'Rớt' hàm, rụng răng do bọc sứ giá rẻ

Discussion in 'Sống khỏe' started by Robot Siêu Nhân, Dec 16, 2023.

  1. Robot Siêu Nhân

    Robot Siêu Nhân Moderator

    (Lượt xem: 138)

    Sau khi làm răng sứ giá rẻ, nhiều người bị ám ảnh cảnh mài răng, đau và ê buốt, có trường hợp nhiễm trùng tủy, viêm "rớt hàm" không cắn được phải điều trị nhiều năm.


    13 năm trước, chị Thi, 37 tuổi, ở TP HCM, chi hơn 50 triệu đồng để làm 12 răng sứ bọc kim loại. 7 năm sau, chị đến một cơ sở nha khoa khác, đổi răng sứ kim loại cũ sang loại sứ 100% và bổ sung thêm vài răng nữa để cả hàm đều đẹp hơn.

    Tuy nhiên, chị thường xuyên bị tụt rớt và mẻ hai răng cửa cũng như 4 răng xung quanh, phải đi bảo hành, thay răng khác trong nhiều năm khiến chân răng ngày càng bị thu nhỏ. Gần đây, chị Thi liên tục bị đau hàm dưới, song vẫn nghĩ do thói quen chống tay dưới cằm gây đau.

    Tháng 5, trong chuyến đi đến Ladakh, Ấn Độ, nhiệt độ xuống thấp khiến hàm dưới chị Thi càng khó chịu, đau buốt và có dấu hiệu sưng. Chị đi khám, bác sĩ nói hai hàm đều đã bị viêm, nhiễm trùng tủy. Riêng hàm trên, phần viêm "ăn" lên xoang mũi.

    Tiến sĩ, bác sĩ Lâm Đại Phong, Phòng khám Dr. Phong Aki, đồng sáng lập trang Y học Cộng đồng, người trực tiếp khám, cho biết bệnh nhân được điều trị viêm tủy bằng phương pháp laser kèm năng lượng quang học, sóng âm, rung rửa siêu âm... giúp làm sạch, lành thương.

    Sau 5 tháng, tình trạng chị Thi ổn định, song phải theo dõi, tái khám thường xuyên.

    [​IMG]

    Ảnh phim chụp răng của chị Thi thời điểm phát hiện tủy bị viêm, nhiễm hồi tháng 5. Ảnh: Bệnh nhân cung cấp


    Tương tự, chị Kim 40 tuổi đã bọc 20 răng sứ, mỗi hàm 10 chiếc. Tuy nhiên, răng sứ dày, thô đè lợi gây viêm, sai khớp cắn khiến chị không thể nhai và đau mỏi khớp thái dương hàm. Trước đó, người phụ nữ điều trị khớp cắn hai lần bằng phương pháp nâng khớp, tăng chiều dài khu vực răng cửa hàm dưới nhưng không khỏi. Khi đi khám, bác sĩ chỉ định tháo toàn bộ răng sứ, điều trị viêm lợi. Sau đó, bệnh nhân được làm răng nhựa tạm thời để điều trị khớp cắn, đưa về trạng thái khớp cắn ban đầu.

    "Tiếng mài răng ám ảnh cả vào giấc ngủ, nghĩ đến là rợn hết cả người, thực sự rất hối hận", chị kể.

    Hay, cô gái 26 tuổi cũng được các bác sĩ Trung tâm Răng Hàm Mặt, Bệnh viện đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ), khám phát hiện nang xương hàm trên do cầu răng cửa sứ hàm trên bị viêm nhiễm lâu ngày, gây ra tụt lợi, viêm lợi, miệng hôi, mất thẩm mỹ. Nếu không điều trị kịp thời dễ dẫn tới lệch khớp cắn, mất chức năng ăn nhai, thậm chí viêm tủy, hỏng cả răng gốc... Bệnh nhân được phẫu thuật loại bỏ cầu răng sứ và nang xương hàm, phục hình răng thẩm mỹ.

    Bọc răng sứ là phương pháp sử dụng mão sứ chụp lên răng thật (đã được mài nhỏ để làm trụ) nhằm che đi khuyết điểm của răng như sứt mẻ, răng thưa, hô, móm, khấp khểnh, răng nhiễm màu kháng sinh, răng sâu... mang lại hàm răng trắng, đều và đẹp tự nhiên.

