Hà NộiSau một năm vừa hút thuốc lá điện tử kết hợp thuốc lá truyền thống, nam sinh 17 tuổi có tổn thương phổi như người cao tuổi. Nhập viện vì ngộ độc thuốc lá điện tử, nam học sinh lớp 12 khiến các bác sĩ tại Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, bất ngờ khi thấy hàng loạt các vấn đề sức khỏe. Bác sĩ cho biết bệnh nhân rối loạn nặng về trầm cảm, trí nhớ, giấc ngủ, cảm xúc, liên quan sử dụng nghiện chất, tác động lên hệ thần kinh. Thăm dò chức năng hô hấp cho thấy bệnh nhân đang ở tuổi "bẻ gãy sừng trâu", song đã có biểu hiện của bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, bị xơ hóa phổi, thông khí kém, giống như phổi của người cao tuổi. Sau khi chữa tại Trung tâm Chống độc, bệnh nhân tiếp tục được chuyển Viện Sức khỏe Tâm thần. Một trường hợp ngộ độc thuốc lá điện tử là nữ bệnh nhân 20 tuổi ở Hà Nội. Cô gái trẻ nhập viện trong tình trạng đã hôn mê, da tái xanh, đồng tử co nhỏ. Kết quả chụp X quang ngực có tổn thương lan tỏa hai phổi. Bệnh nhân được điều trị tích cực, song vẫn có nhiều cơn gồng cứng tay chân. Các ca bệnh được tiến sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, chia sẻ tại Hội nghị Quốc tế chuyên ngành Chống độc, nhân kỷ niệm 25 năm thành lập Trung tâm Chống độc, ngày 1/12, thêm rằng thực trạng sử dụng thuốc lá điện tử đang lan rộng. Số bệnh nhân trẻ ngộ độc cấp dùng thuốc lá điện tử ghi nhận ngày càng nhiều. Sản phẩm thuốc lá điện tử như hộp sữa mà thiếu niên 17 tuổi sử dụng. Ảnh: Bác sĩ cung cấp Cụ thể, từ tháng 1/2022 đến tháng 10/2023 đã có hơn 120 ca bệnh nhân nhập viện sau khi sử dụng thuốc lá điện tử. Trong đó có 16 trường hợp cho kết quả dương tính với ma túy (chiếm 13,3%); 101 mẫu âm tính hoặc không có mẫu (chiếm 84,2%). Một số xét nghiệm ma túy có thể phát hiện tại trung tâm, song đa phần phải gửi bệnh phẩm sang viện pháp y. Kết quả độc chất một số bệnh phẩm gửi viện pháp y, phát hiện các chất ma túy với thành phần gồm: ADB-Butinaca, MDMD-butinaca; ADB-4en-pinaca; MDMB-4e-pinaca; EDMB-4e-pinaca; THC; PB-22. Cũng theo kết quả khảo sát, đa số người sử dụng thuốc lá điện tử là giới trẻ, độ tuổi trung bình là 22. Trong đó, nam giới chiếm phần lớn với tỷ lệ 87%. Đặc biệt, có tới 30% là đối tượng học sinh. Các trường hợp sử dụng thuốc lá điện tử tập trung chủ yếu tại khu vực thành thị với tỉ lệ 78%; địa điểm sử dụng phổ biến là tại nhà. Triệu chứng khởi phát phổ biến sau khi sử dụng thuốc lá điện tử là thường lơ mơ, rối loạn ý thức và kích động. Một số trường hợp có các biểu hiện co giật, chóng mặt, buồn nôn, run, tê yếu chân tay, mỏi mệt. Lê Nga Adblock test (Why?) Nguồn: VNExpress