Nhiệt độ Hà Nội tăng đột ngột từ sáng đến trưa, giảm mạnh về đêm kèm ô nhiễm không khí khiến nhiều người bị viêm xoang, tắc mũi, khó thở. Hai tuần nay, chị Loan, 30 tuổi, liên tục mất ngủ vì chứng viêm xoang. Ngoài dùng kháng sinh liều cao, chị mua nhiều loại nước rửa mũi và xịt mũi để giảm tình trạng khó thở, ngứa. Tình trạng nặng nhất khoảng 8-10h sáng, gây nhức đầu, nhức giữa hai chân mày, giữa hai mắt và vùng gáy. Hà Nội ô nhiễm, chị Loan phải đi làm bằng taxi để tránh tiếp xúc với khói bụi, túi xách lúc nào cũng có cuộn giấy lau mũi. Con gái 4 tuổi của chị cũng bị ốm, sổ mũi, thở khò khè phải dùng kháng sinh. Khi ngủ, hai mẹ con không dám nằm nghiêng, phải kê gối cao gấp đôi để dễ thở. "Bình thường phải kiêng khem nhiều, trái gió trở trời thì người mệt mỏi, mũi ra nhiều dịch nhầy, đau đầu, nhức trán, khó chịu không thể ngủ sâu", chị nói. Thay đổi thời tiết, chị Loan phải dự trữ nhiều thuốc rửa mũi, xịt mũi để giảm tình trạng đau, khó chịu, tắc mũi. Ảnh: Nhân vật cung cấp Anh Tài, 30 tuổi, bị xoang nhiều năm, nói "mũi là cái máy dự báo thời tiết", bởi cứ lạnh là đau họng, nghẹt mũi, đau nhức đầu, đặc biệt là buổi đêm. Ở nhà, anh bật máy lọc không khí, ra đường thì đeo hai lớp khẩu trang. "Đành chấp nhận sống chung với bệnh, cả nhà tôi đều xem đây là bệnh vào mùa tự đến, tự đi, bởi có điều trị cũng tái phát", anh nói. Sắp tới, anh dự định chuyển sang công việc văn phòng, thay vì làm tài xế xe công nghệ suốt ngày đi lại ngoài đường, để giảm tình trạng khó chịu này. Vài ngày nay, Hà Nội liên tục trong top ba thành phố ô nhiễm hàng đầu thế giới với chỉ số AQI trên 204, mức cực kỳ nguy hại cho sức khỏe. Báo cáo của Ngân hàng Thế giới và UBND TP Hà Nội cho rằng hơn 40% dân số thành phố đang phơi nhiễm với nồng độ bụi PM 2.5, cao gấp đôi quy chuẩn quốc gia và cao hơn nhiều so với tiêu chuẩn quốc tế do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) quy định. Sự gia tăng nồng độ bụi PM2.5 tại Hà Nội khiến mỗi năm có thêm hơn 1.000 ca nhập viện do bệnh tim mạch, gần 3.000 trường hợp bệnh hô hấp, lần lượt chiếm 1,2% và 2,4% tổng số ca bệnh. Ô nhiễm không khí là "kẻ giết người thầm lặng", theo WHO. Ước tính khoảng 30% trường hợp tử vong do ung thư phổi có liên quan đến ô nhiễm không khí. Riêng với bệnh lý hô hấp, bệnh nhân bị ảnh hưởng sẽ nhiều hơn. Khoảng 43% trường hợp tử vong do các bệnh lý hô hấp liên quan ô nhiễm không khí. Thực tế, ghi nhận tại các bệnh viện hơn một tuần qua, số người già, trẻ nhỏ nhập viện do ho, khó thở tăng 10-15% ngày thường, có nơi tăng gấp rưỡi. Bệnh nhân nhập viện chủ yếu do hen, viêm tiểu phế quản, viêm phổi, suy hô hấp. Một số trường hợp khác đến khám do viêm mũi dị ứng, viêm họng, sốt, ho, chảy mũi, viêm mũi... Trong đó, xoang là bệnh lý khá phổ biến. PGS.TS. Phạm Thị Bích Đào, Bộ môn Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, cho biết viêm mũi xoang là hiện tượng viêm niêm mạc mũi và hệ thống xoang mặt, làm niêm mạc mũi xoang sung huyết, phù nề, các lỗ thông xoang bị tắc không còn chức