Kỹ thuật quét mật độ xương sử dụng liều bức xạ rất thấp nên an toàn với hầu hết mọi người và mọi độ tuổi, nhưng không khuyến khích cho phụ nữ mang thai. Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi KTV Vương Hoài Khanh, Đơn vị Cận lâm sàng, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM - Cơ sở 3. Đo loãng xương (đo mật độ xương) là gì? Đo loãng xương hay đo mật độ xương (Bone Mineral Density - BMD) là kỹ thuật sử dụng tia X hoặc hấp thụ tia X năng lượng kép (DEXA hay DXA) hay chụp CT để xác định hàm lượng canxi và các khoáng chất có trong xương. Tại sao cần đo loãng xương? Mục đích thực hiện xét nghiệm mật độ xương là sớm phát hiện những vấn đề về loãng xương (xương mỏng, yếu) và mất xương (giảm khối lượng xương) để có hướng điều trị càng sớm càng tốt. Điều trị sớm giúp ngăn ngừa tình trạng gãy xương. Các biến chứng của xương gãy liên quan đến loãng xương thường nghiêm trọng, đặc biệt là ở người già. Do đó, phát hiện sớm tình trạng loãng xương sẽ giúp chẩn đoán, điều trị kịp thời để cải thiện tình hình hoặc ngăn cho vấn đề không trở nặng. Đo lường mật độ xương được thực hiện nhằm mục đích: - Xác nhận chẩn đoán loãng xương nếu bạn đã bị gãy xương. - Dự đoán khả năng gãy xương trong tương lai. - Xác định tỷ lệ mất xương. - Xem xét việc điều trị có hiệu quả. Khi nào cần đo loãng xương? Có nhiều yếu tố nguy cơ gây loãng xương, trong đó nhóm người cần được tiến hành đo mật độ xương bao gồm: - Nhóm tuổi cao, phụ nữ trên 65 tuổi và nam giới trên 70 tuổi. - Tiền sử gia đình có người bị gãy xương. - Sử dụng thuốc thuộc nhóm steroid (như prednisone) lâu dài hoặc một số loại thuốc khác cản trở quá trình tái tạo xương và gây loãng xương. - Người mắc một số bệnh như viêm khớp dạng thấp, đái tháo đường type 1, bệnh gan, bệnh thận, cường giáp hoặc cường cận giáp. Đo loãng xương có hại không? Kỹ thuật quét mật độ xương không xâm nhập, sử dụng liều bức xạ rất thấp nên an toàn với hầu hết mọi người và mọi độ tuổi. Tuy nhiên, kỹ thuật này không được khuyến khích cho phụ nữ mang thai để tránh gây hại cho thai nhi. Các chỉ định thường quy - Đo mật độ xương cột sống. - Đo loãng xương cổ xương đùi. - Đo loãng xương cẳng tay. - Đo mật độ xương toàn thân. Đo loãng xương ở đâu để được điều trị tốt nhất? Hiện nay, với nhiều phương tiện hiện tại, hầu hết cơ sở y tế đều có thể thực hiện được kỹ thuật đo mật độ xương. Đây là một kiểm tra ngày càng phổ biến. Bệnh lý loãng xương thường diễn tiến âm thầm. Tuy nhiên, nếu không được phát hiện kịp thời sẽ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như gãy xương, lún xẹp cột sống... Sinh hoạt, tập luyện đúng cách và giữ chế độ dinh dưỡng cân bằng là cách để phòng ngừa bệnh lý này. Mỹ Ý Mua hàng tại Tin Học Như Ý Nguồn: VNExpress