đóng băng khi máy không sử dụng trong vài ngày gây ảnh hưởng hoạt động, thậm chí cháy máy bơm vì tắc đường ống.

    Để khắc phục, Huy tìm tòi áp dụng hệ thống sấy, với một nhiệt độ phù hợp để làm chảy chocolate bám trên đường ống và máy bơm. Hệ thống sấy cần đảm bảo nhiệt độ không quá cao vì khi ở ngưỡng trên 50 - 70 độ C, chocolate dễ bị cháy.

    Vốn là kỹ sư cơ khí, mọi việc Huy đều phải tự học và tự trải nghiệm thất bại để rút ra kinh nghiệm cho bản thân. "Làm máy chocolate tôi học được nhiều kiến thức mới, khám phá bản thân và có niềm tin mình có thể làm được", Huy kể.

    Theo anh, trong 6 loại máy chế biến chocolate, máy gia nhiệt là thiết bị bắt buộc phải có để tự sản xuất chocolate thành phẩm. Các loại máy khác, người sử dụng có thể đặt làm từ bên ngoài sau đó đem nguyên liệu về gia nhiệt, tạo thỏi chocolate và tự tạo hình sản phẩm theo ý tưởng riêng mình. Với 6 máy chocolate, Huy cho biết chi phí đầu tư vào khoảng 1,5 tỷ đồng và hoàn toàn sản xuất trong nước.

    "Người Việt Nam cũng có thể tự sản xuất chocolate với chất lượng không thua kém các nước châu Âu", Huy tự tin nói về ước mong. Lý tưởng đó xuất phát từ 10 năm trước trong thời gian anh làm việc cho một doanh nghiệp nước ngoài sau khi tốt nghiệp đại học. Những lần về miền Tây lắp máy bơm cho nông dân, Huy nhìn thấy những vườn ca cao bị phá bỏ vì giá cả bấp bênh theo thị trường. Nông dân lâm cảnh khốn khó. "Làm thế nào để nâng giá trị ca cao Việt" là câu hỏi Huy đặt ra lúc đó và cũng chính là động lực để anh nghỉ việc và bắt tay chế tạo những sản phẩm chế biến từ ca cao.

    Huy cho biết sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm và cùng hợp tác để ngành sản xuất chocolate trong nước phát triển mạnh hơn. Điều này cũng giúp Việt Nam mở rộng vùng nguyên liệu, giúp nông dân có nơi tiêu thụ ca cao và giúp cuộc sống của họ tốt hơn.

    Hiện cơ sở sản xuất của Huy thu mua từ 1 - 1,5 tấn ca cao mỗi tháng, cung cấp hơn 20 loại sản phẩm ra thị trường trong nước. Anh ấp ủ ý định xuất khẩu chocolate Việt ra nước ngoài.

    [​IMG]

    Các sản phẩm chocolate của Huy trong khu vực trưng bày do anh tự thiết kế. Ảnh: Hà An


    Ông Thụy Bùi, Việt kiều Pháp, nhà đầu tư hơn 10 năm kinh nghiệm lĩnh vực công nghệ đánh giá, Huy là một người trẻ làm việc miệt mài, luôn có động lực tìm tòi cái mới. Ông cho biết, trong năm nay sẽ hỗ trợ Huy đưa các sản phẩm chocolate của người Việt phát triển thị trường tiêu thụ tại Pháp và các nước châu Âu. "Bên cạnh phân phối sản phẩm, hiện các doanh nghiệp tại Pháp đang mua các máy chế biến chocolate của Trung Quốc, Italy... nên chúng tôi sẽ kết nối với đối tác cung cấp máy của Việt Nam sang thị trường này", ông nói.

    Hà An


    Adblock test (Why?)
    Nguồn VNExpress
     
  2. Facebook comment - Kỹ sư Việt đam mê cải tiến máy tạo chocolate

Share This Page