Sở Y tế TP HCM đề xuất cấm livestream bán thuốc

Discussion in 'Sống khỏe' started by Robot Siêu Nhân, Jan 12, 2024.

  1. Robot Siêu Nhân

    Robot Siêu Nhân Moderator

    (Lượt xem: 109)

    Sở Y tế TP HCM đề xuất cơ sở kinh doanh dược phẩm không được bán hàng qua các nền tảng mạng xã hội hoặc livestream trực tuyến (phát trực tiếp).


    Thông tin trên được ông Nguyễn Hải Nam, Phó Chánh văn phòng Sở Y tế TP HCM, cho biết tại họp báo định kỳ, chiều 11/1.

    Theo đó, các cơ sở đã được cấp giấy chứng nhận kinh doanh dược được phép bán hàng theo phương thức thương mại điện tử, thông qua website, ứng dụng bán hàng cài đặt trên thiết bị điện tử của cơ sở; sàn giao dịch điện tử được cấp phép của ngành công thương. "Còn việc kinh doanh dược trên các nền tảng mạng xã hội, livestream trực tuyến (phát trực tiếp trên nền tảng mạng xã hội) thì không được phép", ông nói.

    Thực tế, hình thức bán thuốc, thực phẩm chức năng trên các nền tảng mạng xã hội và livestream ngày nay khá phổ biến. Có công ty dược phẩm tổ chức phiên livestream bán hàng trên mạng xã hội thu hút hàng triệu lượt xem, bán được hàng nghìn sản phẩm. Tuy nhiên, pháp luật hiện chưa có quy định cụ thể đối với hình thức bán hàng này.

    Đại diện Sở Y tế cho rằng cần thiết bổ sung quy định đối với phương thức thương mại điện tử trong lĩnh vực dược để phù hợp với tình hình thực tế và xu hướng phát triển. Song, cần quản lý chặt chẽ, có quy định rõ ràng, cụ thể về loại hình, phạm vi kinh doanh, điều kiện cơ sở vật chất của đơn vị nhằm đảm bảo chất lượng thuốc; có thể minh bạch trong quản lý, nhanh chóng, kịp thời trích xuất được nguồn gốc sản phẩm. Bán thuốc qua mạng xã hội hoặc livestream không đảm bảo các yêu cầu trên.

    Ngoài ra, dược phẩm là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Cơ sở kinh doanh dược phải được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược và phải thực hiện đúng phạm vi quy định. "Hiện nay, kinh doanh dược trực tuyến chưa được pháp luật công nhận, do đó bán thuốc bằng hình thức livestream là hành vi vi phạm pháp luật", ông Nam nhắc lại.

    [​IMG]

    Nhân viên y tế Bệnh viện Chợ Rẫy kiểm tra thuốc tại kho dược, ngày 13/7/2022. Ảnh: Quỳnh Trần


    Về mặt quản lý, đại diện Sở Y tế cho biết thường xuyên theo dõi việc quảng cáo, kinh doanh thuốc trên các kênh thông tin điện tử, đã triển khai ứng dụng y tế trực tuyến và đường dây nóng để người dân có thể phản ánh ngay với Sở về việc kinh doanh thuốc qua mạng, thuốc không rõ nguồn gốc... Cơ quan này sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan để kiểm tra và xử lý các trường hợp vi phạm ngay sau khi nhận được phản ánh.

    Đề xuất các cơ sở kinh doanh dược phẩm không được bán hàng qua mạng xã hội hoặc livestream, chỉ được bán trên sàn thương mại điện tử, website, trước đó đã được Bộ Y tế đưa ra trong Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược. Dự luật đang được Bộ Tư pháp thẩm định.

    Bộ Y tế cho rằng việc kinh doanh dược theo phương thức thương mại điện tử là xu hướng tất yếu; cung cấp nhiều cơ hội cho các nhà bán lẻ mở thêm kênh bán hàng, thị trường mới; quảng bá sản phẩm và mở rộng khả năng kinh doanh của doanh nghiệp.

    Nội dung này chưa được quy định tại Luật Dược năm 2016, tuy nhiên nhiều trang thương mại điện tử bán thuốc đã hoạt động thời gian qua. Do đó, Bộ Y tế cho rằng cần xây dựng quy định để tránh khoảng trống pháp lý đối với vấn đề này.

    Mỹ Ý


    Adblock test (Why?)
    Nguồn: VNExpress​
     
  2. Facebook comment - Sở Y tế TP HCM đề xuất cấm livestream bán thuốc

Share This Page