Mỗi khi buồn bực, Mai Hương, 29 tuổi, chi hàng chục triệu đồng mua sắm để giải tỏa trong khi thẻ tín dụng nợ gần 100 triệu đồng và bác sĩ cảnh báo bệnh rối loạn tâm thần. Căn phòng ngủ không đủ chỗ đựng các loại túi xách, quần áo, giày dép, Hương thiết kế thêm một phòng khác chỉ để đựng đồ. Cô nhân viên ngân hàng thừa nhận thường bị ám ảnh bởi những món đồ chào bán trên mạng, luôn muốn sở hữu ngay bởi nếu không mua sẽ mất ăn mất ngủ vì thường xuyên nghĩ về nó. "Mỗi khi mua một món đồ yêu thích, tôi cảm giác như được bù đắp cho những cảm xúc tiêu cực cuộc sống bủa vây, tâm trạng tốt lên nhanh, cảm thấy sung sướng vì được tiêu tiền", Hương giải thích. Tuy nhiên, "sự bù đắp" này chỉ giúp Hương thỏa mãn trong thời gian ngắn, sau đó lại nhanh chóng cảm thấy mệt mỏi, áp lực và muốn mua nhiều thứ nữa để "bù đắp" thêm. Thẻ tín dụng đã nợ gần 100 triệu, Hương vay chỗ nọ bù chỗ kia. Hương thừa nhận bản thân thường phải vật lộn để thanh toán nhiều khoản nợ, song không biết làm cách nào để hạn chế vì "nếu không mua sắm càng căng thẳng và u uất hơn". Tương tự, mỗi lần áp lực công việc hay chuyện tình cảm, Thúy, 32 tuổi, cho phép bản thân tiêu tiền để cân bằng lại cảm xúc. Cô thưởng thức những bữa ăn sang trọng tại nhà hàng, mua sắm những món đồ hàng hiệu, cho rằng việc tiêu tiền cho bản thân như vậy cũng là một phương thức chữa lành cho chính mình. Đi làm ổn định, lương cao nhưng Thúy vẫn không thể tích lũy được tiền vì mua sắm quá đà. Mức thu nhập vài chục triệu một tháng không phải thấp nhưng gần như tháng nào Thúy cũng tiêu hết. Thậm chí, nhiều mặt hàng quá mức chi trả, Thúy vay thêm bạn bè để sở hữu chúng. Cô cũng thừa nhận mua sắm không chỉ giải tỏa căng thẳng mà còn tăng cảm giác tự tin hơn, khẳng định giá trị bản thân, thể hiện đẳng cấp. "Đi làm, kiếm tiền chính là để bản thân hạnh phúc và cách nhanh nhất khiến hạnh phúc đó là mua sắm", Thúy nói. Nhiều hệ lụy từ chứng nghiện mua sắm. Ảnh: Economictimes.Indiatimes Nghiện mua sắm là nhu cầu chi tiêu vượt mức không thể kiểm soát để bù đắp cho những cảm xúc tiêu cực hoặc thể hiện sự thiếu tự tin. Đây là cảm giác say mê mua hàng đến mức không thể kiểm soát, nếu không mua, họ bứt rứt không yên, nhưng mua về lại không dùng đến hoặc nhanh chóng chán nản. Các chuyên gia thần kinh phân loại chứng nghiện mua sắm vào một loại rối loạn kích động kiểm soát (ICDs). Tình trạng này có khả năng liên quan đến những cảm xúc và một số căn bệnh tâm lý như trầm cảm, cô đơn và rối loạn lưỡng cực. Chưa có nghiên cứu, khảo sát về số người nghiện mua sắm tại Việt Nam. