TP HCMNữ sinh 18 tuổi vào viện cấp cứu vì yếu nửa người trái không đi lại được, rối loạn phát âm nặng, bác sĩ xác định bị dạng đột quỵ hiếm gặp. Ngày 4/2, TS.BS Tạ Vương Khoa, Phó chủ nhiệm Khoa Nội thần kinh, Bệnh viện Quân y 175, cho biết bệnh nhân bị đột quỵ nhồi máu não cấp, giờ thứ 24 do tắc cấp tính động mạch não giữa bên phải bởi huyết khối xâm lấn từ túi phình động mạch này. Theo bác sĩ, bệnh nhân có túi phình rất lớn, kích thước 23x18 mm, gây đột quỵ theo cơ chế thuyên tắc huyết khối tại chỗ - khá hiếm gặp trong y văn. Đây là lần đầu bệnh viện tiếp nhận ca đột quỵ dạng này. Trên thực tế, hầu hết huyết khối sẽ ổn định trong lòng túi phình động mạch não, không gây hậu quả nhưng trong một số trường hợp, huyết khối phóng thích khỏi lòng túi phình đến tắc một động mạch não ở xa, hoặc phát triển lấp đầy lòng túi phình rồi xâm lấn làm tắc tại chỗ, gây đột quỵ nhồi máu não. Trong 24 giờ nhập viện, bệnh nhân được thực hiện gần như đầy đủ loạt xét nghiệm tầm soát, hình ảnh học sọ não, dành cho đột quỵ người trẻ, bởi ê kíp xác định chẩn đoán một túi phình động mạch não kích thước lớn chưa vỡ đã được huyết khối hóa toàn phần không hề đơn giản. Y văn thế giới đã có nhiều báo cáo chia sẻ về chẩn đoán nhầm giữa túi phình dạng này với các sang thương như u não, u màng não, u mạch hang, xuất huyết não... dẫn đến chỉ định mổ nhầm, thậm chí xảy ra ngay tại các nước tiên tiến. Thời điểm bệnh nhân nhập viện đã quá cửa sổ điều trị tái thông, vì vậy bác sĩ không đặt ra chỉ định can thiệp nội mạch lấy huyết khối động mạch não giữa bằng dụng cụ cơ học. Điều may mắn là khảo sát DSA (chụp mạch máu não kỹ thuật số xóa nền) và chụp cắt lớp vi tính tưới máu não ghi nhận nhu mô não ở nơi bị tắc vẫn được cung cấp máu bởi những tuần hoàn bàng hệ qua các vòng thông nối với động mạch xung quanh. Điều này có nghĩa túi phình đã được "bê tông hóa" một cách tự nhiên, chỉ cần điều trị bảo tồn bằng nội khoa, không cần tác động gì thêm bằng phẫu thuật hoặc can thiệp nội mạch, bởi điều này có thể gây hại cho người bệnh. Túi phình ở động mạch não giữa của bệnh nhân. Ảnh: Bệnh viện cung cấp Sau 10 ngày điều trị và chăm sóc tích cực, bệnh nhân hồi phục tốt các triệu chứng, vừa xuất viện vào thời điểm giáp Tết Nguyên đán trong tình trạng hoàn toàn tỉnh táo, phát âm gần như bình thường, sức cơ nửa người trái cải thiện rõ rệt, tự đi lại được. "Trong cái rủi có cái may, bệnh nhân này rủi ro bị đột quỵ nhồi máu não, song may vì mạch máu nuôi não có cơ chế tự bù trừ rất tốt", bác sĩ nói. Ngoài ra, bệnh nhân được tự chữa khỏi tự nhiên, thoát khỏi viễn cảnh trải qua một cuộc phẫu thuật hoặc can thiệp nội mạch phức tạp, tốn kém xử lý một túi phình động mạch não giữa kích thước lớn trong lòng đang chứa đầy huyết khối. "Các bác sĩ đã cứu sống đứa con duy nhất của tôi, giúp con khỏe mạnh trở lại", mẹ bệnh nhân nói. Cô gái đang học lớp 12 tại một tỉnh Tây Nguyên. Túi phình động mạch não có thể hiện diện ở mọi lứa tuổi, cả người lớn lẫn trẻ em. Khoảng 3% dân số thế giới có túi phình động mạch não, thường xảy ra biến chứng vỡ túi phình gây xuất huyết khoang dưới nhện, một dạng đột quỵ rất nặng với bình quân cứ 3 người mắc bệnh sẽ có một tử vong. "Quả bom nổ chậm" này còn là nguồn cơn gây đột quỵ nhồi máu não - chiếm đến 80-85% các dạng đột quỵ. Lê Phương Adblock test (Why?) Nguồn: VNExpress