Những người coi bệnh viện là nơi bấu víu cuối cùng

Discussion in 'Sống khỏe' started by Robot Siêu Nhân, Dec 15, 2023.

  1. Robot Siêu Nhân

    Robot Siêu Nhân Moderator

    (Lượt xem: 85)

    Hà NộiMột năm sau khi chồng qua đời, chị Luyến và con gái lớn phát hiện mắc HIV, con trai thứ hai bị tai biến xuất huyết não, cuộc đời đột ngột bẻ lái.


    Chị Luyến, 55 tuổi, là một trong những bệnh nhân điều trị lâu năm nhất ở Bệnh viện 09, nơi chuyên chăm sóc người nhiễm HIV. Gần hai thập niên trước, người phụ nữ từng có gia đình hạnh phúc, vợ chồng là lao động tự do, con trai và gái đều chăm học, nghe lời. Cuộc sống xáo trộn khi chồng chị nghiện ngập, nợ nần, qua đời vào năm 2007, không rõ nguyên nhân.

    Một năm sau, chị Luyến bị sút cân đột ngột, chán ăn, mệt mỏi nhiều nên đến Bệnh viện Bạch Mai kiểm tra, kết quả xét nghiệm cho thấy chị mắc HIV. Cầm tờ chẩn đoán, người phụ nữ ngồi thụp xuống ban công bệnh viện khóc, hai tay như rụng rời, tự hỏi "bao giờ thì chết?". Suy nghĩ tiếp theo trong đầu chị là tự đâm vào ô tô để gột sạch mọi đau đớn và tủi nhục.

    Thời điểm này, HIV/AIDS trong quan niệm của cộng đồng vẫn là "bản án tử hình", "căn bệnh thế kỷ", "không có thuốc chữa". Cùng năm, Xuân - con gái chị, 18 tuổi thấy cơ thể có nhiều khác thường, bị ngứa, lở loét, đi khám da liễu và uống thuốc nhưng không khỏi.

    "Ngày trả kết quả xét nghiệm máu của con, nhìn thấy dòng chữ dương tính, tôi như chết đi lần nữa, mắt tối sầm lại, rồi không biết gì nữa", chị Luyến kể, thêm rằng con trai bị tai biến xuất huyết não sau trận ốm, gửi vào trường dành cho trẻ khuyết tật.

    Chị Luyến đến Bệnh viện 09, ở Thanh Trì, còn con gái chuyển lên Trung tâm chăm sóc trẻ nhiễm HIV tại Ba Vì, năm 2009.

    Bác sĩ Lê Thị Thanh Huyền, Phó trưởng Khoa Nội tổng hợp, cho biết chị Luyến đáp ứng tốt phác đồ điều trị. Theo đó, bệnh HIV chưa có thuốc điều trị đặc hiệu song có thể dùng thuốc ARV để kéo dài cuộc sống. Người điều trị đúng, đủ liều có thể sống khỏe mạnh, làm việc như người bình thường tới 30 năm. Ngay cả những phụ nữ nhiễm HIV/AIDS nếu được điều trị dự phòng sớm, có thể sinh con bình thường, không truyền bệnh cho con. Tuy nhiên, sự kỳ thị vẫn hằn sâu trong tiềm thức, nhiều bệnh nhân HIV nói "không sợ chết, chỉ sợ kỳ thị".

    "Những bệnh nhân ở đây là mảnh gương vỡ ghép lại, song hầu hết đều chịu sự ghẻ lạnh, xa lánh của cộng đồng, thậm chí của chính người thân trong gia đình. Với họ, bệnh viện chính là nơi bấu víu cuối cùng", bác sĩ nói.

    Tương tự, nam thanh niên 30 tuổi, nghiện ma túy, bị gia đình chối bỏ trong lúc sức khỏe ngặt nghèo nhất. Hằng ngày, mẹ bệnh nhân thường xuyên thăm hỏi, chăm sóc, mang rau củ ở nhà đến viện biếu nhưng bác sĩ từ chối, nói chăm sóc bệnh nhân là trách nhiệm. Bà cũng nhiều lần mang phong bì, lúi húi dúi vào túi.