    Tuy nhiên, bác sĩ Nguyễn Thị Thu Hiền, Trung tâm Nha khoa Win Smile, cho biết hầu hết người gặp biến chứng đều do bọc răng sứ giá rẻ. Theo đó, sản phẩm được làm từ vật liệu kém chất lượng, dễ bị mẻ, vỡ, sứt. Ngoài ra, chi phí làm răng sứ khá cao nên nhiều người chỉ quan tâm đến giá mà không chú trọng xuất xứ, chủng loại. Tại các phòng nha khoa giá trẻ, người thực hiện có tay nghề kém, thiếu kinh nghiệm, dẫn đến các sai sót, gây biến chứng như đau nhức, sưng tấy, nhiễm trùng.

    Ngoài ra, bọc răng sứ giá rẻ thường không được bảo hành. "Nếu có bất kỳ vấn đề gì xảy ra với răng sứ sau khi bọc, bạn sẽ phải tự chi trả cho chi phí sửa chữa hoặc thay thế", bác sĩ nói.

    [​IMG]

    Trước khi làm răng, bác sĩ kiểm tra và thăm khám xem khách hàng có đủ điều kiện không. Ảnh: Freepik


    Hiện, Việt Nam chưa có thống kê cụ thể về số bệnh nhân gặp biến chứng sau làm răng sứ, nhưng ghi nhận số ca bệnh tăng tại phòng khám thời gian gần đây. Tiến sĩ, bác sĩ Hồ Nguyễn Thanh Chơn, Trưởng khoa phẫu thuật Răng Hàm Mặt, Bệnh viện Y Dược TP HCM khuyến nghị khách hàng không nên chạy theo trào lưu mà phải cân nhắc tình trạng răng, thăm khám theo quy trình. Tùy thuộc tình trạng, bác sĩ khám có chỉ định riêng phù hợp.

    "Trường hợp có hàm răng tự nhiên đẹp, chắc khỏe thì không ai đi mài nhỏ, lấy tủy, làm mất đi 50% nuôi dưỡng răng khiến răng yếu hơn", ông Chơn nói.

    Khi tủy bị viêm nhiễm, bệnh nhân đa số xuất hiện triệu chứng sưng, đau... Phác đồ điều trị tùy vào tình trạng và độ khó của mỗi răng, kéo dài từ ba đến trên 10 lần. Sau khi điều trị nhiễm trùng, người bệnh vẫn có nguy cơ 10-20 % phải điều trị lại. Đồng thời, bệnh nhân phải theo dõi, tái khám định kỳ để phát hiện sớm khi có vấn đề ở răng.

    Ngoài ra, theo bác sĩ Phong, răng đã được chữa tủy có nguy cơ bị giòn hơn. Do đó, người bệnh cần hạn chế ăn đồ quá cứng, dẫn đến không kiểm soát được lực cắn, nhai khiến răng dễ bị quá tải, nguy cơ gãy chân răng.

    Sau khoảng ba đến 5 năm sử dụng răng sứ giá rẻ, hiện tượng thâm đen viền nướu có thể xuất hiện. Một số nguy cơ khác như hôi miệng, răng dễ nứt vỡ, hỏng răng gốc, lệch khớp cắn, mất chức năng nhai của hàm, viêm tủy...

    Các bác sĩ khuyến cáo chỉ nên làm răng sứ trong trường hợp cần thiết, đúng chỉ định. Chẳng hạn, răng đã được lấy tủy rồi nhưng bị giòn, răng vỡ lớn, răng gãy, răng sâu lớn, răng cần phục hồi chức năng... nên làm răng sứ để răng được bảo vệ, cải thiện khả năng ăn, nhai và thẩm mỹ hơn.

    Trường hợp răng khỏe mạnh, nguyên vẹn cần cân nhắc, đặt lên bàn cân giữa việc làm răng thẩm mỹ và khả năng đau, nhiễm trùng về sau.

    Để tránh sâu răng, hôi miệng cũng như viêm, nhiễm, người bệnh cần vệ sinh kỹ, kết hợp hộ bằng bàn chải kẽ, chỉ nha khoa, tăm nước..., tránh thức ăn bám trên răng.

    Thùy An - Mỹ Ý

    *Tên nhân vật được thay đổi


    Mua hàng tại Tin Học Như Ý
    Nguồn: VNExpress​
     
  2. Facebook comment - 'Rớt' hàm, rụng răng do bọc sứ giá rẻ

Share This Page