Giành sự sống trong phòng hồi sức ngày cận Tết

Discussion in 'Sống khỏe' started by Robot Siêu Nhân, Feb 7, 2024.

  1. Robot Siêu Nhân

    Robot Siêu Nhân Moderator

    (Lượt xem: 89)

    Hà NộiGần Tết, lượng bệnh nhân nặng tăng, bác sĩ ví công việc như một cuộc đua khi những y lệnh sinh tử được quyết định bằng giây.


    Cách đây vài ngày, chị Mai, 56 tuổi, ở Thái Nguyên, xuất hiện sốt, hắt hơi, sổ mũi. Dấu hiệu tưởng rằng cảm sốt thông thường, nhưng lại là biến chứng cúm A trở nặng, khởi đầu cho lần đổ bệnh "thập tử nhất sinh". Một ngày sau khi xuất hiện những triệu chứng đầu tiên, người phụ nữ phải đối mặt với tình trạng tức ngực, khó thở.

    Đêm 5/2, chị được đưa vào khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, trong tình trạng suy hô hấp tiến triển trầm trọng.

    "Huyết áp tụt, mạch nhanh, cần chuyển phương án", thông báo từ phòng bệnh khoa Hồi sức Tích cực.

    "Chuẩn bị đặt ống thở máy xâm nhập cho bệnh nhân ngay", bác sĩ Phạm Văn Phúc, Phó trưởng khoa, ra y lệnh khi xác định được người phụ nữ không kiểm soát được nhịp thở. Không gian xung quanh cấp tập bởi tiếng bíp liên hồi từ những máy hỗ trợ sự sống, cùng âm thanh thảo luận của bác sĩ, điều dưỡng...

    Trên phim chụp X-Quang, phổi bệnh nhân "trắng xóa", tổn thương phổi 60-70%, lan tỏa hai bên. Dù người bệnh đã thở máy nhưng tình hình vẫn tiếp tục chuyển biến xấu theo mỗi phút. Bác sĩ cùng ê kíp lập tức điều chỉnh thông số máy thở, lọc máu liên tục, kiểm soát kiềm toan, lọc bỏ bớt cytokines, vốn là tác nhân dẫn tới các tổn thương điển hình.

    Bệnh nhân vẫn rất nguy kịch. Phát hiện chỉ số SpO2 (nồng độ oxy trong máu) bất ngờ giảm, mạch yếu dần và ngừng hẳn, ê kíp lập tức kích hoạt cấp cứu ngưng tim. Liên tiếp các y lệnh được thực hiện, để phục vụ cho cấp cứu ngừng tuần hoàn hô hấp như thiết lập máy điện tim, thuốc trợ tim, dụng cụ y tế.

    Hai bác sĩ trong kíp trực cùng bác sĩ Phúc thay phiên nhau ép tim, giành giật lại sự sống cho người phụ nữ với tốc độ 100-120 nhịp/phút. Sau gần 5 phút, chỉ số nhịp tim trên màn hình tăng dần.

    "Bệnh nhân tạm qua cơn nguy kịch", bác sĩ Phúc thông báo. Ngoài hành lang, con trai bà ôm mặt khóc, cảm ơn nhân viên y tế. Lúc này là 22h, các y bác sĩ trong kíp trực vẫn chưa ăn tối.

    [​IMG]

    Bác sĩ Phúc cùng e ekip cấp cứu cho bệnh nhân. Ảnh: Ngọc Thành


    Những ngày giáp Tết, lượng bệnh nhân chuyển đến khoa Hồi sức Tích cực của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương tăng, chủ yếu do tai nạn, đột qụy, bệnh lý viêm phổi, đường hô hấp, cúm A... Nơi này từng đóng vai trò quan trọng trên tuyến đầu chống dịch, tham gia điều trị bệnh nhân Covid-19 ngay từ khi dịch xuất hiện. Từ năm 2020 đến nay, bệnh viện điều trị thành công hàng nghìn bệnh nhân Covid-19 từ các tỉnh phía Bắc, tham gia chi viện ở những điểm nóng bùng phát dịch tại miền Trung, Nam.

    Ngoài người phụ nữ, hiện khoa Hồi sức Tích cực điều trị khoảng 50 bệnh nhân, hầu hết người cao tuổi, có bệnh nền, mắc các bệnh lý hô hấp, viêm phổi, vi khuẩn khác, phải thở oxy, thở máy.

