Hà NộiMai Ngọc, 38 tuổi, chi hơn một trăm triệu đồng thuê huấn luyện viên, mua nhiều thực phẩm chức năng hỗ trợ giảm cân, song vẫn "đổ gục" trước cám dỗ đồ ngọt. Ngọc cao 1,57 mét, nặng 68 kg, thường xuyên mệt mỏi, cáu gắt, rối loạn kinh nguyệt, đi khám được chẩn đoán mỡ máu, men gan cao, suy tuyến giáp. Đầu năm 2023, Ngọc tìm đến huấn luyện viên dinh dưỡng và được tư vấn theo chế độ ăn lành mạnh, cùng tập luyện để giảm cân, chi phí hơn 100 triệu đồng cả quá trình. Tuy nhiên, cô không thể nào cưỡng lại sức hấp dẫn từ các loại đồ ngọt, đặc biệt là cà phê sữa. Thói quen mỗi ngày uống 1-2 ly cà phê sữa như một nếp sống của Ngọc từ nhiều năm nay, khó bỏ. Khi ăn kiêng, Ngọc càng thèm cà phê sữa, luôn cảm thấy bức bối, khó chịu nếu không được uống, dù huấn luyện viên khuyến nghị cô sẽ thừa 150-200 Kcal so với tiêu chuẩn đặt ra. Nghĩ rằng có thể "bù đắp" lại bằng việc tập luyện nên cô vẫn uống hàng ngày, dù đang áp dụng ăn kiêng. Ngoài ra, thi thoảng cô vẫn tự cho phép bản thân ăn các loại bánh ngọt, uống nước ngọt có ga. "Việc ăn đồ ngọt dường như lại càng làm kích thích cơn thèm nên một khi đã ăn là rất khó dừng lại", Ngọc nói, thêm rằng thường xuyên bỏ kỷ luật ăn kiêng, tự bù đắp bằng việc tập luyện nhiều hơn. Trong ba tháng, thời điểm giảm nhiều nhất của Ngọc chỉ là 3 kg, sau đó nhanh chóng tăng về ban đầu. Các chỉ số vòng eo, bụng dưới với lượng mỡ thừa gần như không thay đổi. Cô càng căng thẳng và cảm thấy tốn tiền, tốn thời gian, mệt mỏi hơn. Tương tự, Lan, 30 tuổi, cũng nghiện đồ ngọt, mỗi ngày uống ít nhất một cốc trà sữa hoặc một lon nước ngọt. Từng giảm 5 kg nhờ áp dụng chế độ ăn kiêng lành mạnh, song chỉ được vài tuần, cô lại quay về với thói quen cũ, khiến cân nặng lên xuống thất thường. Giảm cân thất bại khiến nữ nhân viên văn phòng càng chán nản, quay lại với thói quen uống cà phê và trà sữa hằng ngày. Một cốc cà phê sữa đá. Ảnh: Freepik Đồ ăn ngọt với hàm lượng đường cao luôn là loại thực phẩm có sức hấp dẫn với phần lớn mọi người. Theo một nghiên cứu của Đại học Texas, Mỹ, đường làm tăng dopamine (hormone hạnh phúc), tăng dopamine lại kéo theo cảm giác thèm đường, tạo thành vòng luẩn quẩn. Bác sĩ Phan Thái Tân, huấn luyện viên sức khỏe giảm cân HomeFiT, cho biết thèm ngọt có nhiều nguyên nhân, thường gặp nhất là khi gặp căng thẳng, giống như một phản xạ không điều kiện ở con người. Khi nạp đồ ngọt sẽ giúp "xoa dịu" một phần lượng hormone căng thẳng đang tăng lên. Trong khi đó, tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trọng Hưng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, cho biết bản chất các loại đồ ngọt như kẹo, bánh, trái cây, nước ngọt... đều chứa rất nhiều đường - một trong những nguồn năng lượng chính để duy trì hoạt động của cơ thể. Người nghiện đường thường ở trong tình trạng cực kỳ thèm ăn các loại thực phẩm giàu tinh bột hoặc có vị ngọt, khi không được cung cấp thì cơ thể có cảm