5 cách giảm cơn đau trĩ nhanh chóng

Discussion in 'Sống khỏe' started by Robot Siêu Nhân, Jan 26, 2024.

  1. Robot Siêu Nhân

    Robot Siêu Nhân Moderator

    (Lượt xem: 73)

    [​IMG]

    Vệ sinh hậu môn, ngâm nước ấm, thay đổi chế độ ăn uống và sinh hoạt, luyện tập thể dục và dùng thuốc là những cách giúp cải thiện cơn đau trĩ nhanh chóng.


    Mặc dù không nguy hiểm nhưng trĩ gây nhiều phiền toái, khó khăn khi đại tiện và sinh hoạt của người bệnh. Bệnh trĩ có thể xuất phát từ nhiều yếu tố như ngồi nhiều, ít vận động; uống ít nước; chế độ ăn thiếu rau xanh, chất xơ; béo phì; phụ nữ mang thai; táo bón hoặc tiêu chảy mạn tính...

    Theo PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn, Chủ nhiệm Khoa Phẫu thuật ống tiêu hóa, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, trĩ dù ở dạng trĩ nội hay trĩ ngoại, khi các búi trĩ đã sưng to đều gây đau rát, thậm chí mất máu. Dưới đây là một số gợi ý có thể giúp người bệnh giảm đáng kể tình trạng này.

    Vệ sinh hậu môn

    Vệ sinh hậu môn đúng cách vô cùng quan trọng đối với bệnh nhân mắc bệnh trĩ nhằm tránh gây lây lan vi khuẩn dẫn đến tình trạng viêm nhiễm.

    Cần lưu ý vệ sinh hậu môn ngay sau khi đi đại tiện và vệ sinh thêm ít nhất 2 lần mỗi ngày vào buổi sáng và tối trước khi ngủ để tránh ngứa ngáy.

    Tuyệt đối không sử dụng xà phòng hay những hóa chất có tính tẩy rửa mạnh để vệ sinh hậu môn vì chúng chứa thành phần dễ gây kích ứng mạnh và làm khô da.

    Nên dùng nước sạch để vệ sinh hậu môn, cách này giúp làm sạch các chất bẩn mà không làm trầy xước hậu môn do cọ xát. Có thể dùng nước ấm hoặc nước muối pha loãng. Sau khi vệ sinh hậu môn bằng nước thì nên lau lại nhẹ nhàng bằng khăn bông ẩm, mềm hoặc khăn ướt mềm.

    Các bác sĩ chuyên khoa khuyến cáo, bệnh nhân mắc bệnh trĩ nên vệ sinh hậu môn bằng nước ấm sạch sau đó lau khô bằng khăn hoặc giấy vệ sinh mềm. Các loại giấy vệ sinh có mùi hương thường chứa hương liệu nên dễ gây kích ứng cho người dùng. Không nên dùng giấy vệ sinh thông thường vì dễ gây trầy xước niêm mạc hậu môn, gây đau và khiến trĩ dễ tiến triển nặng hơn.

    Thay quần lót ít nhất 2 lần/ngày; quần lót phải thoáng mát, co giãn, thấm hút mồ hôi tốt.

    Ngâm nước ấm

    Ngâm hậu môn với nước ấm có thể đem lại nhiều lợi ích. Cách làm này giúp giảm đau nhanh, cải thiện các triệu chứng sưng tại chỗ cho bệnh nhân. Giảm đáng kể các vi khuẩn có khả năng gây ra viêm nhiễm, hạn chế tác động của vi khuẩn đối với tình trạng bệnh trĩ. Nhiệt từ nước ấm cũng giúp hỗ trợ lưu thông máu ở vùng hậu môn tốt hơn, từ đó giúp cho tình trạng sa búi trĩ, sưng búi trĩ được kiểm soát tốt hơn, tránh tình trạng tiến triển nặng.

    Để ngâm nước ấm đúng cách khi đang điều trị bệnh trĩ, bạn có thể tham khảo và thực hiện theo một số bước sau đây:

    - Nước sau khi đun ấm thì hòa thêm vào một lượng muối vào chậu tắm sau đó hòa tan từ từ cho muối tan hết.

    - Vệ sinh sạch vùng hậu môn trước khi ngâm sau đó lau lại với khăn mềm, sạch.

    - Ngâm hậu môn nhẹ nhàng vào chậu tắm cho phần hậu môn ngập trong nước ấm, ngâm khoảng 15 phút để giảm các triệu chứng đau. Ngoài ra, có thể tắm và ngâm mình bằng nước ấm cũng mang lại cảm giác thoải mái, thư giãn và giảm đau nhức.

    - Có thể thực hiện khoảng 2-3 lần mỗi ngày để giúp dễ chịu hơn.

    Chế độ ăn uống, sinh hoạt

    Chế độ ăn uống sinh hoạt tuy không có hiệu quả giảm đau tức thời nhưng có thể giúp bạn cải thiện các triệu chứng đau an toàn về lâu dài.

    Thay đổi và điều chỉnh chế độ ăn uống, sinh hoạt được xem là một trong những cách giảm đau trĩ an toàn và tự nhiên nhất. Người bệnh nên áp dụng chế độ ăn nhiều chất xơ, các chất làm mềm phân và uống nhiều nước.

    Luyện tập thể dục

    Đối với bệnh trĩ, các bài tập thể dục có vai trò đặc biệt quan trọng giúp cho khả năng lưu thông, tuần hoàn máu được cải thiện đáng kể, giúp cho kích thước búi trĩ được co lại và nhỏ dần. Bên cạnh đó, việc luyện tập thể dục đúng cách kết hợp song song với các biện pháp điều trị khoa học để có thể giúp cho bệnh nhân đạt được hiệu quả điều trị cao nhất.

    Bệnh nhân mắc bệnh trĩ được khuyên nên đi bộ, tập yoga, bơi lội. Đây là những bộ môn có tác động tích cực với sức khỏe người bệnh trĩ. Ngoài ra nên tránh tập các bộ môn tạo áp lực lên vùng ổ bụng, khu vực hậu môn như nâng tạ, gập bụng, chạy nhanh...

    Giảm đau bằng thuốc

    Dùng thuốc bôi hoặc thuốc đặt chữa trĩ nhẹ có chứa hydrocortisone, các chất chống co thắt, các chất bảo vệ mạch máu giúp xoa dịu nhanh cơn đau, giảm sưng tấy và kháng viêm hiệu quả.

    Thường dùng nhất là kem thoa trĩ Protolog, thuốc Proctolog đặt hậu môn ngày 1-2 viên; hoặc bôi thuốc mỡ Preparation-H lên vùng bị trĩ bất cứ lúc nào có triệu chứng đau mỗi ngày 3-5 lần/ngày giúp giảm đau tức thì.

    Tuy nhiên cũng cần lưu ý các loại thuốc bôi giảm đau trĩ chỉ có tác dụng trong thời gian ngắn và dùng lâu dài có thể gây nhờn thuốc. Do đó, không nên quá lạm dụng.

    Mỹ Ý


    Adblock test (Why?)
    Nguồn: VNExpress​
     
  2. Facebook comment - 5 cách giảm cơn đau trĩ nhanh chóng

Share This Page