Anna Makanju được đánh giá là người quan trọng trong việc xây dựng hình ảnh của OpenAI trong giới công nghệ và biến Sam Altman thành "đại sứ AI". Mùa hè 2023, Altman có chuyến thăm Ấn Độ để bàn về cuộc cách mạng AI với Thủ tướng Narendra Modi. Tuy nhiên, theo Rest of World, một ngày trước đó, CEO OpenAI khiến nhiều người dân ở đây tức giận khi nhận xét kỹ sư Ấn Độ thông minh nhưng sẽ "hoàn toàn vô vọng" khi cạnh tranh với công ty của ông. Dù vậy, ông vẫn được tiếp đón nồng nhiệt. Sam Altman (trái) và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. Ảnh: X/Sam Altman Theo Washington Post, việc Altman không gặp bất kỳ rào cản nào là nhờ công của Anna Makanju, Phó chủ tịch phụ trách các vấn đề toàn cầu của OpenAI. Bà được xem là nhân tố quan trọng biến Altman từ một nhà khởi nghiệp thành đại sứ trong lĩnh vực AI, từ việc sắp xếp cho CEO này đi khắp 25 thành phố trong bốn tuần năm ngoái, cho đến việc trấn an nhà đầu tư và người dùng khi Altman bị lật đổ và quay lại kịch tính hồi giữa tháng 11/2023. "Bà ấy thực tế là 'bộ trưởng ngoại giao' của một trong những công ty AI quan trọng nhất thế giới", Michael McFaul, từng là đại sứ Mỹ tại Nga dưới thời chính quyền Obama và hiện là Giám đốc Viện Nghiên cứu Quốc tế Freeman Spogli của Đại học Stanford, nói. Thông tin về Makanju hiện không nhiều và cũng chưa có trên Wikipedia. Theo Atlantic Council, Makanju sinh năm 1976 ở Liên Xô, khi bố của bà - một người Nigeria - nhận học bổng y khoa ở đây, và gặp mẹ của bà trong một quán bar nổi tiếng. Bà tại một sự kiện ở Texas (Mỹ) năm 2018. Ảnh: Facebook/PD Soros Fellowships for New Americans Sau đó, Makanju chuyển đến Lagos, Nigeria. Bà còn có thời gian sống ở Đức và Kuwait trước khi học trung học ở Texas khi theo mẹ đến Mỹ năm 10 tuổi. Theo thông tin đăng trên website của quỹ Barack Obama Foundation, Makanju nhận bằng luật tại Đại học Stanford và làm tại tòa án hình sự quốc tế Hague (Hà Lan). Bà có 8 năm làm cho chính quyền cựu tổng thống Mỹ Obama về vấn đề an ninh quốc gia, cũng như là cố vấn đặc biệt của phó tổng thống Joe Biden đến năm 2014. McFaul cho biết ông "bị choáng ngợp" trước kiến thức sâu rộng của Makanju. Năm 2014, Makanju gia nhập Facebook, phụ trách các biện pháp bảo vệ bầu cử trên nền tảng, sau đó chuyển sang vai trò xác định các chính sách của Facebook đối với quảng cáo chính trị. Bà cũng có thời gian ngắn làm tại SpaceX của Elon Musk, phụ trách chính sách toàn cầu cho Starlink. Đưa ChatGPT ra đại chúng Năm 2021, Mira Murati, Giám đốc công nghệ của OpenAI, đề xuất công ty nên nghĩ cách triển khai mô hình AI sau quá trình phát triển. Trong một cuộc họp, ban lãnh đạo công ty nhận ra họ cần chinh phục công chúng và các nhà hoạch định chính sách. Theo Murati, với kinh nghiệm nhiều năm giải quyết các bê bối tại Facebook cũng như vai trò quan trọng ở Starlink, Makanju là người hoàn hảo cho vị trí này. Makanju cũng nhìn thấy cơ hội. Khi bà gia nhập, công ty và các sản phẩm AI đang