giác mệt mỏi, uể oải. Nếu ngưng hoặc giảm lượng đường cung cấp cho cơ thể một cách đột ngột, người nghiện đường có thể cảm thấy buồn rầu, đau đầu, giảm sự tập trung. Ăn nhiều đường, nhất là loại đường hấp thu nhanh, vượt quá khả năng chuyển hóa của cơ thể sẽ dẫn đến tăng đường trong máu, gây các bệnh về rối loạn chuyển hóa. Lượng đường dư thừa sẽ tích lũy dưới dạng mỡ dự trữ trong cơ thể, lâu dài dẫn đến thừa cân, béo phì, nguy cơ tiểu đường, huyết áp, tim mạch. Bác sĩ Hưng đơn cử, một lon nước ngọt có ga chứa lượng đường lớn, tương đương 22 gói đường pha cà phê. Nếu bạn uống thường xuyên trong thời gian dài sẽ làm tăng hàm lượng insulin trong cơ thể, gây tăng cân, béo phì, từ đó tăng nguy cơ cao mắc các bệnh mãn tính như tiểu đường, tim mạch, huyết áp cao, đột quỵ. Trẻ nhỏ béo phì còn tăng nguy cơ dậy thì sớm. Chưa kể, đường trong nước ngọt khi vào miệng sẽ khiến vi khuẩn phát triển, nếu không được chăm sóc phòng ngừa và điều trị tốt có thể dẫn đến nhiều vấn đề về răng miệng nghiêm trọng. Trẻ nhỏ uống nước ngọt có ga hàng ngày dễ dẫn tới lười ăn, không chịu ăn trong các bữa chính, gây thiếu hụt dinh dưỡng trầm trọng. Đường trong nước ngọt kích thích giải phóng dopamine, chất dẫn truyền nội tiết thần kinh trong não, khiến trẻ cảm thấy vui vẻ lúc đó, song về lâu dài sẽ bị lệ thuộc, nghiện loại thức uống này. Các nghiên cứu cho thấy đường còn làm hao mòn năng lượng cơ thể, gây tổn hại lâu dài cho da, dễ gây nghiện, khiến con người chạy theo khẩu vị không lành mạnh và khó kiêng khem. Ăn đường vượt quá khuyến cáo gây nhiều tác hại cho cơ thể. Ảnh: Freepik Theo bác sĩ Hưng, trung bình một người mỗi ngày bổ sung 2.000 Kcal, trong đó lượng đường không quá 10%, tức 200 Kcal. Cứ 1 g đường cung cấp 4 kcal. Như vậy mỗi ngày không nên ăn quá 50 g đường. Tương tự, nếu bạn chỉ ăn tổng 1.600 kcal một ngày thì lượng đường tối đa là 40 g. Người thừa cân, béo phì nên giảm một nửa, tức khoảng 20-25 g đường. Mọi người nên đọc nhãn thực phẩm đóng gói trước khi ăn để biết được thành phần cũng như lượng calo cung cấp. Bác sĩ Tân đưa ra một vài cách để giảm đồ ngọt, như sau: Đầu tiên, uống nước, hít thở sâu, đứng lên đi lại, vận động. Bạn có thể ăn những thực phẩm thay thế như trái cây không ngọt hoặc chua, hạt dinh dưỡng, nước ép, sinh tố, các loại tạo ngọt bằng đường la hán quả hoặc chà là, "bánh healthy" như bánh hạnh nhân, thanh protein bar, bánh yến mạch chuối chà là, bánh bicostti. Nếu thèm trà sữa, bánh kẹo ngọt, bạn có thể chọn loại ít đường hơn hẳn, kích thước nhỏ, tập trung cảm nhận 1-2 miếng đầu tiên, nhâm nhi thật kỹ để thỏa mãn, sau đó cân nhắc bỏ. Bên cạnh đó, thời điểm ăn rất quan trọng. Bạn nên ăn ngay sau bữa chính, bởi trước đó đã hấp thụ protein, xơ nên sẽ giảm tốc độ hấp thu đường. Ăn đồ ngọt cùng các loại trái cây, đồ ăn kèm giàu xơ, chất béo để làm chậm tốc độ hấp thu. Thúy Quỳnh Mua hàng tại Tin Học Như Ý Nguồn: VNExpress