Khàn tiếng

Discussion in 'Sống khỏe' started by Robot Siêu Nhân, Dec 24, 2023.

  1. Robot Siêu Nhân

    Robot Siêu Nhân Moderator

    (Lượt xem: 107)

    [​IMG]

    Khàn tiếng (khàn giọng) là tình trạng thay đổi giọng nói, âm thanh không còn trong trẻo và thường phải cố gắng để phát ra âm thanh.


    Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi bác sĩ Bùi Huy Cận, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM - Cơ sở 3.


    Khàn tiếng phổ biến, ước tính khoảng 1/3 dân số thế giới bị khàn tiếng ít nhất một lần trong đời.

    Ai dễ bị khàn tiếng?


    - Khàn tiếng có thể xảy ra ở cả người lớn lẫn trẻ em. Ở những người thường xuyên phải sử dụng giọng nói liên tục hoặc âm lượng lớn như giáo viên, ca sĩ, huấn luyện viên, người dẫn chương trình (MC)..., nguy cơ bị khàn tiếng cao hơn.

    - Những người mắc bệnh cảm cúm, viêm họng, ho thường kèm theo tình trạng viêm thanh quản gây khàn tiếng.

    Nguyên nhân

    - Bệnh cảm cúm, viêm họng, ho gây khàn tiếng.

    - Các u nang và polyp lành tính trên dây thanh quản làm giọng trở nên khàn hơn.

    - Liệt dây thanh có thể do chấn thương, ung thư tuyến giáp và vùng trung thất... dẫn đến khàn tiếng.

    - Ung thư thanh quản: Khàn tiếng kéo dài hơn 3 tuần điều trị bằng thuốc không giảm có thể là một trong các triệu chứng của ung thư thanh quản.

    - Khàn tiếng cũng có thể là một tình trạng rối loạn chức năng mà không liên quan đến tổn thương thực thể dây thanh.

    Chẩn đoán


    - Bác sĩ khám mũi họng, thanh quản bệnh nhân để xem có tổn thương nào gây ra khàn tiếng hay không.

    - Nếu phát hiện có bất thường, bác sĩ chỉ định các cận lâm sàng, gồm:

    * Nội soi thanh quản thường quy.

    * Nội soi hoạt nghiệm thanh quản: Là kiểm tra thanh quản bằng nguồn sáng sợi quang học để quay lvideo hình ảnh di chuyển chậm khi dây thanh hoạt động, kết hợp với ống nội soi thanh quản cứng hoặc mềm. Phương pháp này cho phép kiểm tra độ rung động dây thanh và hoạt động đóng mở của dây thanh, thấy rõ tổn thương dây thanh nghi ngờ khối u hay tổn thương lành tính.

    Điều trị

    - Khàn tiếng có thể tự hết trong vòng vài ngày. Nếu kéo dài trên hai tuần không rõ nguyên nhân, bạn nên đến bệnh viện khám để phòng ngừa các nguy cơ tổn thương dây thanh hoặc ung thư thanh quản.

    - Tùy nguyên nhân gây khàn tiếng, bác sĩ chỉ định các phương pháp điều trị khàn tiếng phù hợp. Cụ thể:

    * Khàn tiếng do hò hét quá nhiều: Cần giảm bớt các hoạt động phải nói to, nói nhiều. Sau vài ngày, giọng nói có thể phục hồi trở lại bình thường.

    * Khàn tiếng do viêm họng, cảm cúm, ho: Sử dụng thuốc chữa cảm cúm, viêm họng, ho. Sau khi sức khỏe ổn định, tình trạng khàn tiếng sẽ hết.

    * Khàn tiếng do các tổn thương dây thanh: Có thể cần phẫu thuật dây thanh để lấy lại giọng nói. Phẫu thuật này được thực hiện bởi bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng, chuyên sâu về thanh học ở bệnh viện.

    * Khàn tiếng do ung thư thanh quản: Cần được điều trị ung thư thanh quản bằng phẫu thuật, xạ trị, hóa trị hoặc các phương pháp nhắm trúng đích... tùy thuộc giai đoạn ung thư.

    - Ngoài ra, y học cổ truyền điều trị khàn tiếng bằng các bài thuốc cổ phương gia giảm theo từng cơ địa của người bệnh. Các phương pháp điều trị không dùng thuốc như châm cứu, cấy chỉ, xoa bóp bấm huyệt, luyện tập các động tác dưỡng sinh... cũng được ứng dụng trong điều trị nhằm nâng cao hiệu quả và rút ngắn thời gian trị liệu cho người bệnh.


    Phòng ngừa

    - Giữ ấm cổ họng để tránh bị cảm cúm, viêm họng. Nếu khàn tiếng do cảm cúm, viêm họng, ho, bạn nên uống các đồ ấm và bổ dưỡng như trà gừng ấm, trà mật ong hoa cúc, chanh đào mật ong...

    - Tránh uống rượu, bia vì nồng độ cồn cao có thể làm tổn thương họng gây khàn tiếng.

    - Tránh hút thuốc lá để phòng ngừa nguy cơ ung thư thanh quản gây ra khàn tiếng.

    - Không nói to, hát hò quá mức làm tổn thương các dây thanh. Nếu phải nói hay hát nhiều, nên uống nước giá đậu xanh, quất chưng đường phèn, húng chanh (tần dày lá) chưng đường phèn, chè đậu xanh nguyên vỏ...

    - Nên khám sức khỏe định kỳ và tầm soát ung thư thanh quản, ung thư tuyến giáp, ung thư vòm họng nếu tình trạng khàn tiếng kéo dài.

    Mỹ Ý


    Adblock test (Why?)
    Nguồn: VNExpress​
     
  2. Facebook comment - Khàn tiếng

Share This Page