Nhờ bệnh án điện tử và khám chữa bệnh từ xa, hàng nghìn bệnh nhân được điều trị mà không xếp hàng từ sớm, hạn chế tự "bốc thuốc, kê đơn". PGS. TS Đào Xuân Thành, Phó giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, cho biết như trên tại Hội nghị ứng dụng công nghệ thông tin trong y khoa và tổng kết đề án khám chữa bệnh từ xa, ngày 23/12, nói thêm đây là mục tiêu trọng điểm, xu hướng khám chữa bệnh trên thế giới, mục đích đặt quyền lợi bệnh nhân lên hàng đầu. Bệnh viện đã triển khai đồng bộ hệ sinh thái chữa bệnh gồm quản lý 100% người bệnh bằng phần mềm điện tử, quản lý xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh. Đơn vị sử dụng 100% bệnh án điện tử, khám bệnh điện tử, quản lý hồ sơ sức khỏe bằng phần mềm tự động. "Nhờ đó, bệnh viện và bệnh nhân có thể tự theo dõi thông tin cá nhân, dễ quản lý và lưu trữ, rút ngắn thời gian khám chữa bệnh. Bệnh án có thể sao lưu mãi mãi và dễ dàng truy xuất", TS Thành nói. PGS.TS Đào Xuân Thành, Phó Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Bệnh viện cung cấp Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Đức Luận đánh giá chuyển đổi số là một yêu cầu tất yếu đối với ngành y tế và Telehealth (khám bệnh từ xa) là điểm sáng đi đầu. Nhờ đó, người dân được bác sĩ tư vấn đúng, tránh tự đoán mò hoặc đến quầy thuốc tự chữa trị. Bệnh viện Đại học Hà Nội là một trong những đơn vị đầu tiên tổ chức khám chữa bệnh từ xa. Theo PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, trong 16 năm lịch sử hình thành, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong khám chữa bệnh là một trong những điều đáng tự hào nhất của cơ sở y tế này. Bệnh viện hiện định kỳ tiến hành một tuần hai buổi hội chẩn Telehealth (thứ ba và thứ năm). Đơn vị kết nối hơn 150 cơ sở y tế, gần 300 buổi hội chẩn, gần 2.500 ca hội chẩn cứu chữa bệnh nhân trong thời gian vàng. Chẳng hạn, bệnh nhân 31 tuổi, ho sốt, tổn thương phổi, lao phổi. Các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Thành phố Hà Tĩnh gửi bệnh án, phim chụp của bệnh nhân, nhờ các bác sĩ ở Bệnh viện Đại học Y Hà Nội hội chẩn và cho hướng điều trị. Ngay lập tức, toàn bộ kết quả xét nghiệm, cận lâm sàng, hình ảnh chẩn đoán... của bệnh nhân được chuyển đến Hà Nội qua hệ thống PACS/Tele-radiology. Kết quả xác định tổn thương chính ở nhu mô phổi, có đám tổn thương dạng đông đặc, cùng nhiều tổn thương dạng "chồi cây" do lao, chỉ định cấy đờm làm xét nghiệm để kê đơn điều trị. Hay bệnh nhân 86 tuổi, tiền sử tăng huyết áp, thỉnh thoảng chảy máu mũi, đau khớp. Tại nhà, ông được một bác sĩ và người nhà đo huyết áp, nhịp tim, nội soi tai mũi họng bằng thiết bị đặc biệt là một ống nghe. Thiết bị này có khả năng khuếch đại tiếng tim, phát về trung tâm tại Đại học Y Hà Nội. Hình ảnh nội soi cũng được truyền về để các bác sĩ từ xa xem và nghe trực tiếp. Các bác sĩ xem điện tâm đồ, chẩn đoán bệnh mạch vành mạn tính, không có dấu hiệu cấp tính, chỉ cần dùng thuốc, chưa phải trường hợp cần cấp cứu ngay. Bệnh nhân cần uống thuốc theo phác đồ trong hai tuần, theo dõi tình hình và sắp xếp đến bệnh viện khi tình trạng chảy máu vẫn còn. Các bác sĩ Bệnh viện Đại học Y Hà Nội tại buổi hội chẩn đầu tiên trên nền tảng hỗ trợ tư vấn khám chữa bệnh từ xa. Ảnh: Bệnh viện cung cấp. Song, "chuyển đổi số vẫn còn một số hạn chế về trang thiết bị, thời gian, vướng mắc về nguồn lực, ngân sách", Thứ trưởng cho biết. Tính đến tháng 12, chỉ 59/1.300 bệnh viện cả nước bỏ bệnh án giấy để dùng bệnh án điện tử, Bộ Y tế đánh giá triển khai quá chậm nên đề xuất lùi ba năm lộ trình chuyển đổi. Mức độ ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ sở y tế tăng chậm trong 5 năm qua. Chỉ 3% cơ sở y tế áp dụng phần mềm quản lý bệnh án và bỏ bệnh án giấy. Gần 50% bệnh viện triển khai đặt lịch khám bệnh trực tuyến. Bộ Y tế vẫn đang tìm nguồn đầu tư để hỗ trợ các bệnh viện. Thùy An Adblock test (Why?) Nguồn: VNExpress