    "Hóa ra không phải bà mong bác sĩ tận tâm cứu chữa mà gia đình không muốn đưa con về nhà, sợ khi khỏe lại con trở về tiếp tục trộm cắp và hành hạ mọi người", bác sĩ Huyền kể, thêm rằng đây là ca bệnh khiến chị không thể quên.

    Theo bác sĩ, vấn đề lớn nhất trong điều trị bệnh nhân HIV/AIDS đến từ sự kỳ thị. Điều này khiến người bệnh vừa mặc cảm, vừa lo lắng về bệnh tật, nhiều người tìm đến cơ sở điều trị kém uy tín, dẫn đến bệnh ngày càng nặng. Bên cạnh đó, việc điều trị không đúng khiến bệnh nhân gặp tác dụng phụ, tình trạng kháng thuốc và chi phí tốn kém.

    Một hậu quả nghiêm trọng khác đến từ việc giấu bệnh là mọi người sẽ không biết sức khỏe của bạn tình, đặc biệt trong nhóm MSM (quan hệ đồng tính nam). Điều này dẫn đến việc quan hệ tình dục không an toàn, khiến tỷ lệ lây nhiễm HIV càng cao. Thống kê của Bộ Y tế, tỷ lệ nhiễm HIV ở nhóm MSM tăng từ gần 4% (năm 2011) lên gấp hơn ba lần vào năm 2022, vượt qua nhóm tiêm chích ma túy và mại dâm.

    "Kết quả ước tính và dự báo những ca nhiễm mới, cho thấy MSM là nhóm nguy cơ chính của dịch HIV tại Việt Nam", PGS.TS.BS Phan Thị Thu Hương, Cục trưởng Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế, nói.

    [​IMG]

    Hầu hết bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS đều chịu sự ghẻ lạnh, kỳ thị của xã hội và người thân. Lúc này, bệnh viện là nơi bấu víu cuối cùng. Ảnh: Timesnow News


    Dù chưa thể chữa khỏi hoàn toàn HIV/AIDS, thế giới đã phát triển nhiều loại thuốc điều trị. Người bệnh phát hiện sớm, điều trị theo đúng phác đồ có thể sống khỏe mạnh. Chẳng hạn như chương trình điều trị dự phòng phơi nhiễm (PrEP) tại Việt Nam với 31.000 người đang sử dụng PrEP. Ngoài ra, 169.000 người đang điều trị HIV/AIDS bằng thuốc ARV. Trong đó tỷ lệ bệnh nhân có tải lượng virus dưới ngưỡng ức chế đạt 97%.

    Một người nhiễm HIV được điều trị sớm bằng thuốc ARV, tuân thủ điều trị thì thông thường sau 6 tháng tải lượng virus xuống dưới ngưỡng phát hiện (200 bản sao/ml máu). Khi đó, người này sẽ không lây truyền HIV cho bạn tình qua quan hệ tình dục, làm giảm lây truyền từ mẹ sang con.

    Theo bác sĩ Huyền, trước đây HIV vốn là "án tử" khiến người bệnh hoang mang, mất niềm tin và sống thu mình. Đến nay, sự kỳ thị xa lánh, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS đã được cải thiện, song vẫn còn nặng nề. Ngoài chị Luyến, hàng nghìn bệnh nhân khác cũng sống trong mặc cảm vì bị xem là "món nợ" của xã hội. Nhiều người chọn im lặng, xem bệnh viện là chốn nương tựa cuối cùng, có người chọn cái chết để giải thoát.

    "Để xóa bỏ những kỳ thị, cần có sự chung tay của cả cộng đồng. Ngoài sự đồng hành của bác sĩ, bệnh nhân cũng phải có lối sống lành mạnh để không lây truyền HIV cho người khác", bác sĩ chia sẻ.

    Thùy An

    *Tên nhân vật được thay đổi


    Adblock test (Why?)
    Nguồn: VNExpress​
     
  2. Facebook comment - Những người coi bệnh viện là nơi bấu víu cuối cùng

Share This Page