Chỉ số Đổi mới sáng tạo tăng hạng, năm tuyến cáp quang biển gặp sự cố, cơn sốt AI và bán dẫn, hàng triệu sim rác bị xóa sổ là những điểm nhấn khoa học công nghệ Việt Nam 2023. Việt Nam tăng hai bậc chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu Theo báo cáo chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) công bố tháng 10, Việt Nam tăng hai bậc từ 48 lên 46 so với năm 2022 trên 132 quốc gia, nền kinh tế. Việt Nam duy trì vị trí thứ hai trong nhóm các quốc gia thu nhập trung bình thấp, sau Ấn Độ. Đây là bộ công cụ được Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới sử dụng để đánh giá năng lực đổi mới sáng tạo quốc gia suốt 12 năm. Kết quả phản ánh mô hình phát triển kinh tế, xã hội dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, cải thiện về thể chế, phát triển nguồn nhân lực... Việc tăng hạng của Việt Nam năm 2023 được ghi nhận ở chỉ số đầu vào, gồm 5 trụ cột: thể chế; nguồn nhân lực và nghiên cứu; cơ sở hạ tầng; trình độ phát triển của thị trường, trình độ phát triển của doanh nghiệp. Song song với việc ghi nhận chỉ số đầu ra, gồm 2 trụ cột: sản phẩm tri thức và công nghệ, sản phẩm sáng tạo. Gian hàng các sản phẩm khoa học công nghệ do người Việt phát triển được trưng bày trong sự kiện Techconnect 2023 tại Quảng Ninh. Ảnh: Lưu Quý Tại chương trình Techfest Dấu ấn 2023 hôm 25/11, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho rằng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam đang có xu hướng phát triển tích cực. Cả nước có 20 trung tâm hỗ trợ đổi mới sáng tạo địa phương, hơn 1.400 tổ chức có năng lực hỗ trợ khởi nghiệp, hơn 170 trường đại học tổ chức hoạt động khởi nghiệp với 43 vườn ươm. Hồi tháng 10, Trung tâm đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) đã đi vào hoạt động với mục tiêu thúc đẩy đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nhanh, bền vững dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Năm tuyến cáp quang biển cùng gặp sự cố Hạ tầng Internet Việt Nam bất ổn ngay từ đầu năm khi toàn bộ 5 tuyến cáp quang biển kết nối Việt Nam với thế giới đều gặp trục trặc. Trong đó, ba tuyến AAG, AAE-1, APG lỗi từ 2022 chưa khắc phục xong. Đến ngày 28/1, tuyến cáp tiếp theo là IA mất toàn bộ dung lượng kết nối quốc tế hướng đi Singapore. Chưa đầy một tháng sau, tuyến cuối cùng là SMW-3 cũng bị gián đoạn. Tốc độ mạng tại một điểm ở Cầu Giấy chiều 13/2 thấp hơn nhiều so với mức thông thường là trên 40 Mbps. Ảnh: Lưu Quý 26 năm kể từ khi Việt Nam hòa vào mạng Internet toàn cầu, đây là lần đầu cả năm tuyến gặp vấn đề cùng lúc, khiến việc truy cập Internet của người dùng cá nhân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề. Nhà mạng ước tính các tuyến cáp quang biển của Việt Nam mất khoảng 75% dung lượng đường truyền. Một ban chỉ đạo ứng cứu sự cố đã được Bộ Thông tin và Truyền thông lập ra ngay trong tháng 2. Các nhà cung cấp dịch vụ Internet tại Việt Nam được yêu cầu mua thêm dung lượng qua đường đất liền, áp dụng biện pháp kỹ thuật nhằm san tải, đồng thời chia sẻ dung lượng cho nhau. Sự cố đã bộc lộ việc hạ tầng Internet của Việt Nam chưa đáp ứng được nhu cầu, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh chuyển đối số, đưa hoạt động của người dân, doanh nghiệp lên môi trường Internet. Trong cả năm 2023, những lần đứt cáp đơn lẻ vẫn tiếp tục diễn ra, trong khi việc khắc phục lỗi cũ kéo dài nhiều tháng, khiến hạ tầng cáp quang biển chưa một ngày