Làn sóng sa thải ở các công ty công nghệ, cuộc đua AI tạo sinh, diễn biến bất ngờ của thị trường tiền số... là những điểm nổi bật 12 tháng qua. Cuộc đại sa thải nhân viên công nghệ Làng công nghệ thế giới mở màn năm 2023 với thông tin Amazon sa thải 18.000 lao động - con số lớn nhất đối với một công ty công nghệ. "Tình trạng thừa lao động, khó khăn trong chuỗi cung ứng, lạm phát, năng suất tăng vọt do phát triển mạng lưới vận chuyển trong Covid-19 làm gia tăng chi phí", Doug Herrington, Giám đốc điều hành bán lẻ cấp cao của Amazon, nói. Giữa tháng 1, Saleforces và Microsoft tuyên bố cho lần lượt 8.000 và 10.000 nhân viên thôi việc. Vài ngày sau, Google thông báo giảm 6% nhân sự, tương đương 12.000 người phải nghỉ việc. Đến tháng 3, Meta diễn ra cuộc "sa thải tàn bạo", khiến 10.000 nhân viên phải rời công ty. Ngoài ra, hàng loạt công ty khác như Stripe, Spotify cũng thông báo sa thải quy mô lớn. Esther Crawford, người được coi là nhân viên chăm chỉ nhất Twitter, cũng bị sa thải cuối tháng 2. Ảnh: X/Crawford Thống kê của Layoffs.fyi, chuyên trang theo dõi tình hình sa thải, cho thấy trong năm nay có ít nhất 224.503 nhân sự công nghệ mất việc. Tuy nhiên, giới phân tích chỉ ra một thực tế: những công ty loại bỏ hàng nghìn nhân viên không hề ở bờ vực phá sản, một số thậm chí có doanh thu tốt. Tuy nhiên, sau giai đoạn tăng trưởng nóng, họ bắt đầu lo lắng về sự dư thừa nên phải điều chỉnh để tiết kiệm chi phí vận hành, tăng năng suất của người ở lại. Việc X (Twitter) vẫn hoạt động ổn định sau khi giảm 75% nhân viên trở thành hình mẫu để các bên mạnh tay tinh lọc bộ máy. Cuộc đua AI tạo sinh Chỉ sau hai tháng ra mắt, cuối tháng 1, ChatGPT bất ngờ thu hút 100 triệu người dùng. Cơn sốt đã thúc đẩy hàng loạt doanh nghiệp từ Mỹ như Google, Meta cho đến Trung Quốc như Alibaba, Tencent công khai các mô hình chatbot thế hệ mới. Tại Việt Nam, một số startup, công ty công nghệ lớn cũng phát triển và giới thiệu mô hình AI tạo sinh nói tiếng Việt để bắt kịp xu hướng chung. 2023 có thể xem là năm đánh dấu AI phổ biến rộng rãi tới người dùng. Giao diện ChatGPT. Ảnh: Bảo Lâm AI tạo sinh cũng mở ra cuộc chiến mới trong ngành bán dẫn. Ngoài dữ liệu và thuật toán, chip xử lý đồ họa GPU cũng đóng vai trò đặc biệt quan trọng, quyết định công ty hay quốc gia nào sẽ nắm giữ ưu thế. Cơn khát chip AI đang càn quét khắp thế giới, đưa Nvidia gia nhập câu lạc bộ nghìn tỷ USD nhờ cung cấp những mẫu GPU hàng đầu để huấn luyện trí tuệ nhân tạo. Các hãng đối thủ như Intel, Huawei, AMD, Microsoft cũng lần lượt giới thiệu GPU mới, khiến cuộc đua ngày càng sôi động. Biến động của thị trường tiền số Hàng loạt cáo buộc, kiện tụng phủ bóng thị trường tiền số trong phần lớn thời gian của 2023. Giữa tháng 6, nhà sáng lập Terraform Labs Do Kwon nhận án phạt đầu tiên sau thảm họa Luna. Cuối tháng 9, Zhu Su, nhà đồng sáng lập Three Arrows Capital (3AC), quỹ đầu tư từng thuộc top đầu thị trường tiền số, bị bắt tại Singapore sau một năm lẩn trốn. Nhà sáng lập Binance CZ. Ảnh: Reuters Đến tháng 10, phiên tòa xét xử Sam Bankman-Fried (SBF), cựu CEO sàn tiền số FTX, chính thức diễn ra. Bồi thẩm đoàn "đồng thuận tuyệt đối" rằng SBF có tội với cả 7 tội danh nêu trong cáo trạng liên quan tới lừa đảo tiền số. Người này hiện đối mặt 115 năm tù. Sang tháng 11, thị trường tiền số lại chao đảo khi Changpeng Zhao (CZ), nhà sáng lập Binance, nhận tội vì vi phạm quy định chống rửa tiền, và chấp nhận rời vị trí CEO. Binance cũng đồng ý nộp phạt tổng cộng 4,3 tỷ USD. Tuy nhiên, tháng cuối năm lại chứng kiến sự hân hoan của cộng đồng khi Bitcoin vượt mốc 40.000 USD, mức giá cao nhất kể từ tháng 4/2022. Hàng loạt tiền số khác cũng đồng loạt khởi sắc, như Solana tăng từ 84 lên 110 USD, lập kỷ lục giá cao nhất trong 20 tháng. Cuộc "đảo chính" tại OpenAI Ngành công nghệ cuối năm bất ngờ nhận tin "sốc" khi hội đồng quản trị OpenAI buộc Sam Altman phải rời chức CEO vào ngày 17/11. Đến 20/11, hơn 700 nhân viên công ty đồng loạt ký vào thư dọa nghỉ việc, nếu Altman không được phục chức. Ngày 22/11, OpenAI đàm phán thành công, đưa ông trở lại vị trí CEO. Bữa tiệc của nhân viên OpenAI sau khi Sam Altman trở lại vị trí CEO ngày 22/11.Ảnh: X/Greg Brockman Nguyên nhân của cuộc lật đổ CEO chưa được công bố. Tỷ phú Elon Musk nhiều lần đặt câu hỏi về "điều đáng sợ" khiến Altman bị sa thải. Nguồn tin của Reuters cho biết, hội đồng quản trị OpenAI đã nhận được bức thư cảnh báo về sự nguy hiểm của dự án Q* (Q-Star) do Altman thúc đẩy. Việc ông trở lại điều hành công ty khiến một số chuyên gia lo ngại nguy cơ AI hủy diệt có thể đến gần hơn. Khương Nha - Bảo Lâm Adblock test (Why?)Theo Trang Công Nghệ