Sau khi được thông báo trúng thưởng quà tặng trị giá 50.000 đồng từ một thương hiệu, chị Tâm được đề nghị đặt đơn hàng để nhận thêm hoa hồng. Cuối tháng 1, chị Tâm ở Bắc Từ Liêm, Hà Nội nhận cuộc gọi từ một người tự nhận là nhân viên hãng thời trang lớn, thông báo chị nằm trong số những khách hàng may mắn được tri ân dịp Tết Nguyên đán. Để nhận quà, chị được yêu cầu cung cấp địa chỉ, số điện thoại và tham gia một nhóm chat. Trong nhóm chat với hơn 400 thành viên, chị và mọi người được trưởng nhóm đề nghị bấm xem video quảng cáo của nhãn hàng để nhận lì xì 20-50 nghìn đồng. Sau khi làm theo, quản trị viên tiếp tục đề nghị mọi người thực hiện đặt đơn hàng trị giá 250.000 đồng trên một trang thương mại điện tử, lấy lý do tăng doanh số để cạnh tranh với đối thủ. "Họ nói sau khi thực hiện 3-5 phút, tôi sẽ nhận số tiền gốc và hoa hồng, và chỉ những người tham gia mới có được khoản lì xì ban đầu", chị Tâm kể. Sau đó, chị lại được yêu cầu làm nhiệm vụ với số tiền cao hơn để nhận hoa hồng nhiều hơn. Tuy nhiên, chị không hề nhận được khoản nào dù ứng trước hơn hai triệu đồng. Theo Cục An toàn thông tin - Bộ Thông tin và Truyền thông, chiêu tặng quà, trúng thưởng này khiến nhiều người mất từ vài triệu đến hàng tỷ đồng. Việc mạo danh thương hiệu lớn nhằm lừa tiền người dùng không mới, nhưng liên tục được thay đổi kịch bản, cách tiếp cận, khiến nhiều người vẫn bị dụ dù đã cảnh giác. Lợi dụng tâm lý muốn kiếm thêm tiền hoặc mua hàng giá rẻ dịp cận Tết, chiêu lừa đang bùng phát trở lại, theo Cục An toàn thông tin. Một người nhận cuộc gọi từ số điện thoại lạ. Ảnh: Lưu Quý Về hình thức, kẻ gian có thể gọi điện hoặc nhắn tin qua mạng xã hội thông báo trúng phần thưởng giá trị lớn, hoặc được nhận "quà tặng tri ân", nhưng người tham gia cần chuyển khoản trước một số tiền nhằm hoàn tất thủ tục nhận thưởng. Một kịch bản khác là dụ họ đặt đơn để nhận hoa hồng hoặc mã trúng thưởng, với điều kiện mua càng nhiều nhận quà càng lớn, tương tự chiêu tuyển cộng tác viên. Ngoài ra, trong một số trường hợp, chúng dụ nạn nhân truy cập link tải ứng dụng nhưng thực chất là ứng dụng chứa mã độc đánh cắp thông tin. Trong các kịch bản này, Cục An toàn thông tin cho biết kẻ gian thường mạo danh các thương hiệu có tiếng, đồng thời củng cố niềm tin cho nạn nhân bằng cách đề nghị giữ kín thông tin trúng thưởng. Sau khi người dùng chuyển khoản hoặc thực hiện giao dịch theo yêu cầu, chúng sẽ chặn liên lạc và chiếm toàn bộ số tiền. Trước tình trạng trên, Cục khuyến cáo người dân thận trọng trước các cuộc gọi, lời mời trên mạng xã hội, đặc biệt trong dịp trước Tết. Trong trường hợp được thông báo trúng thưởng, cần tìm hiểu kỹ về bên thông báo, ví dụ yêu cầu cung cấp đầy đủ thông tin họ tên, chức vụ, địa chỉ và số điện thoại của công ty để tìm hiểu, xác minh. Ngoài ra, người dùng không nên chia sẻ, cung cấp dữ liệu cá nhân để tránh bị đánh cắp thông tin sử dụng vào mục đích phạm pháp hoặc bị chiếm đoạt tài sản. Lưu Quý Mua hàng tại Tin Học Như ÝTheo Trang Công Nghệ