Nghiên cứu thực hiện ở 7 nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, cho thấy 72% đồ ăn nhẹ bán cho trẻ em dưới 3 tuổi chứa đường và chất tạo ngọt. Nghiên cứu được hỗ trợ bởi Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) và các đối tác của Hiệp hội Cải thiện Thực phẩm Bổ sung ở Đông Nam Á (COMMIT), công bố hôm 19/12. Cụ thể, các chuyên gia đã khảo sát hơn 1600 loại ngũ cốc trẻ sơ sinh, thực phẩm xay nhuyễn, thực phẩm dạng túi, đồ ăn nhẹ và đồ ăn liền được bán cho trẻ nhỏ ở Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam. Nghiên cứu cũng đánh giá hành vi của người tiêu dùng và các quy định hiện hành ở 7 quốc gia. Kết quả cho thấy gần một nửa số sản phẩm (44%) có chứa đường bổ sung và chất tạo ngọt, con số tăng lên 72% ở các đồ ăn nhẹ. Hơn 1/3 các sản phẩm chứa nhiều muối hơn mức khuyến nghị. Gần 90% nhãn trên các sản phẩm chứa những thông tin có khả năng gây hiểu lầm hoặc không chính xác về thành phần. "Tại Việt Nam, nhiều loại thực phẩm bổ sung được sản xuất thương mại (CPCF) trên thị trường không đạt tiêu chuẩn về giá trị dinh dưỡng và việc ghi nhãn của các sản phẩm có thể gây hiểu lầm cho cha mẹ. Cần phải giải quyết những thiếu sót đáng kể này trong khung pháp lý quốc gia về CPCF," bà Lesley Miller, Quyền Trưởng đại diện UNICEF Việt Nam nói, thêm rằng trẻ em và cha mẹ xứng đáng có những lựa chọn tốt hơn. CPCF là đồ ăn phổ biến của trẻ nhỏ ở Đông Nam Á, với 79% bà mẹ ở thành phố cho biết họ cho con ăn những thực phẩm này hàng ngày. Doanh số bán CPCF tại Đông Nam Á đã tăng 45% trong 5 năm qua. Nghiên cứu cũng chỉ ra khoảng 3/4 các bà mẹ tham gia khảo sát tại Việt Nam nói họ cho con ăn CPCF ít nhất một lần mỗi ngày. Phần lớn các bà mẹ mua CPCF từ các siêu thị (48%) hoặc cửa hàng cho trẻ em (33%). Trong khi đó, các chuyên gia lưu ý không quốc gia nào trong số 7 nước khảo sát có chính sách về thành phần và ghi nhãn cho CPCF tuân theo tất cả hướng dẫn quốc tế. Nghiên cứu còn cho thấy một số quốc gia không có biện pháp pháp lý để điều chỉnh hàm lượng đường hoặc muối trong CPCF. "Chính phủ, các nhà sản xuất thực phẩm có thể và cần đóng một vai trò mạnh mẽ hơn trong việc bảo vệ sức khỏe của trẻ em", bà Debora Comini, Giám đốc UNICEF Khu vực Châu Á Thái Bình Dương nói, thêm rằng trẻ ăn thực phẩm chứa đường sớm có thể bị sâu răng, tăng cân cũng như thói quen ăn uống không tốt. Hàm lượng natri cao nguy cơ dẫn đến huyết áp cao và tác động có thể kéo dài suốt đời. Vì vậy, UNICEF kêu gọi cải thiện các quy định của chính phủ đối với CPCF, bao gồm cấm sử dụng đường và chất tạo ngọt bổ sung, hạn chế hàm lượng đường và muối, cấm tiếp thị cũng như ghi nhãn gây hiểu lầm. Ngoài ra, chính phủ cần giám sát chặt chẽ và thực thi các quy định quốc gia về CPCF. Hỗ trợ cha mẹ trong việc cung cấp các thực phẩm bổ dưỡng đa dạng cho con em và điều chỉnh các hoạt động tiếp thị cũng như ghi nhãn không chính xác. Lê Nga Adblock test (Why?) Nguồn: VNExpress