Hiệp hội bán dẫn Mỹ cho biết nhiều doanh nghiệp đang tăng gấp đôi khoản đầu tư, cho thấy vai trò quan trọng của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Trong tọa đàm do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức sáng 7/12 ở Hà Nội, ông John Neuffer, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Mỹ (SIA) đánh giá nhu cầu về công nghệ bán dẫn tiên tiến đang không ngừng tăng lên. Điều này đặt ra yêu cầu các quốc gia, như Mỹ và Việt Nam, cần hợp tác để nắm bắt cơ hội. Đoàn SIA tới Việt Nam lần này có các tên tuổi lớn như Intel, Marvell, Synopsys, Qualcomm, Ampere, Infineon. Theo ông Neuffer, nhiều doanh nghiệp trong số này đã có các khoản đầu tư đáng kể vào Việt Nam thời gian qua, ví dụ như Intel đầu tư 1,5 tỷ USD từ năm 2006 và đang bước vào giai đoạn thứ hai mở rộng hoạt động đóng gói và kiểm thử (ATM). Nhà máy Intel tại TP HCM chiếm hơn 70% tổng khối lượng ATM của hãng, tạo ra hơn 7.000 việc làm. Ngoài ra, Amkor vừa mở nhà máy tại Bắc Ninh, còn Marvell thành lập một trong bốn trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) lớn của hãng tại TP HCM. John Neuffer, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Mỹ (SIA), tại tọa đàm về sự sẵn sàng hạ tầng cho ngành bán dẫn, sáng 7/12 ở Hà Nội. Ảnh: NIC "Nhiều doanh nghiệp đang tăng gấp đôi số tiền đầu tư của họ. Đây là minh chứng cho vai trò then chốt và ngày càng tăng của Việt Nam trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu", ông Neuffer nói. Để tăng cường hợp tác giữa các bên, cũng như thúc đẩy ngành bán dẫn tại Việt Nam, ông Neuffer khuyến nghị Việt Nam đẩy mạnh lực lượng lao động, sớm đạt mục tiêu đào tạo 50.000-100.000 kỹ sư, khuyến khích cạnh tranh để thu hút đầu tư về R&D trong lĩnh vực, cải thiện cơ sở hạ tầng, mạng lưới giao thông, cùng chính sách thương mại phù hợp. Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết Việt Nam đã tích cực chuẩn bị các điều kiện để sẵn sàng đón nhận, hợp tác với doanh nghiệp, nhà đầu tư của Mỹ trong chuỗi cung ứng bán dẫn. Cụ thể, Việt Nam đã hoàn thiện cơ chế một cửa, xây dựng đề án phát triển nguồn nhân lực bán dẫn đến năm 2030, thành lập NIC Hòa Lạc để đón nhận dự án đầu tư ngành bán dẫn với các chế độ ưu đãi. Bộ trưởng cũng cho biết Quy hoạch điện VIII đã được Chính phủ phê duyệt, đảm bảo ưu tiên cung cấp điện ổn định cho các dự án đầu tư và hướng tới đảm bảo năng lượng bền vững. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: NIC Tại sự kiện, các địa phương, Ban quản lý khu công nghệ cao cũng cam kết cung cấp điện, nước ổn định, phù hợp với nhu cầu của các doanh nghiệp bán dẫn. Ông Nguyễn Anh Thi, Trưởng Ban Quản lý Khu công nghệ cao TP HCM, khẳng định với ngành vi mạch bán dẫn, thành phố "có hệ sinh thái tương đối liền mạch, sở hữu nguồn nhân lực trình độ cao, có văn hóa về đổi mới sáng tạo". Từ đầu 2002, TP HCM cũng có trung tâm đào tạo bán dẫn với Synopsis, đẩy mạnh đào tạo nhân lực tại Việt Nam nói chung và TP HCM nói riêng. Về nhân lực, ông Nguyễn Văn Phúc, Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo, cho biết số lượng sinh viên theo học STEM tăng liên tục nhiều năm qua. Việt Nam có 40 trường đại học đang đào tạo các lĩnh vực có liên quan đến bán dẫn. "Nếu nhu cầu ngành bán dẫn tăng lên, sinh viên sẽ chuyển sang quan tâm nhiều hơn và Việt Nam hoàn toàn có thể đáp ứng nguồn nhân lực, từ đào tạo thêm tới đào tạo mới hoàn toàn", ông Phúc nói. "Chúng tôi rất muốn các doanh nghiệp Mỹ hợp tác chặt chẽ với các trường đại học, xây dựng chương trình, hỗ trợ cho sinh viên đến thực tập, hỗ trợ các trường đại học xây dựng phòng thí nghiệm". Lưu Quý Mua hàng tại Tin Học Như ÝTheo Trang Công Nghệ