Mỹ muốn dựng hàng rào công nghệ nhưng vô tình đẩy các tài năng quay về Trung Quốc để phát triển lĩnh vực bán dẫn. Với bằng thạc sĩ điện tử, Liguo Zhang, 43 tuổi, quốc tịch Trung Quốc, đã có hơn một thập kỷ làm việc tại Siemens EDA, công ty bán dẫn có văn phòng tại Thung lũng Silicon. Năm 2022, ông được bổ nhiệm vào vị trí giám đốc sản phẩm. Tuy nhiên, sau khi Mỹ siết chặt quy định xuất khẩu, những người Trung Quốc đang làm việc ở Mỹ như Zhang đối mặt nhiều rủi ro. "Những lệnh cấm mới đã hạn chế cơ hội kinh doanh của chúng tôi tại Siemens EDA và làm giảm khả năng thăng tiến nghề nghiệp. Chúng tôi có thể không được tham gia vào các dự án quan trọng", Zhang nói với Reuters. Theo các chuyên gia, quy định của Mỹ khiến tài năng công nghệ có thể đối mặt hình phạt nếu họ giúp công ty Trung Quốc phát triển chip tiên tiến mà không có giấy phép. Họ có thể bị triệu tập, phạt tiền, thậm chí ngồi tù, tùy mức độ vi phạm. Công nhân sản xuất chip tại một nhà máy của công ty bán dẫn Jiejie ở tỉnh Giang Tô, Trung Quốc năm 2021. Ảnh: AFP Sau lệnh cấm, cựu giám đốc của Siemens EDA quyết định trở về quê nhà, mở công ty riêng. Đi cùng ông có ba đồng nghiệp gốc Trung Quốc, hai trong số họ từng lấy bằng tiến sĩ ở Mỹ. Tháng 7/2022, Zhang lập công ty SEIDA, đáp lại lời kêu gọi của Bắc Kinh về giấc mơ tự chủ ngành bán dẫn của Trung Quốc. Theo hồ sơ niêm yết, SEIDA hoạt động trong lĩnh vực bán dẫn, tập trung vào các công cụ phần mềm chuyên dụng cao OPC - thuật ngữ chỉ việc hiệu chỉnh khoảng cách quang học. Công cụ giúp chip hiện đại có thể giải quyết những yêu cầu phức tạp trong lĩnh vực AI, điện toán lượng tử và bay siêu thanh. Trong hồ sơ gọi vốn, SEIDA mô tả OPC là "công nghệ không thể thiếu" trong việc sản xuất ra chip tiến tiến. "Phiên bản nội địa sẽ giúp Trung Quốc vượt qua các cấm vận của nước ngoài, từ đó hướng đến tự chủ công nghệ và trở thành người dẫn đầu về OPC toàn cầu", SEIDA tuyên bố. Sự xuất hiện của SEIDA lập tức thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư lớn ở Trung Quốc. Tháng 6, công ty nhận được một khoản tài trợ từ nhà sản xuất chip SMIC. Hai bên không tiết lộ con số cụ thể của thương vụ. Đến nay đã có thêm 4 công ty đầu tư mạo hiểm Trung Quốc mua cổ phần SEIDA. Zhang nói: "Chúng tôi liên tục theo dõi quy định mới để đảm bảo hoạt động phù hợp với tiêu chuẩn pháp lý hiện hành". Hồ sơ do Reuters tiếp cận cho thấy hiện chưa tìm thấy bất kỳ vi phạm nào của công ty ông Zhang liên quan tới lệnh cấm của Mỹ lẫn Trung Quốc. Kinh nghiệm hơn một thập kỷ làm việc tại các công ty bán dẫn hàng đầu cho phép ông và cộng sự phát triển công nghệ mới mà không vi phạm về sở hữu trí tuệ. SEIDA vẫn kín tiếng về sản phẩm sẽ thương mại hóa, trong khi Siemens EDA, công ty cũ của Zhang, đánh giá đây là "đối thủ cạnh tranh tiềm năng". Theo các chuyên gia, sự phát triển của SEIDA phơi bày sự thật rằng Mỹ khó có thể kìm hãm sự phát triển của ngành bán dẫn Trung Quốc bằng những cấm vận. Trong khi Washington nỗ lực ngăn chặn, Bắc Kinh lại đẩy mạnh chính sách thu hút chuyên gia quay về. Bất chấp lệnh cấm của Mỹ, Trung Quốc vẫn đang đạt được những tiến bộ đáng kinh ngạc trong lĩnh vực bán dẫn. Hồi tháng 8, Huawei đã trình làng mẫu điện thoại 5G với chip 7 nm phức tạp do họ thiết kế và SMIC sản xuất. Mỹ đang điều tra chip mới của Huawei nhưng gặp thách thức khi xác định nguồn gốc một số công nghệ bên trong. James Andrew Lewis, Giám đốc chương trình công nghệ chiến lược tại CSIS của Mỹ, nói: "Bạn không thể kiểm soát những gì trong não mọi người bằng bất kỳ lệnh cấm nào". Trong khi đó, các công ty chip hàng đầu thế giới buộc tuân thủ quy định của Mỹ nhưng họ vẫn tìm cách để phục vụ thị trường tỷ dân. Tuần này, Nvidia xác nhận đã tinh chỉnh một số chip AI để có thể bán tại Trung Quốc mà không vi phạm lệnh cấm. Các chuyên gia cảnh báo nỗ lực "cô lập" Trung Quốc khỏi tiến bộ ngành chip có thể phản tác dụng. Điều này có thể đẩy nhanh quá trình tự chủ công nghệ của Bắc Kinh. Những startup như SEIDA có thể trở thành đối thủ của các tập đoàn chip hàng đầu của Mỹ trong tương lai. Khương Nha (theo Reuters) Mua hàng tại Tin Học Như ÝTheo Trang Công Nghệ