Bác sĩ giả vờ đi vệ sinh để học lén kỹ thuật mổ xương

Discussion in 'Sống khỏe' started by Robot Siêu Nhân, Dec 17, 2023.

  1. Robot Siêu Nhân

    Robot Siêu Nhân Moderator

    (Lượt xem: 124)

    TP HCMHọc khóa kỹ thuật đinh nẹp xương gãy tại ĐH Chulalongkorn, Thái Lan, bác sĩ Khôi ngạc nhiên với cách bác sĩ ở phòng bên cạnh mổ xương "rất lạ" nên vờ đi vệ sinh nhiều lần để nhìn học lóm.


    Năm ấy là 2008, bác sĩ Trần Chí Khôi đang công tác tại Khoa Chi dưới, Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP HCM, cùng nhóm khoảng 5 bác sĩ Việt Nam học khóa căn bản về kỹ thuật sử dụng đinh nẹp ốc cố định xương gãy tại ĐH Chulalongkorn, TP Chiang Mai. Trường đại học hàng đầu Thái Lan này có nhiều phòng mổ mô hình rất hiện đại, với những bộ phận mô phỏng gần giống cơ thể thật để học viên dễ dàng thao tác.

    Nhiều nước cử bác sĩ đến Chulalongkorn để tu nghiệp, nhóm nào đăng ký học chuyên ngành kỹ thuật gì phải tuân thủ nội quy học của lớp đó. Tình cờ, một lần đi vệ sinh, bác sĩ Khôi phát hiện lớp học bên cạnh đang học kỹ thuật mổ xương mà không rạch một đường dài trên da - thời điểm ấy là kỹ thuật mổ xương rất mới lạ.

    "Tôi vốn đã quen với đường mổ dài cả chục cm để bộc lộ xương gãy và đặt dụng cụ cố định ổ gãy, khi thấy người ta có thể xử lý qua vết mổ chỉ hơn một cm, tôi rất choáng", bác sĩ Khôi, hiện 48 tuổi, nhớ lại.

    Anh liên tiếp xin "đi vệ sinh" nhiều lần để cố tình dừng lại nhìn cách phẫu thuật. Thấy học viên lạ, nhân viên trường đến nhắc nhở bác sĩ Khôi về đúng lớp. Anh năn nỉ xin được đứng xem vì "mổ hay quá mà không có điều kiện đóng tiền học". Chỉ "hóng hớt" một buổi, song nhờ đã có kinh nghiệm 5-6 năm phẫu thuật xương gãy với đường mổ rộng để nắn xương, anh nhanh chóng nắm được cơ chế của phương pháp ít xâm lấn này.

    Phẫu thuật viên chỉ dùng những đường mổ rất nhỏ để nắn xương và đưa dụng cụ cố định xương gãy vào, thao tác được thực hiện dưới sự "soi đường chỉ lối" của hệ thống C-Arm (máy chụp X-quang tại chỗ). Đây là môi trường bức xạ, nên để tránh nguy cơ bị ảnh hưởng bởi tia X, phẫu thuật viên phải mặc bộ quần áo bằng chì rất nặng và đứng suốt ca mổ.

    [​IMG]

    Với sự hỗ trợ của hệ thống C-Arm (ảnh trên), bác sĩ có thể đặt dụng cụ qua những đường mổ rất nhỏ (ảnh dưới). Ảnh: Bác sĩ cung cấp


    Về nước, anh nhờ người quen ở Mỹ mua sách tìm hiểu thêm kỹ thuật này, tốn hơn một tháng lương. Anh hiểu rằng xương của con người giống như thân cây, còn hệ thống mạch máu xung quanh chính là rễ cây, mang máu và chất dinh dưỡng nuôi sống xương. Đến nay, khoa học vẫn chưa thể tạo được vật liệu gì có tính chất như xương người - vừa cứng chắc vừa dẻo dai.

    Đường mổ lớn thường phải tàn phá hệ thống mạch máu nuôi xương nhiều hơn đường mổ nhỏ, nên nhiều ca "xương mổ rất đẹp nhưng vẫn chậm hoặc không lành xương ". Đây cũng là điều khiến nhiều phẫu thuật viên lớn trên thế giới trăn trở đi tìm lời giải. Họ phát hiện chìa khóa của vấn đề là phải bảo vệ tối đa mạch máu nuôi xương.

