Hà NộiNgười phụ nữ, 49 tuổi, vừa thoát nguy kịch sau tai nạn giao thông thì sốt cao, suy đa tạng, một lần nữa đối diện tử vong. Ngày 24/12, bác sĩ Phạm Ngọc Trưởng, Khoa Cấp cứu và Hồi sức tích cực, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, cho biết bệnh nhân tổn thương phức tạp nhiều cơ quan như thận, gan, cột sống. Bệnh viện kích hoạt báo động đỏ, phẫu thuật cấp cứu, cắt bỏ thận phải, phục hồi tổn thương tá tràng. Sau mổ, tình trạng bệnh nhân vẫn nặng, phải thở máy qua nội khí quản. Ngày thứ 6, bệnh nhân sốt cao, suy thận, suy hô hấp, phải dùng thuốc vận mạch trở lại. Các xét nghiệm ghi nhận bệnh nhân sốc sốt xuất huyết - mức độ nặng nhất của sốt xuất huyết kèm nhiễm khuẩn bệnh viện, nguy cơ tử vong. PGS.TS Hoàng Bùi Hải, Khoa Cấp cứu và Hồi sức tích cực, cho biết quá trình điều trị, bệnh nhân nhiều lần rơi vào tình trạng nguy kịch do suy hô hấp, rối loạn đông máu, nhiễm nấm máu, suy đa tạng. Bác sĩ cho dùng kháng sinh, kháng nấm kết hợp thở máy, lọc máu liên tục, truyền tiểu cầu hàng ngày, truyền máu... May mắn, sau hai tuần điều trị, bệnh nhân thoát nguy kịch, rút ống nội khí quản, tự thở và đi tiểu được, không sốt. Sốt xuất huyết do muỗi Aedes aegypti lây truyền, gây sốt cao, đau đầu đột ngột, đau hốc mắt, đau khớp... Trường hợp nghiêm trọng, sốt xuất huyết dẫn đến các biến chứng đe dọa tính mạng, chẳng hạn hội chứng sốc sốt xuất huyết. Tình trạng này gây chảy máu nghiêm trọng, viêm não hoặc sưng não, nguy hiểm tính mạng. Hiện chưa có phương pháp chữa sốt xuất huyết chính thức. Để điều trị, các bác sĩ thường chỉ định bệnh nhân truyền nước, sử dụng hạ sốt và giảm đau trong một số trường hợp. Đầu tháng 10, WHO khuyến nghị sử dụng vaccine Qdenga ngừa sốt xuất huyết cho trẻ từ 6 đến 16 tuổi ở những khu vực bệnh lây nhiễm nghiêm trọng. Vaccine này cũng đã được Cơ quan Quản lý Dược phẩm EU phê duyệt. Thùy An Mua hàng tại Tin Học Như Ý Nguồn: VNExpress