3 sai lầm uống rượu có thể đe dọa tính mạng

Discussion in 'Sống khỏe' started by Robot Siêu Nhân, Jan 17, 2024.

  1. Robot Siêu Nhân

    Robot Siêu Nhân Moderator

    (Lượt xem: 67)

    [​IMG]

    Pha rượu với nước ngọt có ga, uống thêm rượu để nhanh "mã hồi", uống bia an toàn hơn là 3 quan niệm có thể gây hại sức khỏe, thậm chí nguy hiểm tính mạng.


    Cuối năm, mọi người thường tụ tập ăn uống khiến tình trạng uống rượu bia tăng, nhiều người lạm dụng dẫn đến mệt mỏi, kiệt sức. Ngày 16/1, PGS.TS Nguyễn Quang Dũng, Phó trưởng Bộ môn Dinh dưỡng và An toàn thực phẩm, Đại học Y Hà Nội, đưa ra 3 sai lầm khiến người uống rượu nhanh say, mệt mỏi, chóng mặt, thậm chí đe dọa tính mạng.

    Pha rượu với nước ngọt, cafe

    Tự ý uống rượu pha không rõ nguồn gốc, pha theo cảm tính, không có công thức, tỷ lệ... nguy cơ gây ngộ độc, biểu hiện là buồn nôn, nôn, đau đầu, chóng mặt, đau bụng, nặng hơn là rối loạn tri giác, mất ý thức, hôn mê, tử vong.

    Khi uống rượu pha, cơ thể có cảm giác hưng phấn, dễ bị say nhưng lại gây mệt mỏi, uể oải khi thức dậy. Lạm dụng rượu pha còn làm suy yếu sức khỏe, trầm cảm, thậm chí là nghiện rượu. Nước ngọt có ga hay soda chứa nhiều CO2, khiến quá trình hấp thu cồn nhanh hơn làm bạn đau đầu, chóng mặt.

    Người bị suy giảm miễn dịch, người có bệnh mạn tính như gan, thận, dạ dày, đại tràng, ung thư, càng không nên tự ý pha hay lạm dụng rượu.

    Bạn có thể pha trộn rượu với các loại hoa quả tươi có nguồn gốc rõ ràng như mận, táo, nho để tạo hương vị và làm giảm độ nặng của rượu. Không pha rượu với những loại nước có ngọt, bia, cafe, hoa quả công nghiệp nhiều phẩm màu.

    Uống thêm rượu để "mã hồi"

    Thay vì để cơ thể nghỉ ngơi, việc uống thêm rượu nữa không giúp "mã hồi" (nhanh tỉnh rượu) mà còn khiến cơ thể mệt mỏi, đuối sức. Hành động này không chứng minh bạn có tửu lượng cao mà chỉ gây hại đến cơ thể, gây ngộ độc, thậm chí hôn mê, tử vong.

    Sau khi uống, bạn có thể ăn một chút bánh mì nướng, bánh quy giòn, nước sốt táo để cung cấp năng lượng. Bổ sung nhiều loại hoa quả như xoài, nho, cam, lê, chuối. Uống nước gừng, nước dừa, dưa hấu để bù nước cho cơ thể sau khi uống nhiều rượu. Có thể ăn một chút cháo loãng để nạp thêm năng lượng. Cách tốt nhất là đi ngủ để cơ thể được tái tạo và hồi sức.

    Bạn cần biết khả năng của bản thân và giới hạn việc uống để tránh gây hại sức khỏe.

    Uống bia an toàn hơn rượu

    Bia hay rượu đều là cồn, nguy cơ gây hại sức khỏe. Thực tế, rượu mạnh có nồng độ cồn cao hơn. Tức là cùng thể tích 100 ml, thì 100 ml rượu mạnh sẽ có hại hơn so với 100 ml bia. Tuy nhiên, tác hại của rượu bia không chỉ phụ thuộc vào loại đồ uống mà vào lượng cồn, cách thức, tần suất và cơ địa mỗi người. Lạm dụng bia gây hại sức khỏe không kém rượu.

    Để đảm bảo an toàn, bác sĩ khuyến cáo mỗi ngày nam giới không nên uống quá 720 ml bia hoặc 300 ml rượu vang hoặc 60 ml rượu whisky. Đối với nữ giới, mỗi ngày không nên uống quá 360 ml bia hoặc 150 ml rượu vang hay 30 ml rượu whisky. Không cho trẻ em và tuổi vị thành niên uống rượu bia. Cố gắng kiểm soát lượng uống ở mức nguy cơ thấp nhất trong một lần.

    Bác sĩ khuyến cáo người dân nên tiết chế, điều độ khi uống rượu, nhất là dịp lễ, Tết. Nếu muốn sử dụng rượu, nên uống sau giờ làm việc, không điều khiển phương tiện giao thông sau uống. Tuyệt đối không sử dụng rượu có pha cồn công nghiệp, rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ.

    Khi thấy biểu hiện đau đầu, đau bụng, chóng mặt, hạ thân nhiệt, huyết áp... sau uống rượu, người dân cần tới các cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và điều trị kịp thời.

    Thùy An


    Adblock test (Why?)
    Nguồn: VNExpress​
     
  2. Facebook comment - 3 sai lầm uống rượu có thể đe dọa tính mạng

Share This Page