    Với phương pháp mổ ít xâm lấn, nhờ can thiệp vào phần mềm ít nhất có thể nên hệ thống mạch máu được bảo vệ, do đó xương gãy có cơ hội lành cao hơn. Mặt khác, khối máu tụ hình thành từ xương gãy cực kỳ quý giá, giúp xương lành nhanh hơn. Nên ưu điểm của kỹ thuật mổ ít xâm lấn là can thiệp ngoại khoa nhưng bảo vệ được khối máu tụ, giống điều trị bảo tồn. Nhiều chuyên gia đầu ngành luôn nhắc nhở thế hệ sau về giá trị của bó bột điều trị bảo tồn cố định xương gãy thay vì "mổ banh hết ra".

    "Mổ đường lớn nhiều năm nên mình càng hiểu được giá trị khi người ta làm đường mổ nhỏ này", bác sĩ Khôi nói. Anh ước tính mỗi ngày bệnh viện có khoảng vài chục ca gãy xương cần phẫu thuật, nếu phát triển kỹ thuật này thì lượng bệnh nhân được hưởng lợi là cực kỳ lớn.

    Năm ấy, vừa kết hôn, nhiều đồng nghiệp e ngại anh tiếp xúc tia nhiều quá sẽ ảnh hưởng việc có con, song anh "không nghĩ ngợi gì nhiều cả, mê quá thì làm thôi, tuổi trẻ đang nhiệt huyết". Ca mổ đầu tiên bác sĩ Khôi khoác bộ quần áo chì nặng cả chục kg để che chắn, bảo vệ cơ thể, đứng trong môi trường bức xạ để thực hiện kỹ thuật này. Bệnh nhân là công an, chưa đến 30 tuổi, bị tai nạn giao thông gãy 4 nơi ở hai chân, hai đùi. Trong 4 vị trí gãy, bác sĩ Khôi chọn hai nơi ở cẳng chân để triển khai kỹ thuật mới, còn vùng đùi làm theo kiểu cũ vì phải chạy đua với thời gian.

    Kết quả, cả 4 vị trí gãy xương đều lành tốt. "Rất ngoạn mục", anh nói. Thông thường người gãy xương nhiều nơi khi mổ theo kiểu cũ sẽ 1-2 nơi không lành, "có thể do thuốc, dinh dưỡng không thể chia đều 4 vị trí".

    [​IMG]

    Bác sĩ Trần Chí Khôi thăm khám người bệnh. Ảnh: Lê Phương


    Giai đoạn đầu, mọi thứ còn mới lạ, thời gian các ca mổ kéo dài gấp ba so với bình thường, đa số hơn hai giờ trong khi mổ mở chỉ khoảng 45 phút. Điều này đồng nghĩa cả kíp mổ phải làm việc lâu hơn, bác sĩ gây mê phải căng thẳng áp lực hơn, thời gian phơi nhiễm với tia X của kíp mổ kéo dài hơn. Đồng hành, "nhiệt huyết lăn xả chiến đấu bất chấp nguy cơ 'ăn' tia" cùng anh trong nhiều ca mổ phức tạp thuở ban đầu là bác sĩ trẻ mới ra trường Nguyễn Anh Tuấn, nay là Phó Phòng Quản lý Chất lượng của bệnh viện.

    "Có lẽ thấy mình tâm huyết lăn lộn quá, tất cả hướng đến bệnh nhân chứ không vì lợi ích riêng tư nào khác nên mọi người yêu thương tạo điều kiện, nhất là các nhân viên khoa phẫu thuật gây mê hồi sức", anh nói và thêm rằng thật sự biết ơn những bệnh nhân đầu tiên đã đồng hành trong quá trình điều trị, giúp hoàn thiện kỹ thuật này.

    Những ca mổ thành công liên tiếp với kết quả cải thiện rõ rệt giúp mọi người dần được thuyết phục về giá trị của phương pháp mổ kết hợp xương ít xâm lấn. Bệnh nhân ít mất máu, ít đau, mổ xong hồi phục rất nhanh, chỉ nằm điều trị khoảng 2-3 ngày là khỏe mạnh xuất viện thay vì hơn cả tuần như trước. Đa số người bệnh có thể đi lại tốt sau mổ 1-2 tháng tùy vị trí xương gãy, trong khi trước đây cần khoảng 6 tháng.

    Chừng hai năm sau, khi đã thuần thục, các ca mổ của bác sĩ Khôi rút ngắn dần thời gian, chỉ còn 1/3 so với ban đầu. Dần dần, nhiều bệnh viện cả nước bắt đầu phát triển kỹ thuật này, giúp số bệnh nhân được hưởng lợi không ngừng tăng lên. Đến nay đã 15 năm anh triển khai kỹ thuật mổ này tại Việt Nam.