phát triển chưa được nhiều người biết đến. Bà xem đây là "khoảng trống" cần giải quyết nhằm xây dựng niềm tin cho công ty ở quy mô toàn cầu. "Chúng tôi bắt đầu thực hiện các công việc sớm hơn so với lịch trình. Mục đích đầu tiên là định hình suy nghĩ và giúp mọi người hiểu được công nghệ", Makanju nói với Washington Post. Makanju dành ngày đầu tiên sử dụng GPT-3 và ngạc nhiên trước khả năng của mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) này. Bà bị ấn tượng bởi cách AI có thể đẩy nhanh tiến độ, nhưng cũng nhìn thấy những nhược điểm tiềm ẩn. Tuy nhiên, ban đầu bà chỉ tập trung vào việc xây dựng mối quan hệ cá nhân với các nhà hoạch định chính sách công nghệ tại Mỹ, châu Âu và một số khu vực khác. Theo Business Insider, các công ty công nghệ thường có xu hướng né tránh việc quan hệ mật thiết với Washington trừ khi gặp rắc rối hoặc được chú ý. Makanju có cách tiếp cận khác. Với kinh nghiệm nhiều năm làm với chính phủ, khi đến OpenAI, bà dành thời gian thuyết phục các nhà hoạch định chính sách bằng một thông điệp: Hãy điều chỉnh chúng tôi. Theo giới quan sát, với chiến lược này, Makanju giúp Altman nổi lên như một nhà điều hành công nghệ hiếm hoi được lưỡng đảng Mỹ tin tưởng. Việc ra mắt sớm ChatGPT cũng có công lớn của Makanju. Cuối năm 2022, bà là một trong những người muốn tung ra công cụ này và điều đó đã được chứng minh là đúng đắn khi nó nhanh chóng tạo cơn sốt. "Thách thức của bà ấy lúc đó là thuyết phục được ai đó nói chuyện với chúng tôi. Còn bây giờ, mọi người đều muốn tiếp cận chúng tôi", Murati nói. Đứng sau Sam Altman Kể từ khi có sự xuất hiện của ChatGPT, giới hoạch định chính sách trên toàn cầu đã không khỏi lo lắng. Các cơ quan ở Mỹ, châu Âu và nhiều nơi khác gấp rút cập nhật các đạo luật đã được xây dựng trong nhiều năm để kiểm soát AI. Điều này cũng đồng nghĩa Altman cần xuất hiện nhiều hơn trước. Makanju đã chuẩn bị cho Altman các buổi nói chuyện, huấn luyện về cấu trúc của các phiên điều trần quốc hội và nhịp độ của cuộc trò chuyện, trước khi ông xuất hiện lần đầu ở Đồi Capitol tháng 5 năm ngoái. "Một số người rất ngạc nhiên khi tôi đưa Altman đến Đồi Capitol. Tuy nhiên, đã đến lúc nói chuyện với các nhà lập pháp và làm việc với họ một cách chủ động, thay vì chờ đợi đến khi xảy ra khủng hoảng", Makanju nói. Kết quả được chứng minh khi Sam Altman nhận được sự đón tiếp nồng nhiệt. Thượng nghị sĩ Richard Blumenthal thậm chí cam kết hành động "ngày đêm" với Altman. Theo Makanju, không giống Facebook, OpenAI không có bộ máy chính sách khổng lồ để điều phối các động thái của Altman. Toàn bộ mỗi chuyến đi luôn được bà và một trợ lý khác lên kế hoạch. Đối với các dự luật AI, Makanju cho biết OpenAI đến nay vẫn chưa ủng hộ hay phản đối. Tuy nhiên, bà dự đoán mọi thứ có thể thay đổi năm nay. Bà cũng tích cực xây dựng đội ngũ để phản ứng nhanh trên toàn cầu, với hơn 20 người tại Anh, Đức, Nhật Bản và Brazil. Bảo Lâm Mua hàng tại Tin Học Như ÝTheo Trang Công Nghệ