Chỉ 17% phụ nữ từ 25 đến 65 tuổi từng tầm soát ung thư cổ tử cung trong 3 năm qua, con số khá khiêm tốn so với mục tiêu của WHO nhằm loại trừ bệnh vào năm 2030. Ngày 9/12, tại chương trình "Tầm soát ung thư cổ tử cung ngay hôm nay", TS.BS Bùi Chí Thương, Trưởng khối Sản, Bệnh viện Nhân dân Gia Định, TP HCM, cho biết ung thư cổ tử cung đứng thứ 2 trong các ung thư sinh dục ở nữ giới về tỷ lệ mắc cũng như tử vong, chỉ sau ung thư vú. Căn bệnh này tạo các gánh nặng bệnh tật lớn cho người bệnh, gia đình, hệ thống y tế và toàn xã hội. Hiện, mỗi năm nước ta ghi nhận hơn 4.000 ca mắc ung thư cổ tử cung mới và hơn 2.000 ca tử vong (chiếm khoảng 54%). Song, chỉ 17% phụ nữ trong độ tuổi từ 25 đến 65 từng tầm soát ung thư cổ tử cung trong 3 năm vừa qua. Đây được đánh giá là một con số khá khiêm tốn so với mục tiêu 70% phụ nữ trước 35 tuổi được khám sàng lọc trong chiến lược toàn cầu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhằm tăng tốc loại trừ ung thư cổ tử cung vào năm 2030. Người dân điền câu hỏi khảo sát tầm soát ung thư cổ tử cung, ngày 9/12. Ảnh: Ánh Hồng Ung thư cổ tử cung là bệnh lý ác tính của tế bào biểu mô lát (tế bào biểu mô vảy) hoặc tế bào biểu mô tuyến cổ tử cung phát triển bất thường dẫn đến hình thành các khối u trong cổ tử cung. Các khối u này nhân lên một cách mất kiểm soát, xâm lấn và tác động đến các cơ quan xung quanh, thường gặp nhất là di căn đến phổi, gan, bàng quang, âm đạo và trực tràng. Thống kê của WHO cho thấy khoảng 99,7% trường hợp ung thư cổ tử cung đều có sự hiện diện của virus HPV (Human Papilloma Virus). Do đó, virus HPV được coi là yếu tố nguy cơ cao nhất gây ra bệnh lý này ở nữ giới. Các triệu chứng ban đầu của ung thư cổ tử cung không rõ ràng, tiến triển thầm lặng, người bệnh khó nhận biết. Khi các triệu chứng xuất hiện rõ ràng hơn có thể tế bào ung thư đã di căn lan rộng. Các can thiệp điều trị lúc này vẫn có thể phát huy được hiệu quả, nhưng khá phức tạp và tốn nhiều chi phí. Nhiều rào cản về tâm lý, chi phí, địa lý hay khả năng tiếp cận phương pháp sàng lọc hiệu quả đã khiến cho nhiều ca ung thư cổ tử cung phát hiện ở giai đoạn muộn, giảm hiệu quả điều trị và tỷ lệ sống sau 5 năm. Không ít trường hợp phụ nữ phải cắt bỏ tử cung, mất đi khả năng sinh con và thiên chức làm mẹ. Bác sĩ Thương tư vấn cho người dân về tầm quan trọng của việc tầm soát ung thư cổ tử cung, ngày 9/12. Ảnh: Mỹ Ý Theo bác sĩ Thương, đa số ca ung thư cổ tử cung đều có thể phòng ngừa, tránh được những hậu quả không đáng có. Bệnh có tỷ lệ chữa khỏi lên đến hơn 90% nếu được sàng lọc, phát hiện sớm và điều trị các tổn thương tiền ung thư. Nếu như trước đây, việc phát hiện các tế bào ung thư đòi hỏi phải thực hiện nhiều quá trình phức tạp thì hiện nay với sự tiến bộ vượt bậc của công nghệ đã giúp việc tầm soát bệnh, phát hiện virus HPV trở nên dễ dàng hơn. Trong đó có phương pháp tự lấy mẫu để thực hiện xét nghiệm HPV DNA - xét nghiệm được WHO và Bộ Y tế Việt Nam khuyến cáo trong sàng lọc ung thư cổ tử cung đầu tay đơn lẻ (thay thế cho Pap Smear) cho phụ nữ từ 25 tuổi. Phương pháp này có thể lấy mẫu ngay tại nhà, giải quyết được những trở ngại về tâm lý, vị trí địa lý ngăn cản phụ nữ thực hiện sàng lọc bệnh sớm. Do đó, bác sĩ khuyến cáo phụ nữ đã quan hệ tình dục nên chủ động tầm soát ung thư cổ tử cung để phát hiện sớm và điều trị kịp thời, giảm di chứng thể chất và tinh thần. Mỹ Ý Mua hàng tại Tin Học Như Ý Nguồn: VNExpress