MỹSau vài năm hút thuốc lá điện tử, phổi của chàng trai 22 tuổi trắng xóa, phải phẫu thuật ghép phổi mới để giữ tính mạng. Jackson Allard nhập viện hồi tháng 10/2023 do đau bụng. Tuy nhiên, sau thăm khám, bác sĩ yêu cầu anh nhập viện vì nồng độ oxy xuống quá thấp. Allard được chẩn đoán nhiễm parainfluenza, một loại virus gây nhiễm trùng đường hô hấp, khiến chất lỏng tích tụ trong phổi, đe dọa tính mạng. Trong kết quả chụp X-quang, bác sĩ thậm chí không thể nhìn thấy trái tim của anh vì phổi trắng xóa. Điều này có nghĩa toàn bộ phổi chứa đầy dịch lỏng. Allard cho biết anh đã hút thuốc lá điện tử từ năm 16, 17 tuổi. Hai năm gần đây, tần suất sử dụng tăng lên. Một ngày trước khi được đặt nội khí quản, anh nói: "Tôi không biết mình sẽ mắc căn bệnh này". Hiện nay, các nhà khoa học vẫn chưa nghiên cứu đầy đủ về mối liên quan giữa thuốc lá điện tử và bệnh phổi. Theo các phân tích trước đó, sử dụng sản phẩm này trong thời gian dài có thể khiến con người bị nhiễm trùng đường hô hấp. Tiến sĩ Brian Keller, giám đốc y tế của Chương trình cấy ghép phổi của Bệnh viện Đa khoa Massachusetts, cho biết các nghiên cứu trên động vật chỉ ra rằng thuốc lá điện tử có thể làm hỏng mạch máu và tế bào lót phổi. Tuy nhiên, các nhà khoa học vẫn đang cố gắng tìm ra hợp chất có hại nhất đối với sức khỏe. "Các yếu tố gây hại nhất gồm nicotin. Tuy nhiên, quá trình đốt cháy chất lỏng như propylene glycol hoặc glycerol cùng hương liệu trong thuốc lá điện tử cũng nguy hiểm", tiến sĩ Keller nói. Jackson Allard, 22 tuổi, phải thở máy và phẫu thuật ghép phổi. Ảnh: Jaime Foertsch Ca cấy ghép diễn ra vào đêm 31/12/2023. Đến 5/1, anh không còn cần sử dụng ECMO (tim phổi nhân tạo) nữa. Hiện Allard thở máy trong phòng hồi sức tích cực (ICU), nhưng có thể ra vào giường nếu có người hỗ trợ, đi bộ khoảng 1,5 m trên khung tập đi. Cấy ghép phổi là thủ thuật y khoa hiếm gặp, nhất là đối với người dưới 50 tuổi. Trong số hơn 2.500 ca ghép phổi được thực hiện ở Mỹ trong năm 2021, chỉ 440 ca là của những người từ 18 đến 49 tuổi. Hầu hết chấn thương liên quan đến thuốc lá điện tử đầu không cần cấy ghép. Bệnh nhân thường phải thở oxy hoặc thở máy. Năm 2019, một cậu bé 17 tuổi ở Michigan trở thành trường hợp đầu tiên cấy ghép vì hút thuốc lá điện tử. Năm ngoái, một người đàn ông 34 tuổi ở Missouri cũng được ghép phổi đôi sau khi bị nhiễm trùng do kháng thuốc kháng sinh. Bệnh nhân có tiền sử hút thuốc lá điện tử trong 9 năm. Khoảng 54% người được ghép phổi sống sót ít nhất 5 năm sau phẫu thuật. Allard sẽ mất khoảng 6 tháng để theo dõi các tiến triển, đảm bảo cơ thể anh dung nạp được tạng mới. Thục Linh (Theo NBC News) Adblock test (Why?) Nguồn: VNExpress