nào nguyên vẹn. Tại sự kiện Internet Day cuối tháng 11, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết sẽ sớm ban hành Kế hoạch phát triển cáp quang quốc tế Việt Nam. Các nhà mạng cũng khẳng định sẽ đưa vào hoạt động hai tuyến cáp mới là ADC và SJC2 trong năm 2024. Mỗi tuyến dự kiến bổ sung 18 Tbps dung lượng Internet cho Việt Nam. Hàng triệu sim rác bị xóa sổ Từ tháng 3, Bộ Thông tin và Truyền thông cùng các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông tại Việt Nam bắt đầu triển khai chiến dịch loại bỏ sim không chính chủ. Chiến dịch đi qua nhiều giai đoạn, từ chuẩn hóa thông tin thuê bao theo cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư vào tháng 3, đến mở rộng thanh kiểm tra các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông, tổ chức, cá nhân đứng tên từ 10 thuê bao trở lên trên khắp cả nước vào tháng 5. Việc phát triển thuê bao mới tại Việt Nam cũng có thay đổi lớn. Kênh đại lý, vốn chiếm 80% doanh số bán sim, bị loại bỏ từ tháng 9 vì sai phạm trong quá trình đăng ký thông tin thuê bao, như làm giả thông tin, thuê người đứng tên, bán sim đã đăng ký. Thị trường sim số hiện chỉ còn tập trung vào hai kênh là trực tiếp qua nhà mạng và qua các hệ thống bán lẻ điện thoại uy tín. Một người dân đi chuẩn hoá thông tin thuê bao trong ngày cuối trước khi bị khoá một chiều, hôm 31/3, ở Hà Nội. Ảnh: Giang Huy Chiến dịch được kỳ vọng giúp loại bỏ sim rác - một trong những nguyên nhân chính của vấn nạn cuộc gọi rác trong thời gian dài. Ngoài ra, khi thông tin thuê bao được chuẩn hóa, người dân có thể dễ dàng sử dụng số điện thoại cho các dịch vụ công trực tuyến, hạn chế tình trạng bị lợi dụng thông tin để đăng ký sim cho mục đích xấu. Đến hết tháng 8, 19,6 triệu thuê bao bị xử lý. Trong số này, hơn 7,1 triệu thuê bao đã chuẩn hóa lại và hoạt động bình thường, hơn 12 triệu bị khóa một chiều, hai chiều hoặc bị thu hồi. Theo thống kê của Cục Viễn thông - Bộ Thông tin và Truyền thông trước chiến dịch, Việt Nam có hơn 120 triệu thuê bao di động. Tuy nhiên, tình trạng cuộc gọi và tin nhắn rác chưa thể ngăn chặn hoàn toàn, đồng thời xuất hiện thêm các chiêu thức mới như phát tán tin nhắn qua trạm BTS giả mạo, ứng dụng OTT. Cơn sốt AI ở Việt Nam ChatGPT mở đầu cho cơn sốt AI tạo sinh (Generative AI) ở Việt Nam. Từ đầu năm, dù OpenAI chưa triển khai chatbot này ở thị trường trong nước, nhiều người sẵn sàng chi hàng trăm nghìn đồng mua tài khoản, dùng IP ảo để trải nghiệm. Ban đầu thu hút người dùng vì sự tò mò, nhưng rất nhanh sau đó, các mô hình AI tạo sinh như ChatGPT đã được nghiên cứu, ứng dụng trong hàng loạt lĩnh vực như giải trí, giáo dục, tài chính. Nhiều nhà văn Việt dùng ChatGPT để biên soạn mục lục và tư duy đề tài; giáo viên và học sinh sử dụng như một công cụ hỗ trợ thông tin. Trước sự phổ biến của chatbot, các trường đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đăng đàn hàng chục tọa đàm để thảo luận cách phản ứng với cơn sốt AI. "ChatGPT sẽ thay đổi toàn diện nền giáo dục Việt Nam", Thứ trưởng Bộ Giáo dục Đào tạo Hoàng Minh Sơn nhận định trong tọa đàm ngày 13/2. Công cụ AI tạo ảnh cũng mở ra trào lưu mới ở Việt Nam. Các ứng dụng biến ảnh selfie thành avatar như Remini, hay ảnh theo phong cách anime của Loopsie liên tục vượt qua các nền tảng truyền thông xã hội để đứng đầu danh sách ứng dụng được tải nhiều nhất Việt Nam trên App Store. Các doanh nghiệp, tổ chức và startup trong nước cũng không