Đột quỵ dễ tái phát, nặng hơn trước

Discussion in 'Sống khỏe' started by Robot Siêu Nhân, Dec 24, 2023.

  1. Robot Siêu Nhân

    Robot Siêu Nhân Moderator

    (Lượt xem: 102)

    Khoảng một nửa số bệnh nhân đột quỵ có thể tái phát, thường gây hậu quả nghiêm trọng hơn so với lần đầu, dễ tử vong và tăng nguy cơ tàn phế.


    Thông tin được bác sĩ Hồ Hữu Thật, Trưởng Khoa Nội thần kinh, Bệnh viện An Bình, chia sẻ bên lề hội nghị khoa học kỹ thuật bệnh viện, ngày 23/12.

    Theo bác sĩ Thật, tỷ lệ tái phát sau đột quỵ thường rất cao. Tùy vào từng nghiên cứu và khoảng thời gian theo dõi, con số này có thể đến 50-70%. Bệnh nhân đột quỵ lần đầu, điều trị kịp thời trong giờ vàng, theo đúng phác đồ, thường có khả năng hồi phục cao. Khi bệnh tái phát, cơ hội không thể cao như lần đầu.

    Chẳng hạn, một người đột quỵ yếu nửa người trái, có thể di chuyển trong nhà. Khi đang điều trị chưa kịp hồi phục hoàn toàn theo thời gian để có thể đi đứng tốt hơn thì tái phát đột quỵ, yếu nửa người bên phải, dẫn đến nằm liệt giường. Điều này tạo gánh nặng rất lớn cho gia đình, xã hội, ảnh hưởng nặng nề chất lượng cuộc sống bệnh nhân.

    [​IMG]

    Bác sĩ Hồ Hữu Thật báo cáo tại hội nghị, ngày 23/12. Ảnh: Bệnh viện cung cấp


    Thông thường, đột quỵ do những yếu tố nguy cơ như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid máu, bên cạnh lối sống hút thuốc lá, uống rượu bia, ít vận động, ít tập thể dục thể thao, khiến mảng xơ vữa ngày càng ngày lớn, đến một lúc nào đó làm bít tắc mạch máu. Khi đột quỵ lần đầu, tái thông mạch máu thành công, nếu không tiếp tục kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ, điều chỉnh lối sống thì khả năng bị lại gần như chắc chắn.

    Do đó, bác sĩ Thật khuyến cáo người bệnh sau đột quỵ cần gắn kết với bác sĩ để có chiến lược phòng ngừa phù hợp cho từng trường hợp. Khoảng 90% ca đột quỵ xuất phát từ tăng huyết áp, cần phải dùng thuốc kiểm soát lâu dài, suốt đời để giữ huyết áp ở mức tối ưu, hạn chế thấp nhất nguy cơ tái phát.

    Không tự ý ngưng thuốc, sử dụng theo đơn thuốc của người khác hoặc chuyển qua sử dụng các phương pháp dân gian. Ngoài ra, tùy tình trạng sức khỏe mỗi người ở từng giai đoạn, bác sĩ sẽ có điều chỉnh thuốc phù hợp, không nên uống mãi một đơn thuốc mà không tái khám theo hẹn.

    [​IMG]

    Bệnh nhân sau đột quỵ học vẽ để cải thiện khả năng vận động, giao tiếp, tự tin trong cuộc sống, tại Khoa Phục hồi chức năng, Bệnh viện An Bình. Ảnh: Quỳnh Trần


    Việt Nam thuộc nhóm những quốc gia có nguy cơ đột quỵ cao nhất thế giới. Trên bình diện chung hiện nay, tử vong do nguyên nhân bệnh tim mạch đứng thứ nhất toàn cầu. Tuy nhiên, ở khoảng 40% quốc gia, nguyên nhân tử vong do đột quỵ vượt lên đứng đầu, trong đó có Việt Nam và Trung Quốc. Đột quỵ có thể phòng ngừa được bằng cách kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ, song ở Việt Nam, việc tuân thủ điều trị còn rất hạn chế.

    Đến viện ngay khi có một trong các triệu chứng tê hoặc yếu vùng mặt, tay hoặc chân để có thể được điều trị kịp thời trong thời gian vàng những giờ đầu. Lưu ý khi triệu chứng xảy ra một bên cơ thể, méo miệng, đột ngột không nói được hoặc khó nói, nhìn mờ, đau đầu, chóng mặt, mất thăng bằng...

    Lê Phương


    Adblock test (Why?)
    Nguồn: VNExpress​
     
  2. Facebook comment - Đột quỵ dễ tái phát, nặng hơn trước

Share This Page