Làm sao đủ sữa cho con bú sau sinh mổ, mẹ phải uống thuốc kháng sinh và còn đau vết mổ? Có nên dặm sữa công thức trong những ngày đầu sau sinh mổ? (Trang, TP HCM) Trả lời: Cơ chế tạo sữa quan trọng nhất là cơ chế cung - cầu, nghĩa là bé phải bú mẹ để sữa được rút ra khỏi bầu ngực, nhờ vậy các nang sữa được làm trống liên tục. Từ đó, cơ thể mẹ hiểu là bé đang cần sữa, tiếp tục sản xuất sữa. Nếu mẹ thêm bình sữa công thức cho con, sữa non không được lấy ra khỏi ngực, cơ thể không hiểu bé cần sữa, sẽ giảm việc sản xuất sữa tiếp tục. Sữa non đã có sẵn từ tuần 16-22 thai kỳ, chứ không phải sinh xong mới có sữa như nhiều mẹ vẫn nghĩ. Vì thế, dù sinh thường hay sinh mổ, cơ chế tạo sữa vẫn giống nhau. Mẹ sinh mổ vẫn đủ sữa cho con nếu kiên trì ôm con cho bú. Nhiều người hiểu nhầm sinh mổ sẽ khiến sữa về chậm nên không kiên trì cho bé bú mẹ hoàn toàn ngay sau sinh. Nhiều mẹ còn thấy ngực mềm trong vài ngày đầu hoặc vắt tay thử không thấy sữa ra, nghĩ là mình không đủ sữa, từ đó cũng thêm bình cho con. Sữa non ở những ngày đầu tuy ít nhưng vừa lượng cho dạ dày nhỏ bé của con. Vì lượng sữa non ít và rất đặc nên mẹ sẽ thấy ngực mềm và vắt hút rất khó ra. Đây là hiện tượng bình thường, chỉ có bé mới giúp lấy sữa non ra khỏi ngực một cách dễ dàng nhất. Bình sữa và sữa công thức được mua rất dễ dàng, cộng thêm áp lực từ phía gia đình sợ bé đói, nên nhiều bé được bổ sung sữa công thức chưa đúng lúc. Các mẹ trước khi sinh cần học trước các kiến thức sữa mẹ, tìm hiểu rõ cách bế bú, cách ngậm bắt vú mẹ sâu để bé lấy sữa hiệu quả và mẹ không bị đau. Học tiền sản sẽ giúp mẹ hiểu cách theo dõi dấu hiệu bú đủ của bé, đặc biệt trong tuần đầu sau sinh. Về tã tiểu tiện, mẹ đếm số tã trong 24 giờ (ngày 1 ít nhất 1, ngày 2 ít nhất 2 sau đó tăng dần mỗi ngày thêm 1 tã, đến ngày 5 trở đi ít nhất 5-6). Với tã đại tiện, mẹ quan sát màu phân su từ đen chuyển sang xanh đen, xanh rêu và dần đổi sang màu vàng hẳn, trễ nhất vào ngày 6-7 sau sinh. Việc đổi màu là do sữa mẹ vào đẩy phân su ra và làm nhạt màu phân su dần. Khi sinh mổ nếu đau, mẹ báo bác sĩ để được giảm đau tốt. Mẹ có thể nằm nghiêng qua cho bé bú thay vì phải ngồi dậy. Việc dùng kháng sinh sau mổ, bác sĩ sẽ dùng kháng sinh dự phòng, dùng được khi cho con bú, nên mẹ cứ yên tâm ôm con bú. Khi tình trạng sức khỏe của mẹ đặc biệt, phải dùng kháng sinh mạnh, không cho con bú được thì bác sĩ sẽ dặn. Tóm lại, nếu mẹ sinh mổ muốn đủ sữa cho con, mẹ cần nhớ sữa non đã có sẵn trong ngực từ tuần 16-22 của thai kỳ. Nắm chắc các kỹ năng ôm bú, khớp ngậm đúng. Hãy ôm bú mẹ 100%, không thêm bình, không thêm sữa công thức. Nắm chắc các dấu hiệu bú đủ để an tâm ôm con bú mà không sợ con đói. Bác sĩ Lê Ngọc Anh Thy Trung tâm tư vấn sữa mẹ BMC Adblock test (Why?) Nguồn: VNExpress