MỹCác chuyên gia cho biết cựu ngoại trưởng Henry Kissinger sống thọ do làm việc không ngừng nghỉ, kết nối xã hội thường xuyên và gene di truyền. Hôm 30/11, cựu ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger qua đời tại nhà riêng ở bang Connecticut, thọ 100 tuổi. Trước đây, trong cuộc phỏng vấn với Mathias Döpfner, Giám đốc điều hành Axel Springer, ông Kissinger tỏ ra ngạc nhiên khi bản thân có thể sống lâu đến thế. Con trai ông, David Kissinger, chia sẻ cha mình có chế độ ăn uống kém lành mạnh, cường độ làm việc căng thẳng và không tập thể thao. Dù vậy, cựu ngoại trưởng đam mê làm việc, thích kết nối xã hội, ý thức được sứ mệnh phục vụ của mình. Điều này được cho là nguyên nhân giúp Kissinger sống trường thọ. Làm việc không ngừng nghỉ Theo David, cha ông có "sự tò mò không nguôi" và "ý thức sứ mệnh". Dù sức khỏe suy giảm, Kissinger vẫn tham gia gần như đầy đủ các sự kiện thế giới cho đến cuối đời, xuất hiện trước công chúng ở Trung Quốc và Washington DC sau sinh nhật lần thứ 100. Từng có thời gian viết chung một cuốn sách về AI với Kissinger, cựu Giám đốc điều hành Google Eric Schmidt cũng đồng ý với điều này. Ông cho rằng thói quen làm việc không ngừng đã khiến Kissinger sống lâu. "Ông ấy chăm chỉ hơn một người 40 tuổi. Ông có thể thức dậy vào buổi sáng và làm việc cả ngày, ăn tối với gia đình rồi tiếp tục làm việc đến đêm. Tôi tin rằng bí quyết sống lâu là trở thành người nghiện công việc", ông nói. Theo Dawn Skelton, giáo sư về lão hóa và sức khỏe tại Đại học Glasgow Caledonian ở Scotland, bộ não năng động, ham học hỏi, ý thức về mục đích sống và sự gắn kết thế hệ là nền tảng cho tuổi thọ của Kissinger. Dù không tập thể dục, Kissinger vẫn luôn là người theo dõi thể thao trung thành và không bao giờ ngồi một chỗ quá lâu. Theo các chuyên gia, ít vận động có hại cho cơ thể ngang với hút thuốc. Cựu Ngoại trưởng Hoa Kỳ Henry Kissinger dự lễ tưởng niệm cố chính trị gia cấp cao Egon Bahr tại Nhà thờ St. Mary ở Berlin, Đức, tháng 9/2015. Ảnh: Reuters Kết nối xã hội và di truyền Theo nhà nghiên cứu tuổi thọ Hilary Brueck, những người sống trên 80 tuổi, vẫn minh mẫn, có trí nhớ tốt đôi khi không tuân thủ lối sống lành mạnh. Bên cạnh chế độ ăn uống, tần suất hoạt động, thói quen không hút thuốc, gene di truyền và mức kết nối xã hội cũng liên quan mật yếu đến tuổi thọ. Tuy nhiên, các yếu tố này đôi khi bị bỏ qua. Nghiên cứu gần đây của các chuyên gia Đại học Glasgow, diễn ra tại một số viện dưỡng lão, cho thấy người được gia đình, bạn bè đến thăm mỗi tháng sống lâu hơn người ít được thăm viếng. Các kết nối xã hội mạnh mẽ đóng vai trò như một "tấm đệm" chống lại căng thẳng và những tác động có hại của chứng lo âu và trầm cảm. Khi chúng ta già đi, việc duy trì tình bạn giúp giữ cho bộ não luôn nhạy bén. Theo một nghiên cứu gần đây của Học viện Thần kinh học Mỹ, những người bị cô lập phải đối mặt với nguy cơ co rút não cao hơn đáng kể. Di truyền cũng đóng vai trò thiết yếu đối với tuổi thọ. Theo Thomas Perls, giám đốc Nghiên cứu trăm tuổi ở New England của BU, việc sống đến 90 tuổi 30% do di truyền, 70% do lối sống. Ở những người thọ 110 tuổi, yếu tố di truyền đóng vai trò 70%. Cha mẹ ông Kissinger có tuổi thọ lần lượt là 95 và 97. Các nhà khoa học cho rằng điều này phần nào ảnh hưởng đến tuổi thọ của chính ông. Kissinger sinh ra ở Furth, Đức ngày 27/5/1923 và chuyển đến Mỹ cùng gia đình năm 1938, trước khi Đức Quốc xã tàn sát người Do Thái ở châu Âu. Ông từng là cố vấn an ninh quốc gia Mỹ từ tháng 1/1969 đến tháng 11/1975 và làm ngoại trưởng từ tháng 9/1973 đến tháng 1/1977. Sau khi rời chính phủ Mỹ, ông thành lập công ty tư vấn Kissinger Associates, trở thành một chuyên gia đưa ra những lời khuyên chiến lược cho các tập đoàn, chính phủ và công chúng. Thục Linh (Theo Business Insider) Adblock test (Why?) Nguồn: VNExpress