Tàu Peregrine nhiều khả năng đã rơi xuống khí quyển và cháy rụi phía trên nam Thái Bình Dương sau khi thất bại trong nhiệm vụ đổ bộ Mặt Trăng. Ảnh chụp của tàu đổ bộ Mặt Trăng Peregrine với Trái Đất trông như hình lưỡi liềm được Mặt Trời chiếu sáng. Ảnh: Astrobotic Tàu Peregrine của công ty tư nhân Mỹ Astrobotic phóng tới Mặt Trăng hôm 8/1 trên tên lửa Vulcan Centaur, nhưng gặp trục trặc nghiêm trọng sau khi tách khỏi tên lửa đẩy. Sự cố gây thất thoát nhiên liệu, khiến con tàu không còn cơ hội hạ cánh thành công xuống Mặt Trăng. Trong cập nhật mới nhất, Astrobotic thông báo trên mạng xã hội X rằng họ đã mất liên lạc với Peregrine lúc gần 4h sáng ngày 19/1 (giờ Hà Nội), cho thấy con tàu rơi xuống khí quyển một cách có kiểm soát phía trên vùng biển thoáng thuộc Nam Thái Bình Dương theo đúng dự đoán. Tuy nhiên, Astrobotic cũng cho biết, họ sẽ chờ thêm sự xác nhận độc lập về số phận của Peregrine từ các cơ quan chính phủ liên quan. Trước đó, các kỹ sư đã thực hiện nhiều đợt đốt động cơ nhỏ để điều chỉnh hướng của Peregrine trên đại dương nhằm giảm tối đa nguy cơ các mảnh vỡ rơi xuống đất liền. Astrobotic cũng đăng tải một bức ảnh do tàu vũ trụ chụp vào ngày cuối cùng, khi con tàu nằm giữa Trái Đất và Mặt Trời. Trong ảnh, Trái Đất trông giống như một hình lưỡi liềm. Peregrine đã hoạt động hơn 10 ngày trong không gian. Nhiệm vụ này vẫn thu hút sự quan tâm kể cả khi Astrobotic thất bại trong mục tiêu trở thành công ty tư nhân đầu tiên hạ cánh thành công xuống Mặt Trăng. Peregrine cũng không thể trở thành tàu đầu tiên của Mỹ đáp thuận lợi xuống Mặt Trăng kể từ khi chương trình Apollo kết thúc cách đây hơn 50 năm. Tàu Moon Sniper hay SLIM của Cơ quan Thám hiểm Hàng không Vũ trụ Nhật Bản (JAXA), phóng lên không gian vào tháng 9/2023, sẽ là tàu tiếp theo cố gắng hạ cánh nhẹ nhàng xuống Mặt Trăng. Thời điểm hạ cánh dự kiến là khoảng 22h ngày 19/1 (giờ Hà Nội). Nếu thành công, Nhật Bản sẽ trở thành quốc gia thứ 5 đạt được thành tích này sau Liên Xô, Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ. Thu Thảo (Theo AFP) Adblock test (Why?)Nguồn VNExpress