5 năm qua, quy trình cấp cứu báo động đỏ nội viện và liên viện tại TP HCM đã góp phần cứu sống gần 3.700 bệnh nhân nguy kịch. Quy trình báo động đỏ là một trong 10 hoạt động nổi bật trong một thập kỷ cải tiến chất lượng khám chữa bệnh tại các bệnh viện TP HCM, theo công bố của Sở Y tế ngày 19/12. Bệnh viện Nhi đồng 1 là đơn vị đầu tiên triển khai quy trình báo động đỏ từ năm 2008, góp phần cứu sống nhiều trường hợp thập tử nhất sinh như bé 11 ngày tuổi bị đâm xuyên sọ, bé trai văng khỏi bụng mẹ... Báo động đỏ cho phép bác sĩ bỏ qua các giai đoạn như hội chẩn, các xét nghiệm, siêu âm, chẩn đoán hình ảnh..., mà chuyển thẳng bệnh nhân từ phòng cấp cứu lên phòng mổ. Mô hình cấp cứu báo động đỏ sau đó được nhân rộng khắp các cơ sở y tế, cứu nhiều tính mạng đang ngấp nghé cửa tử, từng giành giải nhất "Chất lượng bệnh viện" ở TP HCM năm 2016. Khi nhận được tín hiệu báo động, các kíp gây mê, hồi sức, phẫu thuật, ngân hàng máu... đồng thời tốc lực vào cuộc, ưu tiên chạy đua với thời gian để xử trí nhanh nhất cứu bệnh nhân. Từ hiệu quả báo động đỏ nội viện, năm 2016, Sở Y tế TP HCM triển khai quy trình báo động đỏ liên viện, tức nhiều bệnh viện trên địa bàn phối hợp nhau cứu sống bệnh nhân. Khi có trường hợp cấp cứu nặng, vượt quá khả năng chuyên môn, báo động đỏ liên viện giúp tập hợp sức mạnh hỗ trợ chuyên môn của các chuyên gia đầu ngành trong việc tận dụng thời gian vàng kịp thời cứu chữa bệnh nhân. Bộ Y tế cũng đã đưa quy trình báo động đỏ vào danh mục tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện 2016, triển khai cho toàn bộ hệ thống ngành y tế cả nước. Theo Giám đốc Sở Y tế TP HCM Tăng Chí Thượng, với quy trình này, ngành y tế không cần thêm bất kỳ nguồn kinh phí nào nhưng mang lại hiệu quả cao. Trong 5 năm từ 2018 đến nay, 3.500 người được cứu sống nhờ báo động đỏ nội viện và 160 trường hợp thoát cửa tử nhờ báo động đỏ liên viện. "Sáng kiến từ quy trình báo động đỏ đã tạo bước đột phá, khắc phục nhiều hạn chế trong quy trình cấp cứu trước đây, mang lại sự sống cho nhiều người bệnh nguy cơ tử vong cao", ông Thượng đánh giá. Bác sĩ hai bệnh viện Hùng Vương và Thống Nhất theo quy trình báo động đỏ liên viện, phối hợp mổ khẩn cứu sản phụ xuất huyết ồ ạt. Ảnh: Bệnh viện cung cấp Người đứng đầu ngành y tế TP HCM cho rằng 10 năm qua, các bệnh viện thành phố đã có nhiều bước tiến đáng kể, theo mục tiêu "tốt hơn, an toàn hơn, nhanh hơn, chi phí điều trị hợp lý hơn, người bệnh hài lòng hơn". Điểm chất lượng các bệnh viện tăng dần. Năm 2013-2014, TP HCM chỉ một bệnh viện có điểm trung bình từ 4 trở lên theo thang điểm 5, hiện tăng lên 37 bệnh viện. Sở thành lập Hội đồng chất lượng khám chữa bệnh của ngành y tế TP HCM từ năm 2014, sau đó ban hành Sổ tay khuyến cáo cải tiến chất lượng khám chữa bệnh, ra mắt kho dữ liệu phác đồ điều trị, tích hợp trên Cổng thông tin điện tử của Sở. Ngành y tế khảo sát ý kiến không hài lòng của người đến các bệnh viện khám bệnh, đối thoại và lắng nghe ý kiến góp ý của người bệnh, bằng nhiều hình thức. Để người bệnh được cấp cứu ngoại viện nhanh hơn, ngành y tế triển khai mạng lưới 41 Trạm cấp cứu vệ tinh 115 tại các bệnh viện, phủ sóng tất cả quận huyện. Những năm qua, nhiều công trình bệnh viện mới, khang trang, hiện đại được xây dựng như Nhi đồng Thành phố, Ung bướu cơ sở 2, Truyền máu Huyết học..., giúp giải quyết tình trạng quá tải. Nhiều bệnh viện đạt các chứng nhận xuất sắc của những tổ chức quốc tế có uy tín. Lê Phương Adblock test (Why?) Nguồn: VNExpress