    Anh cho rằng việc tiên phong đưa kỹ thuật mà thế giới đã triển khai từ lâu về Việt Nam là nhờ bản thân "may mắn được nhìn thấy sớm nhất". Có thể, các thầy và đàn anh đã nhìn thấy giá trị của phương pháp này ở nước ngoài từ khá sớm nhưng vì nhiều lý do khách quan mà chưa thể áp dụng ở Việt Nam, chẳng hạn khi xưa chưa có hệ thống C-Arm.

    Từng tai nạn gãy liên mấu chuyển xương đùi trái khoảng hai tháng trước lễ cưới cháu ngoại ở Mỹ, bà Minh, 68 tuổi, tưởng mình không thể tham dự vì "thấy ai mổ chân cũng cả nửa năm mới đi được". Sau khi bác sĩ Khôi phẫu thuật, bà có thể đi lại và trực tiếp góp mặt trong ngày trọng đại của cháu gái. "Tôi rất bất ngờ, ban đầu nghĩ bản thân đã lớn tuổi sẽ lâu hồi phục", bà Minh nói.

    [​IMG]

    Ngoài giờ làm việc, bác sĩ Khôi thường xuyên có những chuyến đưa vợ con đi chơi. Trước đây, nhiều người từng lo ngại bác sĩ Khôi tiếp xúc quá nhiều tia X sẽ ảnh hưởng việc có con. Ảnh: Bác sĩ cung cấp


    Là bác sĩ phẫu thuật tại Khoa Chi dưới, đã mổ cho rất nhiều bệnh nhân, thực hiện nhiều kỹ thuật khác nhau ở chân như thay khớp, nội soi tái tạo dây chằng, kéo dài chân, phục hồi các khiếm khuyết ở chân do tai nạn, bác sĩ Khôi vẫn luôn cảm thấy "có một điều gì đó cực kỳ hấp dẫn" với mỗi ca phẫu thuật kết hợp xương ít xâm lấn. Thời gian đầu triển khai kỹ thuật, có những lúc thật sự mệt mỏi và cảm thấy mọi chuyện vượt quá khả năng của bản thân, song chứng kiến sự hồi phục một cách nhanh chóng của người bệnh, anh càng thêm động lực vượt qua mọi khó khăn.

    Có những hôm, lượng bệnh nhân tăng đột biến, ca nặng chuyển đến liên tục, anh và ê kíp đứng mổ liên tục hơn 8 giờ với bộ áo chì nặng nề đè lên hai vai, dù máy lạnh chạy ù ù nhưng người luôn ướt sũng mồ hôi, rời khỏi phòng mổ mới biết đã rạng sáng. Hơn 8 giờ "ăn" tia X, ngửi mùi khét lẹt của dao đốt điện, hít thuốc khử trùng, mùi máu, tiếng tít tít của máy gây mê, tiếng đục đẽo xương, nhưng những phẫu thuật viên như anh vẫn phải giữ đầu óc hết sức tỉnh táo với trái tim nóng và cái đầu lạnh.

    Không ít trường hợp, anh cùng đồng nghiệp chấp nhận thử thách, chạy đua giữ lại được đôi chân lành lặn cho bệnh nhân đang tuổi lao động, thay vì cắt chi để bảo toàn tính mạng.

    "Mệt đến mấy đi nữa cũng không được vội vã, không lơi lỏng phút nào vì chỉ cần sơ sẩy là phải trả giá bằng sinh mệnh hoặc nguy cơ thương tật tàn phế suốt đời của bệnh nhân", anh nói. Thậm chí, có những lúc gặp sự cố y khoa, bác sĩ vẫn phải giữ vững tinh thần để vượt qua, cẩn trọng rút kinh nghiệm để sai sót không lặp lại, không để bị phân tán tư tưởng trong lúc mổ.

    "Nhiều bệnh nhân hỏi tôi ca mổ của họ nhỏ hay lớn, dễ hay khó, tôi luôn tự răn mình bằng cách trả lời không có ca mổ nào là nhỏ, đã đụng dao kéo vô cơ thể người thì đều phức tạp, bác sĩ phải cố gắng cẩn thận tối đa", bác sĩ Khôi nói, thêm rằng nếu có phương pháp nào đó bệnh nhân vẫn ổn định và phục hồi được mà không dùng dao kéo thì vẫn là tốt nhất, chỉ nên tính chuyện phẫu thuật khi đã điều trị bảo tồn thất bại.

    Lê Phương


    Adblock test (Why?)
    Nguồn: VNExpress​
     
  2. Facebook comment - Bác sĩ giả vờ đi vệ sinh để học lén kỹ thuật mổ xương

Share This Page