Muốn sửa dái tai to như "tai Phật" để cầu may mắn, nhiều người tiêm filler rẻ tiền hoặc phẫu thuật dẫn đến biến chứng tắc mạch, nhiễm trùng, hoại tử. Người phụ nữ, 29 tuổi, lên mạng tìm hiểu dịch vụ tiêm "tai Phật" để đổi vận, mong năm mới làm ăn phát đạt. Chị đang kinh doanh một cửa hàng ở TP HCM, doanh thu khá khiêm tốn, chỉ đủ trả lương nhân viên, muốn thoát tình cảnh chật vật. Chị tham khảo chi phí dịch vụ thẩm mỹ tai ở một số nơi, sau đó chọn tiêm filler tại một spa. Nhân viên tư vấn nói rằng chỉ mất 10-15 phút tiêm filler, không đau đớn, không chảy máu, sau một tuần thì dái tai sẽ đầy đặn, "hài hòa với các đường nét trên khuôn mặt và cải thiện tướng số". Họ đảm bảo dùng các chất liệu nhập khẩu, an toàn, không phải hàng trôi nổi. Sau hai ngày tiêm, vùng dái tai đau nhức, rỉ dịch, chị dùng thuốc kháng sinh và vệ sinh nước muối nhưng không đỡ. Chị đến Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM khám, bác sĩ Lê Vi Anh cho biết vùng dái tai sưng đỏ, phù nề, hoại tử da. Bác sĩ kê thuốc kháng viêm, kháng sinh, xử lý thuốc đã tiêm ra khỏi vùng tai, riêng phần da sẹo sau hoại tử phải can thiệp laser. Bệnh nhân dự kiến mất 6 tháng để phục hồi. Trường hợp khác, nam thanh niên 24 tuổi, đến Bệnh viện Da liễu khám do dái tai bầm tím, đau nhức sau tiêm chất làm đầy để tạo "tai Phật". Anh nhờ một người bạn là nhân viên spa mua filler giá hơn một triệu đồng về nhà tiêm. Một ngày sau, dái tai đau nhức, căng cứng, uống kháng sinh, kháng viêm không giảm, phải vào viện khám. Kết quả bệnh nhân bị tắc mạch và loét hoại tử một phần dái tai. Nguyên nhân có thể do thực hiện sai kỹ thuật nên tiêm vào mạch máu, hoặc filler là hàng trôi nổi, rẻ tiền không đảm bảo chất lượng. Cũng tiêm filler vào dái tai, người phụ nữ 35 tuổi phải nhập viện vì tai sưng tấy đỏ, biến dạng, nhiễm trùng. Người bệnh may mắn nhập viện sớm, tai chưa bị hoại tử, chỉ cần phẫu thuật cắt lọc. Tuy nhiên, vùng tai có thể sẽ để lại sẹo lồi lõm, không được tự nhiên như ban đầu. Nhiều người gặp biến chứng sau tiêm dái tai tại cơ sở không uy tín. Ảnh: Nhân vật cung cấp Tết Nguyên đán cận kề, nhu cầu làm đẹp tăng cao. Ngoài chăm sóc da, triệt lông, dịch vụ tiêm "tai Phật" cũng được ưa chuộng. Trên mạng xã hội, các spa đưa nhiều ưu đãi thu hút khách với chiêu trò quảng cáo như "tai Phật hút vận khí tốt cho gia chủ", "tai Phật đón lộc mới", "phúc khí đón lộc". Nhiều người mạnh tay chi tiền thẩm mỹ để tạo đôi tai to, mong đổi được vận. Tuy nhiên, bất kỳ kỹ thuật xâm lấn hoặc vật liệu đưa vào cơ thể nào cũng kèm rủi ro, kể cả thủ thuật đơn giản cũng có nguy cơ tai biến, hoại tử, không thể hồi phục về hình dạng ban đầu. Bác sĩ Lê Vi Anh, Khoa Da liễu - Thẩm mỹ Da, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, cho biết phương pháp làm đẹp này thường được chỉ định trong các trường hợp như dái tai bị lão hóa, chảy