    Thông thường, một bác sĩ sẽ trực Tết 1-2 ngày, ngoài ra phải tăng cường nếu như bệnh nhân vào cấp cứu quá đông. Khoa có 4 kíp trực, mỗi kíp 7 điều dưỡng và 2 bác sĩ, đảm nhận chăm sóc, điều trị cho 50 bệnh nhân.

    "Dù Tết cận kề nhưng tôi và các đồng nghiệp chưa một giây phút dám sao nhãng công việc bởi bệnh nhân có thể diễn biến nặng và tử vong bất cứ lúc nào", ông Phúc nói.

    Bệnh nhân khi phải chuyển vào khoa Hồi sức tích cực có SOFA (Thang điểm để đánh giá tình trạng nhiễm trùng huyết, cũng như mức độ suy cơ quan và tiên lượng tử vong) trên 5-6 điểm, tức là nguy cơ tử vong khoảng 50% trở lên. 48 giờ đầu là giai đoạn đặc biệt nguy hiểm, nhiệm vụ của các bác sĩ là bám sát diễn biến. Do đó, công tác điều trị "là một cuộc đua", quyết định chỉ tính bằng giây.

    Từ phòng điều hành ở trung tâm khoa, bác sĩ có thể quan sát toàn bộ 7 phòng bệnh nhờ thiết kế không gian mở, các phòng có vách kính lớn, đảm bảo liên tục theo dõi tình trạng của các bệnh nhân từ xa và phát hiện vấn đề ngay khi có tín hiệu đèn cảnh báo.

    Trẻ nhất tại đây là thanh niên 22 tuổi, tổn thương phổi nặng do nhiễm cúm A trên nền lao phổi. Khi khởi phát bệnh, anh sốt cao, gai rét liên tục, kèm ho khạc đờm, đau mỏi cơ, đau nặng đầu, tức ngực khó thở tăng dần. Bệnh nhân suy hô hấp, viêm phổi, thở oxy kính, thở oxy và đặt ống thở máy. Tuy nhiên, người bệnh không đáp ứng với thở máy, các bác sĩ đã tiến hành đặt ECMO (phương tiện cấp cứu cuối cùng).

    Hiện, bệnh nhân được an thần, thở máy, phụ thuộc vào ECMO, tiên lượng điều trị "xuyên năm".

    "Nhiễm cúm A trên nền suy giảm miễn dịch thì sẽ nặng hơn bệnh nhân thường, vì vậy các bác sĩ phải theo dõi sát để đánh giá đúng tình hình, đưa ra phác đồ phù hợp và khẩn thiết, quá trình điều trị dài ngày", ông Phúc nói.

    Kết thúc ca trực cũng là lúc rạng sáng, các nhân viên y tế chuẩn bị để báo cáo công việc bàn giao cho kíp sau. "Điều trị cho một bệnh nhân nặng mất rất nhiều thời gian, công sức, nhưng khoa có tới hàng chục bệnh nhân như vậy, gần như không có thời gian nghỉ ngơi", bác sĩ chia sẻ.

    [​IMG]

    Bác sĩ cùng đồng nghiệp thảo luận về tình trạng người bệnh trong đêm. Ảnh: Ngọc Thành


    Đây là năm thứ 10, anh Phúc đồng hành cùng các bệnh nhân xuyên Tết, thấm thía nỗi đau tinh thần và thể xác của người bệnh, nhất là cảm giác phải xa gia đình khi mọi người được sum vầy.

    Khi căng tin, hàng quán đóng cửa, các nhân viên y tế sẽ nấu bữa cơm tất niên, cúng giao thừa, mời người nhà bệnh nhân chung vui. Bản thân y bác sĩ cũng có cảm giác "chạnh lòng" vào giờ phút chuyển giao năm cũ sang năm mới, nhưng trách nhiệm với công việc luôn được họ đặt lên trước tiên.

    "Công việc cũng giúp tôi thấu hiểu và sẻ chia hơn với hoàn cảnh người bệnh, cảm thấy mình còn may mắn hơn nhiều người khó khăn không có Tết ngoài kia, nên càng có động lực làm việc, cống hiến nhiều hơn", bác sĩ Phúc cho hay.

    Thúy Quỳnh


    Adblock test (Why?)
    Nguồn: VNExpress​
     
  2. Facebook comment - Giành sự sống trong phòng hồi sức ngày cận Tết

Share This Page