Trồng các loại cây cảnh, thường xuyên hút bụi, vệ sinh tấm lọc điều hòa và sử dụng máy lọc để đảm bảo chất lượng không khí trong nhà. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ô nhiễm không khí trong nhà là nguyên nhân gây ra khoảng 3,2 triệu ca tử vong trong năm 2020, trong đó hơn 237.000 ca tử vong là trẻ dưới 5 tuổi. Tình trạng này làm tăng nguy cơ mắc bệnh đột quỵ, tim mạch, thiếu máu cục bộ, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và ung thư phổi. Tiến sĩ Samir Garde, giám đốc khoa Phổi và Cấy ghép phổi tại Bệnh viện Toàn cầu Parel, cho biết các gia đình thường bỏ qua tầm quan trọng của chất lượng không khí trong nhà. Dù vậy, trong một số trường hợp, không khí trong nhà thậm chí ô nhiễm hơn ngoài trời, dẫn đến nhức đầu, dị ứng nghiêm trọng, làm tồi tệ thêm các bệnh đường hô hấp sẵn có. Một trong những biện pháp hiệu quả để đảm bảo chất lượng không khí trong nhà là trồng cây. Các loại cây trồng có tác dụng thanh lọc tự nhiên, làm tăng thêm nét thẩm mỹ cho môi trường xung quanh, đồng thời loại bỏ các độc tố như benzen, formaldehyde. Những loại cây lọc không khí trong nhà gồm cây lan chỉ, cây lưỡi hổ, cây lan ý, lô hội hoặc dương xỉ. Chăm sóc, bảo trì và thường xuyên thay thế bộ lọc máy điều hòa và máy sưởi cũng giúp loại bỏ các chất ô nhiễm một cách hiệu quả. Máy điều hòa, lọc không khí hoặc máy sưởi không vệ sinh có thể giải phóng lượng lớn bào tử nấm mốc vào không gian sống và khí thở. Cây lan ý có tác dụng lọc không khí trong nhà. Ảnh: Pexel Tiến sĩ Garde đề xuất các gia đình sử dụng máy lọc không khí để duy trì chất lượng không khí tốt nhất. Các loại máy lọc đặc biệt phù hợp với các gia đình có con nhỏ hoặc nuôi thú cưng. Máy sẽ xử lý các chất ô nhiễm như bụi, chất gây dị ứng và cải thiện chất lượng không khí, làm nguy cơ gặp vấn đề hô hấp và dị ứng. Các chuyên gia cũng khuyến nghị sử dụng máy hút bụi thay vì chổi để loại bỏ các loại lông thú, mạt bụi mắc sâu trong thảm và các bề mặt trong nhà. Nhiều người thậm chí khuyến nghị bỏ thảm, bởi chúng có thể tích tụ nấm mốc, lông thú cưng và các chất bẩn khác. Hút thuốc trong nhà cũng là một thói quen cần loại bỏ để nâng cao chất lượng không khí. Hút thuốc lá là nguyên nhân của 75% ca bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính. Người hút thuốc lá có tỷ lệ ung thư miệng cao gấp 27 lần, ung thư thanh quản gấp 12 lần so với người bình thường. Ngoài ung thư phổi, nhiều bệnh nguy hiểm như ung thư tuyến tụy, tử cung, cổ tử cung, thận, bàng quang, ruột, tai biến mạch máu não và trực tràng, có nguyên nhân liên quan thuốc lá. Thục Linh (Theo Hindustan Times) Adblock test (Why?) Nguồn: VNExpress