Khám sàng lọc hơn 1.900 học sinh 5 trường tiểu học, THCS tại huyện Chư Păh, Chư Prông và Ia Pa, các bác sĩ ghi nhận 1.139 cháu có dấu hiệu cong vẹo cột sống. Ngày 13/12, ông Hồ Ngọc Gia, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Gia Lai, cho biết thông tin trên, thêm rằng các cháu được bác sĩ khám sàng lọc bệnh học đường gồm dinh dưỡng, tật khúc xạ, răng hàm mặt, gù vẹo cột sống. "Cong vẹo cột sống là bệnh tật gặp nhiều nhất trong số các bệnh học đường, đáng báo động và cần phòng ngừa, can thiệp kịp thời", ông Gia nói. Nguyên nhân chính của tình trạng này là do tư thế ngồi học không đúng, mang vác quá nặng hoặc kích thước bàn ghế học không phù hợp với lứa tuổi, bệnh còi, suy dinh dưỡng... Ngoài ra, ánh sáng phòng học không đủ, quy cách và kích thước bàn ghế không còn phù hợp với sự phát triển thể lực của học sinh còn dẫn đến tật khúc xạ. Bệnh tật học đường ảnh hưởng đến hoạt động và ngoại hình của học sinh, gây biến dạng lồng ngực, suy giảm chức năng tim, phổi, khung chậu... Do đó ông Gia đề nghị nhà trường và cha mẹ học sinh quan tâm, nhắc nhở, điều chỉnh tư thế ngồi học cho các con. Đây là lần đầu tiên Gia Lai khảo sát và ghi nhận tình trạng cong vẹo cột sống của học sinh trên địa bàn. Nhiều học sinh ở Gia Lai có dấu hiệu cong, vẹo cột sống khi được bác sĩ khám sàng lọc tại trường. Ảnh: Ngọc Oanh Ông Trần Bá Công, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Gia Lai, cho biết hiện nay nhiều trường trên địa bàn vẫn còn sử dụng bộ bàn học được đóng bằng gỗ từ 20 năm trước. Trong khi đó, đời sống thay đổi, thể chất, chiều cao của học sinh cải thiện nên không còn phù hợp. Một số trường chủ động cải tạo bàn ghế bằng cách đóng thêm vào chân bàn, chân ghế một số khúc gỗ ngắn để các em có thể ngồi học thoải mái hơn. Để khắc phục tình trạng bệnh học đường gia tăng, theo ông Công, ngành giáo dục Gia Lai thay thế dần trang thiết bị cho các trường trong thời gian tới. Giáo viên, nhân viên y tế trường học được tập huấn để hướng dẫn học sinh về cách ngồi, đứng, nâng vác đồ vật, bài tập thể dục phòng ngừa và hỗ trợ điều trị khi bị cong, vẹo cột sống. Theo Bộ Y tế, cong vẹo cột sống là bệnh nặng nhất trong lĩnh vực cột sống, tỷ lệ mắc 0,5-1% dân số. Bệnh thường gặp ở người dưới 18 tuổi, trong đó nhóm 4-10 tuổi mắc nhiều nhất. 80-85% trường hợp bị vẹo cột sống không rõ nguyên nhân, một số bị bệnh bẩm sinh, hoặc mắc bệnh khác liên quan tới thần kinh - cơ. Nhiều trường hợp bị vẹo cột sống do ngồi sai tư thế lâu ngày. Ngọc Oanh Mua hàng tại Tin Học Như Ý Nguồn: VNExpress