Cây kim tiền, vạn niên thanh, hoa phi yến, hoa loa kèn... có độc tính, có thể ảnh hưởng sức khỏe, cần cẩn trọng khi chưng trong nhà ngày Tết. Trồng cây cảnh để trang trí nhà cửa, giúp không khí trong lành, tâm hồn thư giãn. Tuy nhiên, bạn cần lưu ý để nhận biết một số loại thực vật có độc, khả năng nguy hiểm đến trẻ em hoặc vật nuôi. Bác sĩ Huỳnh Tấn Vũ, Khoa Y học Cổ truyền, Đại học Y Dược TP HCM, tư vấn một số loại cây phổ biến dịp Tết nhưng có độc, cẩn thận khi bày trong nhà. Cây kim tiền Cây kim tiền được cho là có các yếu tố phong thủy, tác dụng chiêu tài, mang phú quý, tài lộc. Lá kim tiền viền tròn, xanh, mọng đầy sức sống, phù hợp với kiến trúc hiện đại. Chính vì vậy kim tiền được xem là loại cây đem đến sự thịnh vượng, giàu sang, sức khỏe cho gia chủ. Đặc biệt, khi kim tiền nở hoa, gia chủ càng đắc lộc. Tuy nhiên, trong thân và lá cây có chứa canxi oxalat, gây nóng rát, bỏng lưỡi, cổ họng nếu ăn phải. Nặng hơn thì sẽ gây sưng viêm, ngạt thở và xuất huyết dạ dày. Nhựa cây dính lên mắt ảnh hưởng xấu đến thị lực. Cây kim tiền. Ảnh: The Spruce Vạn niên thanh Vạn niên thanh là cây thường được trang trí trong gia đình hoặc nơi công sở. Đây là cây cảnh mang đến tài lộc, may mắn và giúp thanh lọc không khí. Nó có tên khoa học là Dieffenbachia Amoena, thuộc họ thực vật Araceae (họ ráy) có hoa, cây có nguồn gốc xuất xứ từ Colombia, Brazil. Đặc điểm của cây vạn niên thanh là cây thảo sống nhiều năm, rễ mập, ngắn, nhiều đốt, trên đốt có nhiều rễ con. Lá mọc từ rễ cây rộng 3,5-6 mm, mép nguyên, mặt trên xanh lục, mặt dưới màu lục nhạt. Tất cả bộ phận của cây vạn niên thanh đều có độc. Do đó, ngày Tết phải cẩn thận khi va chạm, di chuyển hay chăm sóc loại cây cảnh này. Mủ gây ngứa, nếu văng vào mắt thì rất khó chịu; ăn sẽ bị tê môi, đỏ lưỡi, nói khó, ngứa họng, đau rát, nôn mửa... Lỡ dính mủ cây môn trường sinh bị ngứa, không nên gãi mà hơ nóng (ấm) vùng da bị dính sẽ khỏi. Nếu dính mủ vào miệng, mắt, nên súc miệng, rửa mắt bằng nước ấm, rồi dùng máy sấy tóc hơ ấm. Cây vạn niên thanh. Ảnh: BHG Hoa phi yến Hoa phi yến được nhiều người miền Bắc mua trồng hoặc cắm trong nhà vào mùa xuân, chứa các alkaloid diterpenois, bao gồm cả methyllycaconitine - độc tính rất cao. Ở một số nước như Ấn Độ, người dân sử dụng hạt cây phi yến làm thuốc diệt côn trùng. Alkaloid delphinine trong hoa phi yến gây ra nôn mửa (nếu ăn một lượng nhỏ), hoặc có thể dẫn đến tử vong nếu ăn nhầm số lượng lớn. Hoa phi yến cũng như các bộ phận của nó đều độc, trong đó phần độc hại nhất là chồi mọc vào mùa xuân. Cây trở nên ít độc hơn khi chúng trưởng thành vào thời gian tiếp theo. Chỉ 2 mg chất alkaloid là có thể khiến một người lớn tử vong. Trẻ em có thể bị viêm da nghiêm trọng khi chạm vào hoa, hoặc phản ứng ngộ độc nếu ăn. Chó, mèo cũng có thể bị ngộ độc rất nhanh khi ăn phải các bộ phận của phi yến. Dấu hiệu là nôn, tiêu chảy, rát môi, họng, yếu cơ, mạch chậm, suy hô hấp, co giật. Cây phi yến. Ảnh: Nhân vật cung cấp Hoa ly lửa Tất cả thành phần của cây đều chứa chất độc có thể giết chết người và động vật lớn. Đặc biệt, phần rễ củ của cây chứa nhiều độc chất như colchicine, alkaloid gloriocine. Chỉ sau hai giờ trúng độc, nạn nhân có biểu hiện buồn nôn, nôn, tê bì và ngứa ran xung quanh miệng, rát cổ họng, đau bụng, tiêu chảy ra máu, dẫn đến tình trạng mất nước. Khi chất độc tiến triển trong cơ thể sẽ khiến tiêu cơ vân, tắc ruột, suy hô hấp, hạ huyết áp, rối loạn đông máu, đái ra máu, co giật, hôn mê và tổn thương đa thần kinh. Với phụ nữ, chất độc còn gây lột da và chảy máu âm đạo. Hoa ly lửa (ngót nghẻo) màu sắc đẹp nhưng độc, có thể gây hại cho người. Ảnh: Scienceinfo Cây môn kiểng Theo Dengarden, cây môn kiểng (môn cảnh) còn gọi cây môn lá đỏ, môn đốm, tên khoa học Caladium biccolor. Đây là loài cây có nguồn gốc từ Brazil và quần đảo Tây Ấn Độ. Đặc điểm nhận dạng, cây môn kiểng không có thân trên mặt đất, lá và cụm hoa được mọc ra trên một cuống dài 15-30 cm phát sinh trực tiếp từ thân củ ngầm. Lá hình khiên rộng, có mũi ở đỉnh, gốc chia thùy sâu dạng tim, tròn. Lá loại cây này có thể gây kích thích niêm mạc và sưng lưỡi, môi. Trong trường hợp nuốt phải, trẻ sẽ bị tiêu chảy và nôn mửa. Nếu dính vào mắt, loại cây này có thể làm hỏng giác mạc của trẻ. Cây môn kiểng. Ảnh: Tropicsathome Hoa loa kèn Hoa loa kèn được xếp vào bảng có độc tính cao nên chỉ được dùng để bào chế thuốc với một lượng rất nhỏ, tính bằng miligram. Trong hoa có chứa chất gây ảo giác scopolamine, chỉ cần uống một giọt độc dược chiết xuất từ chất này có thể tác động lên hệ thần kinh trung ương. Nạn nhân có thể bị mất trí nhớ và mất tri giác tạm thời. Nạn nhân ngộ độc ở mức độ nhẹ có dấu hiệu khô miệng, khó nuốt, giảm tiết dịch ở phế quản, giãn đồng tử; nặng có thể bị lú lẫn, hoang tưởng, dễ kích thích. Hoa loa kèn. Ảnh: BHG Thúy Quỳnh Mua hàng tại Tin Học Như Ý Nguồn: VNExpress