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, đây là chứng bệnh phổ biến chúng ta bắt gặp ở nhiều người quanh mình. Chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Hương Lan, Học viện Hạnh phúc Việt Nam, cho biết người nghiện mua sắm thường có những dấu hiệu như bị ám ảnh bởi những món đồ chào bán trước mặt, nợ nần chồng chất, giấu kỹ các khoản chi tiêu của mình để tránh bị những người khác chỉ trích. Họ cũng có thể mở nhiều tài khoản thẻ tín dụng hoặc làm thêm một công việc khác để chi trả cho thói quen chi tiêu. Nhiều người còn cảm thấy mình đã giữ việc chi tiêu mua sắm trong tầm kiểm soát, trong khi thực tế họ đang càng sa vào tình trạng quá đà. Phần lớn những tín đồ nghiện mua sắm tin rằng họ tiêu tiền để giải tỏa áp lực, giải quyết các vấn đề tâm lý như cảm xúc cô đơn, căng thẳng hoặc vì sĩ diện. Thực tế, nhiều người sẵn sàng chi tiền chỉ để có cảm giác tự tin hơn, khẳng định giá trị bản thân, thể hiện đẳng cấp hoặc giành được sự công nhận của một hội nhóm nào đó. Khi hành vi mua sắm khiến họ cảm thấy vui vẻ hay tích cực, họ có xu hướng lặp đi lặp lại, hình thành chứng nghiện. Theo Credit Karma, gần 1/4 người Mỹ cho biết chi tiêu theo cảm xúc của họ vượt ngoài tầm kiểm soát, khiến nhiều người chi tiêu quá mức, rơi vào cảnh nợ nần. Nghiên cứu cho thấy 53% người Mỹ mắc một số khoản nợ do chi tiêu theo cảm xúc, con số này tăng lên 67% đối với Gen Z (sinh năm 2000 trở lên). Báo cáo nghiên cứu về thương mại điện tử xuyên biên giới, do Ninja Van Group và DPDgroup thực hiện tại 6 quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) năm 2022, cho thấy người tiêu dùng Việt mua trung bình 104 đơn hàng mỗi năm, cao hơn hẳn so với người dân các nước xếp tiếp sau là Thái Lan (75 đơn), Singapore và Philippines (cùng 58 đơn). Trong khi đó, trung bình khu vực là 66 đơn mỗi năm. "Người chi tiêu theo cảm xúc" được định nghĩa là người tiêu tiền để đối phó với những lúc thăng trầm về mặt cảm xúc. Đây giống như một phần thưởng, giúp họ quên đi mọi thứ và mang lại cảm giác hài lòng ngay lập tức, tuy nhiên sau đó thường đi kèm tác dụng phụ là một chuỗi các cảm xúc tiêu cực, lo âu, cảm giác hối hận. Theo khảo sát trên, 45% số người được hỏi cảm thấy người mua có cảm giác hối hận (cảm thấy tội lỗi về việc chi tiêu, phung phí) vì chi tiêu theo cảm xúc và 59% cho biết họ hiện muốn cắt giảm chi tiêu của mình. Theo bà Lan, nếu không được can thiệp và khắc phục kịp thời, chứng nghiện mua sắm có thể khiến một người rơi vào tình trạng nợ nần, khủng hoảng tài chính, sức khỏe suy sụp, gây đổ vỡ các mối quan hệ gia đình và xã hội, làm trầm trọng các vấn đề tâm thần. "Khi nghiện mua sắm, các khoản nợ sẽ dần tăng lên và họ có xu hướng nói dối về những hoạt động của mình, điều này có thể làm tổn hại nghiêm trọng đến mối quan hệ thân thiết", bà Lan nói. Chuyên gia khuyên nên tìm những niềm vui khác ở thực tại với bạn bè, tham gia các hoạt động xã hội, trải nghiệm để giảm thời gian cầm điện thoại, hoặc sử dụng một số dịch vụ quản lý tài chính cá nhân để thay đổi thói quen của mình dễ dàng hơn. Nếu chứng nghiện mua sắm đang chi phối cuộc sống, nên tìm kiếm sự giúp đỡ từ gia đình và những người thân thiết, tham vấn bác sĩ tâm lý. Thúy Quỳnh - Như Ngọc Adblock test (Why?) Nguồn: VNExpress