năng dẫn lưu và vận chuyển niêm dịch. Viêm mũi xoang có thể là viêm cấp (dưới 4 tuần), bán cấp (8 - 12 tuần) hoặc viêm mạn tính (trên 12 tuần). Khoảng 30-40% số bệnh nhân khám tai mũi họng bị viêm mũi xoang. Khoảng 85% bệnh nhân viêm mũi xoang điều trị ngoại trú. Bệnh chủ yếu ở người lớn, tuy nhiên có thể gặp ở trẻ sơ sinh. Bệnh thường có biểu hiện hắt xì, ngứa mũi, nghẹt mũi, đau nhức, chảy dịch, điếc mũi, đau ở trán hay hốc mắt, đau tai. Nguyên nhân gây viêm mũi xoang thường do viêm nhiễm (vi khuẩn, virus), dị ứng, chấn thương, ô nhiễm môi trường, hóa chất. Trường hợp trào ngược dạ dày thực quản khiến dịch acid đi lên vùng mũi xoang gây viêm, rất khó điều trị. Viêm xoang cấp xảy ra sau khi bệnh nhân bị viêm mũi họng hoặc cảm cúm một tuần. Người bệnh sốt trở lại, chảy nước mũi vàng xanh, ngạt tắc mũi, ho, đau nhức mặt và đau đầu, đôi khi mất ngửi. Viêm mũi xoang mạn kéo dài trên 12 tuần. Bệnh nhân thường xuyên chảy dịch xuống họng, ngạt tắc mũi từng lúc hoặc thường xuyên, giảm ngửi hoặc mất ngửi. Viêm mũi xoang thường không tự khỏi, sẽ diễn biến thành viêm mũi xoang mạn hoặc gây các biến chứng mắt như viêm kết mạc, viêm bờ mi, áp xe tuyến lệ, viêm tấy tổ chức liên kết hốc mắt, viêm thị thần kinh hậu nhãn cầu. Biến chứng viêm tai giữa, viêm phế quản, giãn phế nang không hồi phục. Một số biến chứng khác như viêm thận, khớp, biến chứng nội sọ, biến chứng xương. Bụi mịn bao phủ như lớp sương mù ở Cầu Nhật Tân lúc 7h, ngày 30/12. Ảnh: Ngọc Thành Để phòng bệnh, bạn nên sử dụng khẩu trang khi ra đường và làm việc trong môi trường ô nhiễm. Giữ môi trường xung quanh luôn sạch sẽ, tránh xa khói bụi, chất thải, khói thuốc lá... Nên giữ ấm khi đi ngoài trời mưa, lạnh, tránh bị cảm và chuyển thành viêm mũi xoang.Vệ sinh mũi, họng thường xuyên với dung dịch nước muối sinh lý. Không nên để mũi đối diện trực tiếp với luồng gió của máy lạnh hoặc máy quạt khi nằm ngủ hoặc khi ngồi làm việc vì có thể làm tổn thương niêm mạc mũi xoang. Điều trị các ổ viêm nhiễm của răng, hội chứng trào ngược. Tăng cường sức đề kháng của cơ thể cũng như niêm mạc mũi xoang bằng các thuốc tăng cường miễn dịch... Mọi người cần ngủ đủ giấc và giữ tinh thần thoải mái. Tăng cường thực phẩm giàu đạm từ thịt, cá, trứng, thịt gia cầm, ngũ cốc nguyên hạt, các sản phẩm từ sữa ít béo. Bổ sung thêm nước, vitamin và khoáng chất, các loại rau màu tím, xanh và các loại trái cây màu vàng, cam. Tập luyện thể thao thường xuyên để tăng sức đề kháng cho cơ thể. Phụ huynh không nên tự ý cho trẻ dùng thuốc kháng sinh. Trường hợp bé chuyển nặng như sốt cao liên tục không hạ, mệt mỏi, bứt rứt, khó chịu, đau đầu, buồn nôn, cần đưa đến viện khám và điều trị kịp thời. Tiêm vaccine theo khuyến cáo của Bộ Y tế. Người cao tuổi cần uống thuốc theo chỉ định, hạn chế đến nơi đông người. Khi có các triệu chứng ban đầu như hắt hơi, chảy nước mũi, tắc mũi, nên đi khám chuyên khoa để được tư vấn và điều trị ngay, tránh bệnh chuyển biến thành viêm mũi xoang. Thùy An Mua hàng tại Tin Học Như Ý Nguồn: VNExpress