đứng ngoài xu hướng. Đầu tháng 9, ứng dụng dịch thuật của hai du học sinh Việt nhận khoản đầu tư hàng chục tỷ đồng tại Mỹ nhờ kết hợp AI để chuyển văn bản tiếng Việt thành tiếng Anh cùng 100 ngôn ngữ khác nhau. Cuối tháng 10, nền tảng AI tạo sinh FPT Gen AI ra mắt với khả năng hỗ trợ đa ngôn ngữ. Đầu tháng 12, VinAI giới thiệu mô hình PhởGPT với 7,5 tỷ tham số. Cùng tháng, Viettel đề nghị hợp tác với Nvidia để tạo siêu máy tính chứa 1.000 GPU nhằm xây dựng và huấn luyện mô hình ngôn ngữ lớn tại Việt Nam. Các doanh nghiệp thương mại điện tử, tài chính ngân hàng cũng đang tích hợp AI tạo sinh vào chatbot tương tác với khách hàng. Thống kê Financial Services: State of the Nation Survey 2023 (Dịch vụ tài chính: Khảo sát quốc gia 2023) của Finastra cho thấy, Việt Nam nằm trong top đầu thế giới về mối quan tâm đến AI tạo sinh. Việt Nam cũng ghi nhận sự hợp tác với nhiều nhà khoa học, doanh nhân hàng đầu trong lĩnh vực AI toàn cầu, như giáo sư Andrew Ng của Landing AI, CEO Jensen Huang của Nvidia. Trong chuyến thăm đầu tháng 12, ông Huang đánh giá Việt Nam hội tụ đủ các thành phần để phát triển trí tuệ nhân tạo, gồm dữ liệu, cơ sở hạ tầng và đặc biệt là lực lượng nhân lực công nghệ thông tin dồi dào. "Đây là thời cơ của Việt Nam. Nếu có thể cưỡi trên con sóng AI, Việt Nam sẽ tăng trưởng, thịnh vượng, cơ hội rộng mở. Tôi tin chúng ta có khả năng làm được điều đó", ông nói. Theo báo cáo Market Insights của Statista, quy mô thị trường AI tạo sinh ở Việt Nam ước tính vượt mốc 100 triệu USD trong 2023. Bước tiến của ngành bán dẫn Sau hơn 40 năm hình thành và phát triển, 2023 đánh dấu bước nhảy vọt của Việt Nam trong ngành vi mạch bán dẫn. Đầu năm nay, công ty bán dẫn non trẻ của Việt Nam là FPT Semiconductor đã có những đơn hàng chục triệu chip với các đối tác nước ngoài. Đến tháng 10, Viettel ra mắt chip 5G đầu tiên, cho thấy việc các doanh nghiệp Việt đã có thể làm chủ các công đoạn thiết kế chip công nghệ cao. Một số mẫu chip do kỹ sư Việt tham gia thiết kế được giới thiệu tại sự kiện về đổi mới sáng tạo hồi tháng 10 tại Hòa Lạc, Hà Nội. Ảnh: Lưu Quý 2023 cũng ghi nhận hàng loạt thỏa thuận trong hợp tác phát triển ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam với quốc tế. Trong chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Joe Biden đến Việt Nam vào tháng 9, đây là một trong những lĩnh vực được hai bên quan tâm thảo luận. Mỹ đã hứa hẹn khởi động các sáng kiến phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực bán dẫn cho Việt Nam. Tuyên bố chung khẳng định hai bên sẽ tích cực phối hợp nhằm nâng cao vị trí của Việt Nam trong chuỗi cung bán dẫn toàn cầu. Ngay sau đó, trong chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính đến Mỹ, một số thỏa thuận ký kết cũng được thực hiện với các hãng bán dẫn lớn của Mỹ, như Synopsys, Qualcomm, Marvell để xây dựng các trung tâm nghiên cứu cũng như đào tạo nhân sự. Năm nay cũng đánh dấu Việt Nam sẽ sớm có thêm những nhà máy tỷ USD trong lĩnh vực chip. Sau Intel, hai tên tuổi lớn khác trong lĩnh vực đóng gói và kiểm thử là Amkor và Hana Micro tuyên bố đầu tư lần lượt 1,6 và 1 tỷ USD vào sản xuất chip tại Việt Nam. Tại cuộc gặp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư tháng 12, đại diện Hiệp hội bán dẫn Mỹ SIA khẳng định "nhiều doanh nghiệp Mỹ cũng đang tăng gấp đôi số tiền đầu tư của họ" vào Việt Nam. Lưu Quý - Khương Nha - Hà An Mua hàng tại Tin Học Như ÝNguồn VNExpress