Đau bụng suốt một tuần, anh Nam, 40 tuổi, đi khám bất ngờ phát hiện bị viêm tụy cấp, mỡ máu cao, HP dạ dày, huyết tương trắng đục. Cầm kết quả xét nghiệm "mỡ máu" trên tay, anh Nam, 40 tuổi, sốc, bởi anh cao 1,8 m nặng 70 kg, thường xuyên tập thể thao nên không tin mình bị mỡ máu. Đi cùng anh là hai đồng nghiệp, kết quả tương tự, song mức độ nhẹ hơn. Chia sẻ với bác sĩ, anh Nam cho biết làm chuyên viên tư vấn tại một cửa hàng xe. Cuối năm là thời điểm anh và các đồng nghiệp ăn nhậu triền miên. Ngoài đối tác làm ăn, anh còn hàng chục cuộc gặp từ bạn bè, đồng nghiệp cũ, hội đồng hương... Hơn hai tuần nay, anh không ăn cơm ở nhà, ngày nào cũng có tiệc. Cuối tuần trước, sau tiệc tất niên, anh đột ngột đau bụng, nôn ói. Tưởng ngộ độc thực phẩm, anh không đi khám. Hôm sau, trong bữa ăn, anh tiếp tục bị đau quặn bụng, gọi dịch vụ xét nghiệm tại nhà kiểm tra chỉ số ở mức nguy hiểm, mỡ máu cao. Đến bệnh viện Đại học Y, bác sĩ chẩn đoán viêm tụy cấp, gan nhiễm mỡ do uống rượu, ăn nhiều chất béo. Bác sĩ yêu cầu bỏ rượu. Anh Nam không dám cam đoan, nghĩ "bỏ rượu thì chỉ còn nước ở nhà vợ nuôi". Tương tự, anh Huy, 44 tuổi, đau bụng vùng thượng vị và quanh rốn, cơn đau kéo dài và tăng dần. Anh vào Bệnh viện Gia An 115 (TP HCM) cấp cứu, bác sĩ chẩn đoán viêm tụy cấp thể nặng do tăng triglycerid máu gấp gần 10 lần so với ngưỡng bình thường, hạ natri máu. Người bệnh được chuyển đến Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc (ICU), lọc máu thay huyết tương nhằm hạ nhanh triglyceride, ngăn ngừa diễn tiến các biến chứng nặng và tránh nguy cơ tử vong. Các bác sĩ kết hợp điều trị kháng sinh, ức chế tiết acid dịch vị, ổn định mỡ máu... Trường hợp này có tiền sử trào ngược dạ dày thực quản, rối loạn mỡ máu, bệnh nang thận. Kết quả xét nghiệm máu của anh Sơn (đầu tiên bên trái) và hai đồng nghiệp. Ảnh: Nhân vật cung cấp Bác sĩ Phạm Văn Phúc, Phó trưởng Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, cho biết ngày Tết với nhiều bữa tiệc rượu tiềm ẩn nguy cơ gây hại sức khỏe, đặc biệt là viêm tụy cấp, viêm tụy hoại tử. Tất cả đều do lạm dụng rượu, uống rượu không có nguồn gốc, xuất xứ. Ngoài ra, ngày Tết "ăn cỗ như vua", nhiều dầu mỡ, chất béo làm tăng nguy cơ bệnh tật. Viêm tụy cấp diễn biến phức tạp, nhanh chóng. Triệu chứng thường gặp là chướng bụng, đau bụng, buồn nôn, đau vùng thượng vị (ngay dưới xương ức), bí trung đại tiện. Trường hợp nhẹ, bệnh nhân dùng thuốc, theo dõi tại nhà. Nhiều trường hợp biến chứng nặng, dẫn đến viêm tụy hoại tử, phải nằm hồi sức cấp cứu. Bệnh rất dễ tái phát nhiều lần, nhất là người nghiện rượu, ăn uống không khoa học. Viêm tụy mạn là yếu tố nguy cơ phát triển ung thư tụy. Tỷ lệ ung thư tụy ở bệnh nhân viêm tụy mạn là 1,8-3% sau 10 năm và 4% sau 20 năm. Nghiên cứu cho thấy nguy cơ ung thư tụy cao gấp 16 lần ở bệnh nhân viêm tụy mạn. Bác sĩ Phạm Thị Lưu, Khoa Nội tiết và Đái tháo đường, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết tăng triglyceride máu mức độ nặng dễ dẫn đến viêm tụy cấp, khiến huyết tương trắng đục. Nguyên nhân chủ yếu do chế độ ăn không hợp lý như