Những kết quả nổi bật của ngành khoa học năm 2023

Discussion in 'Khám phá - Phát minh' started by bboy_nonoyes, Dec 31, 2023.

  1. bboy_nonoyes

    bboy_nonoyes Administrator Staff Member

    (Lượt xem: 131)

    Báo cáo của Bộ Khoa học và Công nghệ cho thấy năm 2023 ngành đạt được nhiều kết quả nổi bật, trong đó nhiều nghiên cứu được ứng dụng vào phát triển kinh tế, xã hội.


    Năm 2023 ghi dấu ấn nhiều kết quả của các hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo ở các lĩnh vực khoa học xã hội nhân văn, tự nhiên, công nghệ sinh học, nông nghiệp, an ninh quốc phòng, khoa học y dược, công nghệ cao. Đánh giá của lãnh đạo Chính phủ cho thấy "khoa học năm qua có nhiều điểm sáng" dù khoa học công nghệ vốn không phải lợi thế của Việt Nam, chưa có đủ nguồn lực và cơ chế đủ mạnh để phát triển, thậm chí cơ chế còn là rào cản phát triển.

    Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho biết, năm qua ngành tập trung hoàn thiện thể chế, cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn. Bên cạnh hoàn thiện hành lang pháp lý, nhiều hoạt động của khoa học công nghệ đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, đóng góp vào các mục tiêu tăng trưởng.

    Các hoạt động được thể hiện rõ nét trong bức tranh đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) của Việt Nam, nhiều nhà khoa học được vinh danh trên thế giới cùng các sáng chế, ứng dụng công nghệ mới trong nhiều lĩnh vực đời sống, giúp năng suất, chất lượng sản phẩm tăng.

    "Điểm sáng" ngành năm 2023 thể hiện Chỉ số đổi mới sáng tạo (GII) của Việt Nam tăng 2 bậc so với năm 2022, xếp thứ 46/132 quốc gia/nền kinh tế, duy trì vị trí thứ 2 trong nhóm 36 nền kinh tế thu nhập trung bình thấp. Việc chỉ số GII liên tục được cải thiện trong 13 năm qua cho thấy hiệu quả trong việc chuyển các nguồn lực đầu vào thành kết quả đầu ra đổi mới sáng tạo.

    Lần đầu tiên, bộ Chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương (PII) được xây dựng và triển khai trên toàn quốc từ năm 2023, giúp Việt Nam có thêm công cụ đo lường năng lực và kết quả đổi mới sáng tạo của từng địa phương, góp phần cải thiện chỉ số đổi mới sáng tạo quốc gia.

    Chiến lược phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030 cũng được cụ thể hóa bằng 44 chương trình khoa học công nghệ cấp quốc gia (giai đoạn đến năm 2025 và đến năm 2030) cân đối cho cả ba lĩnh vực khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nhân văn, khoa học kỹ thuật và công nghệ.

    Các nghiên cứu về khoa học xã hội nhân văn đóng góp tích cực và cung cấp cơ sở khoa học cho việc hoạch định đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước, xây dựng các Văn kiện Đại hội Đảng, góp phần triển khai chính sách và định hướng phát triển kinh tế xã hội. Thống kê của Scimago năm 2022 các lĩnh vực khoa học tự nhiên cũng tăng vị trí đáng kể trên bảng xếp hạng các khoa học trên thế giới và khu vực so với năm 2016. Nhiều nhà khoa học có uy tín, được thế giới công nhận cùng số lượng bài báo, công trình khoa học được công bố quốc tế và sáng chế được bảo hộ của người Việt Nam gia tăng.

    [​IMG]

    Phó thủ tướng Trần Lưu Quang (giữa) cùng Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt và các đại biểu thăm gian hàng của VKIST tại Techconnect and Innovation Viet Nam 2023. Ảnh: Ngọc Thành


    Nhiều thành tựu khoa học công nghệ ứng dụng rộng rãi trong các lĩnh vực y tế, nông nghiệp, công nghệ y dược, quốc phòng an ninh, công nghệ cao...

    Trong nông nghiệp, từng bước làm chủ được công nghệ chọn tạo các giống cây trồng, vật nuôi chủ lực năng suất cao, chất lượng tốt, ứng dụng vào sản xuất. Khoa học và công nghệ đã góp phần thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa nông sản đạt trên 53 tỷ USD/năm, thặng dư thương mại ngành đạt hơn 11 tỷ USD, mức cao nhất trong những năm gần đây và chiếm trên 42,5% xuất siêu cả nước, trong đó có 6 sản phẩm nông nghiệp có giá trị xuất khẩu trên 3 tỷ USD.

    Lĩnh vực khoa học y - dược, Việt Nam thực hiện thành công ca ghép đa tạng gồm tim và thận từ người hiến đa tạng chết não; phối hợp ghép tạng xuyên Việt... là những thành tựu đáng ghi nhận.

