Các loại vaccine Covid-19 thế hệ đầu tiên có thể gây đông máu hoặc khiến cơ thể sản sinh phản ứng miễn dịch quá mức. Các loại vaccine Covid-19 thế hệ đầu tiên là phương pháp cứu sinh trong thời điểm đại dịch căng thẳng. Theo số liệu báo cáo của chương trình COVAX, vaccine ước tính ngăn chặn 14,4 triệu số ca tử vong tại 185 quốc gia, tính từ tháng 12/2020 đến tháng 12/2021. Giống với bất cứ loại thuốc và sinh phẩm nào khác, vaccine Covid-19 vẫn có một số lỗi. Các chuyên gia cho rằng phát hiện và khắc phục các lỗi này là nền tảng để nâng cao độ an toàn và hiệu quả cho những loại vaccine tương lai, sử dụng cùng công nghệ. Vaccine mRNA xảy ra lỗi nhưng vẫn an toàn Mới đây, các chuyên gia từ Đơn vị Độc chất, Đại học Cambridge, Anh, đã phát hiện một "lỗi" trong công nghệ mRNA sản xuất vaccine Moderna và Pfizer. Theo nghiên cứu, vaccine đôi khi hướng dẫn cơ thể tạo ra các protein vô nghĩa, ngoài mục tiêu, thay vì loại protein đột biến giống với Covid-19, từ đó gây ra các phản ứng miễn dịch ngoài ý muốn. Họ gọi hiện tượng này là protein "trượt" dọc theo trình tự mRNA. Theo các nhà khoa học, nguyên nhân của tình trạng trên là bazơ biến đổi hóa học, có tên N1-methylpseudouridine. Phối hợp với các nhà nghiên cứu tại Đại học Kent, Oxford và Liverpool, Đơn vị Độc chất MRC đã thử nghiệm việc sản xuất protein ngoài mục tiêu ở người dùng. Họ phát hiện 25-30% tình nguyện viên phát triển phản ứng miễn dịch ngoài ý muốn. Dù vậy, các chuyên gia cho biết vaccine vẫn có tác dụng, không ai gặp phản ứng phụ, phù hợp với dữ liệu an toàn trước đó. Sau đó, nhóm nghiên cứu đã thiết kế lại các trình tự mRNA bị lỗi để tránh phản ứng ngoài mục tiêu, giúp vaccine tạo ra các protein trúng đích. Quá trình điều chỉnh khá dễ dàng, có thể áp dụng cho những vaccine mRNA trong tương lai. "Nghiên cứu cho thấy các vaccine mRNA ngừa Covid-19 an toàn. Hàng tỷ liều vaccine mRNA của Moderna và Pfizer vẫn hiệu quả, cứu nhiều mạng sống trên thế giới", tiến sĩ James Thaventhiran từ Đơn vị Độc chất MRC, đồng tác giả cấp cao của nghiên cứu, khẳng định. Mục tiêu của công trình là đảm bảo các vaccine mRNA trong tương lai cũng đáng tin cậy như vậy. Việc điều chỉnh protein mRNA là đóng góp quan trọng cho sự an toàn của nền tảng y học này. Nhân viên y tế Israel tiêm vaccine Covid-19 cho một em bé 6 tuổi tại Jerusalem ngày 23/11. Ảnh: AFP Nguyên nhân gây đông máu của vaccine adenovirus Sau khi các loại vaccine từ adenovirus như AstraZeneca và Johnson & Johnson ra mắt, giới khoa học ghi nhận báo cáo về hiện tượng máu đông. Các chuyên gia phát hiện nguyên nhân gây ra tình trạng này là hai phản ứng miễn dịch mất kiểm soát xảy ra cùng một lúc. Một trong hai phản ứng từng được báo cáo năm 2021. Nghiên cứu cho thấy một số người có đặc điểm sinh học hiếm gặp khiến hệ thống miễn dịch tạo ra kháng thể bất thường, sai hướng, phản ứng ngược lại với vaccine. Khi tiêm chủng, các kháng thể đó dẫn đến tình trạng giảm tiểu cầu huyết khối, gây ra cả đông máu và chảy máu bất thường. Các nhà khoa học đề nghị đặt tên cho tình trạng này là "giảm tiểu cầu huyết khối miễn dịch do vaccine" (VITT). Phản ứng thứ hai mới được đăng tải trên tạp chí Blood ngày 26/10. Các nhà khoa học chỉ ra rằng tình trạng đông máu của một số bệnh nhân giống với chứng rối loạn đã biết trước đây, có tên Giảm tiểu cầu do Heparin (HIT). Theo tiến sĩ Andreas Greinacher, chuyên gia rối loạn đông máu tại Bệnh viện Đại học Greifswald ở Đức, khoảng 20 đến 30 năm trước, HIT đã ảnh hưởng đến 3,5% bệnh nhân phẫu thuật thay khớp gối hoặc hông. Ở những người này, heparin, một chất làm loãng máu thường được dùng để ngăn ngừa cục máu đông, lại gây ra tình trạng đông máu nhanh chóng. Vaccine Covid-19 dựa trên adenovirus gây tình trạng tương tự HIT. Nghiên cứu cho thấy khoảng một trên 50.000 người dưới 50 tuổi tiêm vaccine bị ảnh hưởng. Tỷ lệ ở người từ 50 trở lên là một trên 100.000. Ngày nay, HIT rất hiếm xảy ra, vì các bác sĩ đã hiểu toàn diện nguyên nhân của nó và kê đơn các phiên bản heparin khác nhau, an toàn hơn. Tiến sĩ Greinacher cho rằng việc nghiên cứu cơ chế đằng sau HIT và VITT có thể giúp điều chỉnh vaccine từ adenovirus theo hướng an toàn hơn. Thục Linh (Theo University of Cambidge, Live Science) Mua hàng tại Tin Học Như Ý Nguồn: VNExpress