ăn nhiều phủ tạng động vật, lười vận động, uống rượu bia nhiều năm dẫn đến rối loạn lipid máu. Bệnh cũng có thể gặp ở người mắc bệnh lý nội tiết chuyển hóa khác như đái tháo đường kiểm soát đường huyết kém, suy giáp nặng, bệnh rối loạn chuyển hóa, hoặc di truyền. Bệnh không được điều trị sẽ diễn biến rất nhanh, phức tạp, biến chứng nặng, ảnh hưởng đến các cơ quan khác, thậm chí tử vong. Như người đàn ông 46 tuổi nghiện rượu 10 năm, trung bình mỗi ngày uống từ 250 đến 300 ml. Bệnh nhân cấp cứu tại trong tình trạng huyết tương đục, không đo được mỡ máu triglyceride "giống như có lớp mỡ tách hẳn ra nhìn được qua mắt thường". Nguyên nhân do chế độ ăn không hợp lý như ăn nhiều phủ tạng động vật, ít vận động, lạm dụng uống rượu bia nhiều năm dẫn đến rối loạn lipid máu. Người bệnh được điều trị kết hợp biện pháp thay đổi lối sống, chế độ ăn và các loại thuốc giảm mỡ máu; hạ triglyceride bằng truyền insulin tĩnh mạch liên tục. Trường hợp khác, bệnh nhân nam 52 tuổi, ở Quảng Bình, nhập viện trong tình trạng đau bụng dữ dội, huyết tương có màu trắng đục như sữa do viêm tụy cấp. Nồng độ triglyceride máu là 91,32 mmol/L, tăng gấp 45 lần giá trị bình thường. Bệnh nhân được dẫn lưu dịch ổ bụng, thay 14 đơn vị huyết tương, nhờ đó nồng độ triglyceride giảm về mục tiêu điều trị, may mắn qua nguy kịch. Huyết tương trắng đục như sữa của bệnh nhân nam, 52 tuổi, cấp cứu tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cu Ba Đồng Hới, Quảng Bình. Ảnh: Bệnh viện cung cấp Để điều trị tăng triglyceride máu, bệnh nhân kết hợp dùng thuốc và thay đổi chế độ ăn uống, tập thể dục thể thao thường xuyên, giảm hoặc dừng sử dụng rượu. Trường hợp tryglyceride máu cao, lượng chất béo được khuyến nghị được hạn chế ở 10-15% tổng năng lượng ăn vào, khoảng 15-20 g/ngày, carbohydrate nên chiếm 55-60% và lượng protein là 15-20% năng lượng ăn vào hàng ngày. Phó giáo sư, bác sĩ Lâm Vĩnh Niên, Trưởng khoa Dinh dưỡng Tiết chế, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, khuyến cáo tiêu thụ quá nhiều thức ăn và rượu bia ngày Tết tăng nguy cơ gây bệnh. Đây là kỳ nghỉ lễ dài nhất trong năm và cũng là lúc mọi người sum vầy bên gia đình nên mọi người chủ quan sức khỏe, ăn uống không khoa học. Để phòng ngừa bệnh tật, các chuyên gia khuyến nghị chỉ nên ăn no đến 80%, cân đối ba chất sinh năng lượng là bột đường, chất đạm, chất béo. Chất bột đường cần bổ sung 50-60%, nên lựa chọn từ các thực phẩm rau củ quả, ngoài ra là bánh mì nâu, gạo lứt, khoai... với số lượng được khuyến cáo. Lựa chọn món ăn vặt như trái cây tươi ít ngọt, trái cây sấy khô ít đường, hạt (hạnh nhân, bí, óc chó, điều, hướng dương...) thay thế bánh mứt, kẹo ngọt. Giảm ăn các món muối mặn như dưa chua, cà muối... Ăn đúng bữa, hạn chế rượu bia, làm tăng nguy cơ đối với các bệnh tim mạch, gout, tăng huyết áp, đái tháo đường... Sau khi uống rượu bia, tuyệt đối không điều khiển xe hay tham gia vào các hoạt động ngoài trời hoặc ở những nơi nguy hiểm, không an toàn, dễ bị ngã, va chạm, chấn thương. *Tên nhân vật được thay đổi Thùy An Mua hàng tại Tin Học Như Ý Nguồn: VNExpress