    Với lĩnh vực công nghệ cao, việc tiếp cận công nghệ sản xuất chip bán dẫn được chú trọng. Tỷ trọng giá trị xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao đạt gần 50% tổng giá trị hàng hóa xuất khẩu, thực hiện các nhiệm vụ về phát triển các công nghệ chủ chốt Việt Nam có lợi thế như trí tuệ nhân tạo (AI), phân tích dữ liệu lớn, internet kết nối vạn vật, robot tiên tiến, in 3D, công nghệ thực tế ảo...

    Tại các địa phương, thúc đẩy ứng dụng chuyển giao công nghệ, phát triển các sản phẩm chủ lực làm gia tăng giá trị sản phẩm, đóng góp lớn cho tăng trưởng kinh tế. Tỉnh Thái Nguyên sản xuất, chế biến cho hơn 20 nghìn ha giống chè mới chất lượng cao đạt doanh thu 7.800 tỷ đồng/năm. Tỉnh Sơn La, Nghệ An ứng dụng công nghệ cao, cơ giới hóa quá trình sản xuất nông nghiệp, xây dựng thương hiệu, bảo hộ tài sản trí tuệ nâng giá trị sản xuất bình quân tăng 2-3 lần so với sản xuất nông nghiệp truyền thống. TP Hải Phòng, tỉnh Quảng Ninh kết nối giữa các doanh nghiệp của địa phương và các doanh nghiệp của Hàn Quốc, Nhật Bản, các nước châu Âu về kết nối cung cầu công nghệ, chuyển đổi số, phát triển doanh nghiệp đổi mới sáng tạo.

    [​IMG]

    Các kỹ sư Việt Nam thiết kế vệ tinh NanoDragon. Ảnh: VNSC


    Năm 2023 cũng ghi dấu ấn sự phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, năng động, tạo ra một thế hệ doanh nghiệp mới kinh doanh dựa trên tài sản trí tuệ và đủ năng lực tiếp cận thị trường toàn cầu. Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia được đánh giá là một trong những hệ sinh thái năng động nhất châu Á và đứng thứ 58 thế giới. TP Hà Nội lần đầu tiên lọt vào top 200 thành phố khởi nghiệp sáng tạo toàn cầu. Đầu tư cho khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo giữ được mức phát triển tốt so với các nước khu vực ASEAN (với 56 dự án, tổng vốn đầu tư gần 500 triệu USD trong 6 tháng đầu năm 2023).

    Các chợ công nghệ, sàn giao dịch trong chuyển giao công nghệ được hình thành, thúc đẩy chuyển giao công nghệ cao. Chương trình kết nối công nghệ và đổi mới sáng tạo quy mô quốc gia, vùng, địa phương và quốc tế tạo cơ hội để các viện, trường, doanh nghiệp, nhà đầu tư kết nối, thúc đẩy cung cầu công nghệ.

    Năm 2023 có 14.000 tiêu chuẩn Việt Nam và gần 800 quy chuẩn Việt Nam ban hành, tỷ lệ hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực đạt trên 60%), thúc đẩy thuận lợi hóa thương mại, hội nhập quốc tế, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa, tiếp cận thị trường xuất khẩu lớn và ngăn chặn các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ kém chất lượng.

    Hệ thống bảo hộ, quyền sở hữu trí tuệ, có 132 chỉ dẫn địa lý được bảo hộ tại Việt Nam, góp phần thay đổi giá trị và tác động của các ngành hàng. Thông qua chương trình phát triển tài sản trí tuệ ở trung ương và địa phương, nhiều nhiệm vụ liên quan đến hỗ trợ nâng cao năng lực, bảo hộ và phát triển tài sản trí tuệ được triển khai hiệu quả.

    Ngân sách Nhà nước dành cho hoạt động khoa học công nghệ năm 2023 với 12.091 tỷ đồng, trong đó cấp trung ương 8.800 tỷ đồng (chiếm 72,78%, thấp hơn so với năm 2022 là 336 tỷ đồng) và cấp địa phương 3.291 tỷ đồng (chiếm 27,22%, cao hơn so với năm 2022 là 96 tỷ đồng).

    Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt, cho biết trong năm 2024, nhiệm vụ trọng tâm của ngành khoa học công nghệ tập trung triển khai các chương trình, kế hoạch thực hiện chủ trương của Đảng về hoạt động đổi mới sáng tạo và phát triển công nghệ sinh học. Bên cạnh đó đẩy mạnh triển khai chương trình khoa học công nghệ quốc gia, nhất là công nghệ thúc đẩy sản phẩm quốc gia.

    Như Quỳnh


    Mua hàng tại Tin Học Như Ý
    Nguồn VNExpress
     
  2. Facebook comment - Những kết quả nổi bật của ngành khoa học năm 2023

Share This Page