Tử vong do nhiễm liên cầu lợn

Discussion in 'Sống khỏe' started by Robot Siêu Nhân, Feb 6, 2024.

  1. Robot Siêu Nhân

    Robot Siêu Nhân Moderator

    (Lượt xem: 72)

    [​IMG]

    Quảng NinhNgười đàn ông 64 tuổi, nhiễm liên cầu lợn nguy kịch, suy đa tạng, không đáp ứng điều trị, sau đó tử vong.


    Ngày 6/2, đại diện Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Quảng Ninh cho biết bệnh nhân được đưa vào Bệnh viện Bãi Cháy cấp cứu trong tình trạng sốt cao, lơ mơ, kích thích vật vã, khó thở, xuất hiện tím tái. Chẩn đoán ban đầu bệnh nhân sốc nhiễm khuẩn, tắc mạch phổi, suy đa tạng.

    Kết quả xét nghiệm cấy máu của bệnh nhân cho kết quả dương tính với vi khuẩn liên cầu lợn Streptococus suis. Dù được khẩn trương điều trị hồi sức tích cực, tuy nhiên người bệnh không đáp ứng với điều trị. Hiện chưa rõ người đàn ông nhiễm liên cầu lợn trong hoàn cảnh nào.

    Liên cầu lợn do vi khuẩn Streptococcus suis gây ra. Vi khuẩn này có thể lây nhiễm sang người qua đường tiếp xúc trực tiếp chăn nuôi, hay giết mổ, chế biến thịt lợn bệnh. Ngoài lây truyền qua tiếp xúc vết thương, liên cầu khuẩn lợn còn lây qua giọt bắn đường hô hấp và xâm nhập qua đường tiêu hóa sau khi ăn phải thịt lợn nhiễm bệnh chưa nấu chín.

    Các bệnh lý nguy hiểm mà người bệnh thường gặp khi nhiễm liên cầu khuẩn lợn là viêm phổi, viêm màng não, viêm cơ tim và viêm khớp. Nếu không được điều trị kịp thời có thể gây tử vong do độc tố vi khuẩn gây sốc nhiễm khuẩn, viêm nội tâm mạc, suy đa phủ tạng, nhiễm khuẩn huyết. Những người bị suy giảm miễn dịch và lợn bị suy giảm miễn dịch có nguy cơ mắc bệnh cao.

    Các biểu hiện chính của bệnh là sốt cao, có những cơn rét run; nôn và buồn nôn, rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy; đau đầu dữ dội. Trường hợp bệnh nặng, nguy kịch sẽ xuất hiện các rối loạn thần kinh như lơ mơ, lú lẫn, hôn mê, co giật hoặc tổn thương các dây thần kinh trung ương như điếc, mắt mờ; rối loạn tuần hoàn.

    Các bác sĩ nhận định bệnh liên cầu lợn nguy hiểm một phần vì hiện chưa có vaccine phòng nhiễm. Để tránh mắc bệnh, các bác sĩ khuyến cáo những người chăn nuôi và giết mổ, chế biến thịt lợn cần nghiêm chỉnh chấp hành và thực hiện tốt các biện pháp vệ sinh chăn nuôi, vệ sinh chuồng trại, vệ sinh khi tiếp xúc, giết mổ chế biến thịt lợn như mặc quần áo bảo hộ, đi ủng, đeo găng tay; thường xuyên phun khử khuẩn chuồng trại, nơi giết mổ.

    Không mua bán, vận chuyển, giết mổ lợn ốm, chết hoặc sản phẩm từ lợn không đảm bảo vệ sinh, tuyệt đối không giết mổ, không ăn thịt lợn bệnh, lợn chết, tiết canh lợn, thịt lợn sống, thịt lợn tái chưa nấu chín kỹ. Người tiêu dùng nên lựa chọn mua thịt lợn đã qua kiểm định của cơ quan thú y, tránh mua thịt lợn có màu đỏ khác thường, xuất huyết hoặc phù nề.

    Thúy Quỳnh


    Adblock test (Why?)
    Nguồn: VNExpress​
     
  2. Facebook comment - Tử vong do nhiễm liên cầu lợn

Share This Page