Cơ quan y tế Ấn Độ vừa thu hồi giấy phép kinh doanh của một nhà máy thuộc tập đoàn Johnson & Johnson ở Mumbai, sau khi phát hiện công ty này đã sử dụng hóa chất trái phép trong sản phẩm phấn rôm trẻ em. Bà Peggy Ballman, phát ngôn viên của công ty đa quốc gia Johnson&Johnson cho biết, công ty đang tiến hành một cuộc “đàm thoại” với cơ quan quản lý Ấn Độ và gấp rút giải quyết những vấn đề liên quan đến vụ việc. Bà cũng nhấn mạnh hiện chưa có bất kỳ khiếu nại nào của người tiêu dùng về những vấn đề bất lợi khi sử dụng phân rôm của hãng này. Theo một cuộc điều tra của Cơ quan quản lý dược phẩm và thực phẩm (FDA) tại Maharashtra, nhà máy đã sử dụng ethylene oxide (một chất dùng để sản xuất nhiều hóa chất công nghiệp và khử trùng các thiết bị y tế) để tiệt trùng phấn bột cho trẻ. Nhà máy cũng không có những kiểm tra bắt buộc để đảm bảo xóa hết dấu vết độc hại trong sản phẩm này. 15 lô sản phẩm phấn trẻ em tại Ấn Độ được phát hiện chứa hóa chất có hại. Ảnh: campaignasia.com Theo Bộ Lao động Mỹ, sự phơi nhiễm cấp tính do ethylene oxide gây ra là nguyên nhân dẫn đến tốn thương phổi, gây cảm giác buồn nôn, nôn và thậm chí có thể dẫn đến ung thư. Bà Balllman cho biết sẽ không đóng cửa nhà máy và công ty đang vận động, kêu gọi những quyết định từ cơ quan quản lý. "Hóa chất này chỉ được sử dụng trong một thời gian ngắn vào năm 2007, là quá trình tiệt trùng thay thế tạm thời trên một số lượng sản phẩm giới hạn", bà nhấn mạnh. Bà cam đoan phấn trẻ em của Johnson làm từ bắp, bột talc và được khử trùng bằng hơi nước. Phát ngôn viên này cũng không thể giải thích nguyên nhân vì sao công ty lại sử dụng quá trình thay thế tạm thời này và biện hộ rằng quá trình này đã được chấp nhận rộng rãi, đảm bảo an toàn trong quá trình sản suất các thiết bị y tế, sản phẩm tiêu dùng, không tồn dư chất độc hại. Bà thừa nhận chỉ là quá trình này đã không đăng ký với FDA ở địa phương. Trước đây, Johnson&Johnson từng cho thu hồi hàng triệu chai thuốc Tylenol cho trẻ em, Benadryl, Motrin và nhiều sản phẩm khác, trong đó có hàng nghìn chai Topamax, một loại thuốc chống động kinh. Lê Phương (Theo Reuters) Nguồn VNExpress