xệ, nhiều nếp gấp hay trong mô tai bị mất thể tích và khả năng nâng đỡ như dái tai dài ra hoặc rũ xuống trên lâm sàng. Quan niệm làm "tai Phật" đổi vận là cách để giải tỏa tâm lý cho khách hàng, giúp tinh thần họ thoải mái dẫn đến hiệu suất công việc và chất lượng cuộc sống tốt hơn, song không nên lạm dụng. Hiện, có hai phương pháp làm to phần dái tai gồm tiêm và cấy mỡ. Cả hai đều giúp làm đầy và tăng thể tích vùng tai, khá phổ biến. Nguyên nhân gây tai biến do khách hàng hẩm mỹ tại cơ sở không đảm bảo, không đáp ứng các nguyên tắc về vô trùng. Bác sĩ không đủ chuyên môn, kiến thức thực hành về thủ thuật tiêm chất làm đầy dẫn đến tiêm sai kỹ thuật. Chất lượng thuốc làm đầy không tốt, mỡ được xử lý không đảm bảo. Hoặc đôi khi nhu cầu của bệnh nhân muốn tiêm lượng thuốc nhiều so với khả năng chứa của tai dẫn đến tai biến. Biến chứng tại chỗ thường sưng, phù nề, bầm tím đến nặng hơn là nhiễm trùng, tắc mạch máu, hoại tử da, u hạt... Riêng cấy mỡ là can thiệp phẫu thuật, nguy cơ biến chứng gây mê, gây tê, tắc mạch do mỡ cao hơn. Cùng quan điểm, bác sĩ Hoàng Mạnh Ninh, Trưởng khoa Phẫu thuật Tạo hình và Thẩm mỹ, Bệnh viện Bưu điện, cho rằng làm đầy dái tai là phương pháp làm đẹp phổ thông, nhưng tiêm tai "tài Phật" mang lại vận may thì chưa có căn cứ. Tiêm filler đơn giản, chi phí rẻ nhưng chỉ được 5-7 tháng sẽ tan. Filler càng tinh khiết thì thời gian duy trì càng ngắn. Phương pháp này thường thực hiện ở spa. Trường hợp có nhiều mao mạch nhỏ dễ bị chảy máu, bầm tím. Nếu tiêm quá nhiều filler hoặc tiêm nhầm vào mạch máu, vùng dái tai sẽ căng tức, tắc mạch máu dẫn tới nguy cơ hoại tử. Còn phẫu thuật thì hình dáng có thể không như mong muốn, sẹo để lại vĩnh viễn nhưng nguy cơ tai biến, biến chứng nguy hiểm. "Chưa kể, phương pháp này không thông dụng, chỉ áp dụng cho người bị khuyết dái tai, ít khi nhận làm tai tài lộc", bác sĩ nói. Theo bác sĩ, tài lộc đến từ cách hành xử, tính cách, lối sống tích đức chứ không chỉ nhờ hình thể đẹp. Mọi người có thể làm đẹp nhưng cần tỉnh táo, dẫn đến "tiền mất, tật mang". Nam thanh niên 24 tuổi bị hoại tử tai sau tiêm filler tạo "tai Phật". Ảnh: Lan Anh Các bác sĩ khuyến cáo mọi người nên cân nhắc kỹ trước tiêm chất lạ hay phẫu thuật làm đẹp. Nên thực hiện ở cơ sở thẩm mỹ được cấp phép, bác sĩ có tay nghề. Tuyệt đối không tin vào chiêu trò quảng cáo giá rẻ. Ngoài ra, khách hàng không nên can thiệp khi vùng điều trị đang nhiễm trùng, có bất thường. Người mắc bệnh tự miễn, dị ứng với thành phần của thuốc, dị ứng nặng, rối loạn đông máu, tiền sử sốc phản vệ, tiền căn sẹo lồi, sẹo phì đại (một số loại chất làm đầy) cũng không nên tiêm. Phụ nữ đang có thai hoặc cho con bú cũng nên thận trọng. Nếu thấy có các dấu hiệu bất thường cần đến gặp bác sĩ da liễu để hạn chế biến chứng, tai biến, không thể hồi phục. Thùy An Adblock test (Why?) Nguồn: VNExpress